Thưởng hình phạt tù cho người tố giác tội phạm
Vụ án từng được PLVN phản ánh liên quan đến việc ông Hoàng Văn Tuyển, một “lão” công nhân muốn thúc đẩy nghiệp kinh doanh đóng tàu bằng việc thành lập Cty CP CNTT Trường Xuân (Cty Trường Xuân) thông qua góp cổ phần bằng “thương hiệu” của Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin. Kết cục, vì sự góp “danh” ấy mà ông Tuyển dính vòng lao lý vì hành vi bị coi là tham ô tài sản nhà nước.
Ảnh minh họa. |
Nhờ cái danh là cty “thành viên” của Tập đoàn Vinashin mà Trường Xuân đã được Vinashin cho vay vốn để đóng tàu và xây dựng cụm công nghiệp (CCN) Trường Xuân thông qua Cty tài chính Vinashin (VFC). Khi vay tiền, Cty Trường Xuân đã phải thế chấp tài sản và được Tập đoàn bảo lãnh cho vay.
Năm 2006, thực hiện dự án san lấp mặt bằng CCN tàu thủy Xuân Tân, Cty Trường Xuân đã thuê ông Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Cty Hương Bằng thực hiện với giá trị thanh toán thực tế là hơn 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra, Cty Hương Bằng cũng thực hiện nhiều công trình khác cho ông Tuyển với số nợ phát sinh mà hai bên đã “chốt” là hơn 2,4 tỷ đồng.
Thời điểm này, dự án xây dựng CCN tàu thủy Trường Xuân được Tập đoàn Vinashin phê duyệt và cho vay vốn, trong đó hạng mục san lấp mặt bằng được phê duyệt dự toán hơn 6,4 tỷ đồng. Để có tiền giải ngân cho các khoản nợ của Cty, ông Tuyển đã làm một hợp đồng mua bán cát với Cty Hương Bằng của ông Hương giá trị 4 tỷ đồng. Trên cơ sở hợp đồng “mua cát” này, Cty Trường Xuân đã trích 4 tỷ đồng trong số tiền 15 tỷ mà Cty VFC cho vay để đóng 16 xà lan. Sau khi số tiền được chuyển vào tài khoản của Cty Hương Bằng, ông Hương đã rút ra đưa lại cho ông Tuyển để trả nợ, còn số tiền mà ông Cty của Tuyển còn nợ ông Hương thì vẫn treo lại.
Sau nhiều lần đòi nợ ông Tuyển nhưng không được, ông Hương đã làm đơn tố cáo gửi Công an tỉnh Nam Định, UBND huyện Xuân Trường, UBND tỉnh Nam Định về việc ông Tuyển “lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản”. Trong đơn tố cáo ngày 20/6/2011, ông Hương tố cáo ông Tuyển lợi dụng chức vụ để tham ô 4 tỷ đồng mà ông Tuyển đã thông qua hợp đồng mua bán cát với Cty Hương Bằng để rút ra trả nợ, tố cáo việc ông Tuyển chiếm đoạt hơn 2,4 tỷ công nợ của Cty Hương Bằng.
Chỉ 8 ngày sau khi có đơn tố cáo, ngày 28/6/2011, CQĐT đã xem xét và khởi tố vụ án để điều tra hành vi “tham ô tài sản” của ông Tuyển. Tuy nhiên, trước khi kết thúc điều tra 10 ngày, ông Hương cũng bị khởi tố về tội… tham ô tài sản với cáo buộc đồng phạm với ông Tuyển. Ngày 18/6/2012, TAND tỉnh Nam Định đã xét xử và tuyên ông Hương 15 năm tù về tội tham ô tài sản; đây là “phần thưởng” cay đắng mà ông Hương nhận được vì đã “có công” tố giác tội phạm.
Tòa bước tiếp trên “vết xe đổ”, hé lộ nhiều sai phạm nghiêm trọng
Tuy nhiên, ngày 21/11/2012, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao đã xử phúc thẩm và hủy án sơ thẩm, yêu cầu điều tra làm rõ nhiều nội dung quan trọng liên quan đến việc buộc tội các bị cáo, như phải điều tra làm rõ việc ông Tuyển sử dụng 4 tỷ đồng rút ra từ “hợp đồng mua cát” với Cty Hương Bằng để trả nợ cho Cty Trường Xuân mà trước đó chính ông Tuyển phải đi vay để thực hiện “dự án” và làm rõ số tiền các bị cáo bị quy kết tham ô có các khoản chi nào được chấp nhận.
Tuy nhiên, kết thúc điều tra bổ sung, những yêu cầu của Tòa Phúc thẩm đã không được CQĐT làm rõ. Sự thay đổi duy nhất sau khi điều tra lại là việc VKSND Nam Định đổi tội danh đối với ông Hương từ tham ô tài sản sang “che dấu tội phạm” với lý do ông Hương đã hợp thức hóa chứng từ giúp ông Tuyển che dấu việc tham ô.
Ngày 30/7/2014, TAND tỉnh Nam Định mở lại phiên tòa và tội trạng của ông Tuyển không thay đổi khi ông này vẫn bị xử phạt 20 năm tù như án cũ. Đối với ông Hương, nhờ được đổi tội nên án phạt được rút từ 15 năm tù xuống còn 3 năm tù.
Những vô lý trong việc buộc tội các bị cáo đã được cấp phúc thẩm xét xử trước đây nêu rõ và hủy án để điều tra, xét xử lại. Thế nhưng, trong lần xét xử thứ hai, những vô lý này không thay đổi, thậm chí còn nảy sinh nhiều điều trái khoáy khác. Việc ông Hương là người có đơn tố giác tội phạm song lại bị quy tội “che dấu tội phạm” là một trong những lời buộc tội vô lý, khó chấp nhận trong quá trình điều tra, xét xử lại theo yêu cầu của tòa phúc thẩm.
Ngoài ra, tại phiên tòa, nhiều nhân chứng là những người được nhận tiền mà ông Tuyển lấy từ 4 tỷ đồng để trả nợ cũng khẳng định đã cho ông Tuyển vay để phục vụ hoạt động của Cty. Như vậy, việc Tòa Phúc thẩm yêu cầu làm rõ những khoản tiền này không phải là tham ô đã bị CQĐT và cả tòa án cấp sơ thẩm một lần nữa bỏ qua.
Với những hạt sạn “khó nuốt” này, bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Nam Định tiếp tục đi vào “vết xe đổ” của bản án đã bị hủy trước đây và câu hỏi về sự khách quan, vô tư, đúng pháp luật trong việc điều tra, xét xử vụ án này cần phải được trả lời rõ trước công luận.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu