Sau 5 ngày kể từ khi thực hiện Quyết định trưng cầu giám định của Cơ quan CSĐT và tham gia khám nghiệm tử thi, đại diện Trung tâm Pháp y tỉnh Vĩnh Phúc cho hay, “chúng tôi chưa hề có kết luận về nguyên nhân khiến nạn nhân Nguyễn Tuấn Anh tử vong”…
Diễn biến phức tạp từ vụ chết người này đã khiến Viện Khoa học hình sự- BCA vào cuộc và tiến hành khám nghiệm tử thi lần 2. |
“Ngạt nước” chỉ là tin đồn.
Như PLVN đã thông tin thì vào sáng 17/3/2013, người dân đã phát hiện thấy thi thể của anh Nguyễn Tuấn Anh (SN 1986, trú tại phường Hội Hợp, TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) tại 1 cống nước thuộc địa phận phường Hội Hợp. Sau khi cơ quan chức năng tiến hành khám nghiệm tử thi thì xuất hiện thông tin, “nạn nhân chết do ngạt nước”.
Cho rằng cái chết của anh Tuấn Anh có điều bất thường nên gia đình nạn nhân và nhiều người dân đã bức xúc dẫn đến phản ứng thái quá bằng việc đưa quan tài đến trung tâm TP. Vĩnh Phúc, gây sức ép để cơ quan chức năng làm rõ vụ việc. Diễn biến phức tạp từ vụ chết người này đã khiến Viện Khoa học hình sự- BCA vào cuộc và tiến hành khám nghiệm tử thi lần 2.
Đến nay, khi sự việc đã tạm lắng thì nhiều người mới “ngã ngửa” rằng, cơ quan chức năng chưa hề có kết luận gì về nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân Tuấn Anh. Thông tin “nạn nhân chết do ngạt nước” là thiếu căn cứ và không biết bắt nguồn từ đâu.
Trao đổi với phóng viên, bác sỹ Kim Văn Mừng- giám định viên (GĐV)- Phó Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Vĩnh Phúc, người trực tiếp tham gia khám nghiệm tử thi Nguyễn Tuấn Anh vào trưa 17/3 cho hay: “Ngay sau khi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Phúc có Quyết định trưng cầu giám định “tìm nguyên nhân chết của nạn nhân”, Giám đốc Trung tâm pháp y đã cử tôi cùng 3 kỹ thuật viên tham gia khám nghiệm tử thi cùng đại diện Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, chính quyền địa phương, VKSND tỉnh…tiến hành khám nghiệm. Việc khám nghiệm còn có sự chứng kiến của đại diện tổ dân phố và đại diện gia đình nạn nhân”.
Cho chúng tôi xem Biên bản khám nghiệm tử thi có đầy đủ chữ ký của những người tham gia, Bác sỹ Mừng cho hay, đây chỉ là Biên bản nhằm mô tả quá trình khám nghiệm, xem xét dấu vết bên ngoài, bên trong (sau khi và mổ) và thu thập mẫu (thức ăn tronng dạ dày, máu, gan…của nạn nhân) để phục vụ công tác xét nghiệm. Không ai tham gia buổi khám nghiệm đó có Kết luận về nguyên nhân chết của nạn nhân Hiện nay, chúng tôi vẫn phải đợi kết quả xét ngiệm vi thể, độc chất…thì mới có thể đưa ra Kết luận về nguyên nhân gây tử vong cho nạn nhân được.
Trong khi đó, trao đổi với báo giới, ông Đỗ Văn Hoành- Phó GĐ Công an tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho biết, “Kết quả khám nghiệm tử thi lần thứ 2 không có sai khác so với lần trước, trong đó không hề có kết luận nạn nhân chết do ngạt nước. Đây là do một số đối tượng có ý đồ xấu đã cố tình tạo ra dư luận không đúng sự thật”.
Cần phân biệt “khám nghiệm” và “Kết luận giám định”
Theo quy định của BLTTHS thì việc khám nghiệm tử thi để nhằm “phát hiện dấu vết của tội phạm, vật chứng và làm sáng tỏ các tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án”. Còn để xác định nguyên nhân chết người thì cần phải dựa vào nội dung “Kết luận giám định (KLGĐ)” của cơ quan giám định.
Biên bản khám nghiệm tử thi (lần 1) thể hiện đầy đủ các thành phần tham gia |
Như vậy, việc Biên bản khám nghiệm tử thi không đưa ra kết luận về nguyên nhân chết của nạn nhân Tuấn Anh này là hoàn toàn đúng quy định. Lý giải rõ hơn về việc này, Bác sỹ chuyên khoa 1 Ngô Hường Dũng- Phó Viện trưởng Viện pháp y quốc gia cho biết, “về nguyên tắc, không bao giờ mà vừa mới khám nghiệm tử thi xong mà GĐV đã kết luận được ngay nguyên nhân chết của nạn nhân (trừ 1 số rất ít các trường hợp như nạn nhân bị đâm thẳng vào tim hay bị tai nạn giao thông, ô tô đè bẹp sọ thì có thể đưa ra kết luận sơ bộ).
Hoạt động khám nghiệm tử thi do Điều tra viên chủ trì ( có GĐV, đại diện gia đình nạn nhân, chính quyền địa phương…tham gia) mang tính nhận diện ban đầu, tức thì. Các thành phấn tham gia được ký và ghi ý kiến của mình vào biên bản
Cần phân biệt Biên bản khám nghiệm tử thi với KLGĐ vì để có được KLGĐ chính xác thì GĐV phải tiến hành tổng thể nhiều biện pháp như: xét nghiệm đại thể, vi thể, hóa pháp (nếu có)…và có thể phải dựa vào cả dấu vết hiện trường hoặc hung khí gây án…Khác biệt lớn nhất còn thể hiện ở chỗ, trong KLGĐ pháp y thì chỉ có GĐV ký và đóng dấu. GĐV phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình.
Rất tiếc, trong vụ việc ở Vĩnh Phúc vừa qua, do một số thông tin không rõ ràng, thiếu cơ sở mà một số người dân đã phản ứng tiêu cực bằng cách đưa quan tài đi “diễu phố”.
Cùng với viế điều tra, xử lý những đối tượng gây ra cái chết cho nạn nhân Nguyễn Tuấn Anh, cơ quan chức năng cũng sẽ tiến hành xác minh về nguồn gốc, động cơ của tin đồn gây ảnh hưởng xấu vừa qua.
Ngày 17/3/2013, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã khởi tố vụ án giết người, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam 6 nghi can trong vụ anh Tuấn Anh bị chết gồm: Nguyễn Văn Tình (SN 1988), Nguyễn Văn Định (SN 1983- cùng ở huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) Phùng Đắc Tú (SN 1994), Phùng Mạnh Tuấn (SN 1992- cùng Hợp Thịnh, Tam Dương, Vĩnh Phúc); Đặng Quốc Tú (ĐKTT tại Phú Thọ) và Nguyễn Văn Bình ( SN 1997, trú tại P. Đồng Tâm, TP Vĩnh Yên). Đại diện Phòng CSĐT tội phạm về TTXH CA tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, “nguyên nhân vụ án được xác định là mâu thuẫn bột phát do 6 đối tượng đang ngồi uống, 2 đối tượng đến lời qua tiếng lại dẫn đến va chạm”. Sáng 20/3, Cơ quan CSĐT công an tỉnh Vĩnh Phúc đã tiếp tục khám nghiệm hiện trường để truy tìm chứng cứ và đã thu giữ một cành cây bàng và một ngọn tre tại nơi phát hiện xác nạn nhân 3 ngày trước. |
H. Tuấn