Tại phiên tòa sơ thẩm của TAND quận Tây Hồ vào tháng 11/2018, mặc dù anh Tòng đưa ra đầy đủ chứng cứ chứng minh việc chuyển nhượng cho người quen chỉ là giả mạo, để thuận lợi cho việc vay tiền chứ thực chất nhà đất vẫn do gia đình anh quản lý, sử dụng nhưng anh Tòng vẫn bị tuyên “mất nhà”. Rất may, bản án sơ thẩm trên đã bị VKSND TP Hà Nội kháng nghị hủy án.
Cho người quen đứng tên sổ đỏ để nhờ vay hộ tiền: Mất nhà!
Anh Lương Văn Tòng trình bày, năm 2011, anh mua ngôi nhà diện tích 62m2 tại tổ 34 cụm 5, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội, đã được cấp sổ đỏ có số hiệu X 113138 cấp năm 2004, với giá 5,8 tỷ đồng. Sau đó anh Tòng làm thủ tục đứng tên chủ sở hữu.
Năm 2013, để thuận tiện cho việc vay tiền làm ăn, anh Tòng sang tên nhà đất của mình cho vợ chồng ông Đàm Quang Lâm và bà Hà Thị Dung nhưng việc chuyển nhượng chỉ thực hiện “trên giấy”. Sau khi việc vay mượn giải quyết xong, anh Tòng cất giữ sổ đỏ, còn nhà đất thì gia đình anh vẫn quản lý, sử dụng từ trước đến nay.
Ngôi nhà ở tổ 34 cụm 5, phường Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội) của anh Lương Văn Tòng |
Cuối năm 2014, anh Đàm Quang Dũng (con trai ông Lâm) đến mượn sổ đỏ của anh Tòng. Ngày 29/1/2015, ông Lâm, bà Dung làm hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ trên cho anh Phạm Tuấn Anh. Do việc mua bán chỉ thực hiện trên giấy, nhà đất từ trước đến nay vẫn do gia đình anh Tòng quản lý, sử dụng nên anh Tuấn Anh khởi kiện yêu cầu ông Lâm, bà Dung bàn giao nhà theo hợp đồng chuyển nhượng, nếu không thực hiện hoặc hủy hợp đồng thì phải bồi thường cho anh Tuấn Anh 6 tỷ đồng.
Tại phiên xử sơ thẩm, anh Tuấn Anh giữ nguyên yêu cầu khởi kiện trên. Bị đơn là ông Lâm, bà Dung không đồng ý, cho rằng giấy chuyển nhượng chỉ là giả tạo, mục đích ông bà ký là để cho chị Hoàng Thị Bích Ngọc (người làm ăn với anh Dũng - con trai ông bà) thế chấp vay tiền của ông Phạm Hùng Lân (bố anh Tuấn Anh). Chị Ngọc đã ký “Giấy mượn tài sản để thế chấp vay tiền” ngày 29/1/2015 với nội dung mượn sổ đỏ X 113138 đứng tên ông Lâm, bà Dung và nhờ ông bà chuyển cho anh Tuấn Anh (con trai ông Lân) để vay vợ chồng ông Lân 4,8 tỷ. Theo lời khai của ông Lâm, bà Dung thì trên thực tế đây chỉ là ký trên giấy chứ ông bà và anh Dũng chưa nhận tiền của anh Tuấn Anh.
Anh Lương Văn Tòng kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND quận Tây Hồ đã tuyên anh "mất nhà" |
Ngày 4/4/2017, ông Lâm, bà Dung có yêu cầu phản tố đề nghị Tòa án hủy hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông bà và anh Tuấn Anh vì đó là giả mạo. Đến ngày 12/11/2018, ông Lâm bà Dung lại phản tố, đề nghị Tòa công nhận hợp đồng mua bán giữa ông bà với anh Tòng là hợp pháp.
Anh Tòng và vợ là chị Thủy có yêu cầu độc lập đề nghị tuyên hủy hợp đồng mua bán QSDĐ giữa anh Tòng với vợ chồng ông Lâm; hủy hợp đồng mua bán QSDĐ giữa vợ chồng ông Lâm với anh Tuấn Anh. Lý do: việc anh Tòng để ông Lâm, bà Dung đứng tên sổ đỏ nhà đất của mình nhằm mục đích nhờ vay hộ số tiền 1,4 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi chứ hoàn toàn không có việc chuyển nhượng. Cuối năm 2014, anh Tòng đã trả hết khoản nợ 1,4 tỷ cả gốc lẫn lãi (có chứng từ trong hồ sơ vụ án), sau đó anh nhận lại sổ đỏ nhà đất của mình; anh cũng không sang lại tên mình vì yên tâm rằng nhà đất anh vẫn ở, sổ đỏ anh vẫn cầm.
Bản án sơ thẩm số 07 ngày 15/11/2018 của TAND quận Tây Hồ quyết định: Tuyên bố không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Tuấn Anh với ông Lâm, bà Dung, tuyên hợp đồng chuyển nhượng giữa ông Lâm, bà Dung với anh Tuấn Anh vô hiệu; chấp nhận yêu cầu độc lập của ông Lâm, bà Dung về việc công nhận hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa ông bà với anh Tòng; buộc gia đình anh Tòng phải bàn giao nhà đất cho ông Lâm bà Dung. Bản án sơ thẩm cũng bác bỏ hoàn toàn yêu cầu của anh Tòng.
Án sơ thẩm đã sai phạm nghiêm trọng khi đánh giá chứng cứ
Ngày 17/12/2018, VKSND TP Hà Nội ra Quyết định số 05 về bản án sơ thẩm vụ án trên của TAND quận Tây Hồ theo hướng hủy bản án sơ thẩm.
Kháng nghị chỉ rõ: Việc Tòa sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của anh Tòng về việc hủy hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa ông Lâm, bà Dung và anh Tòng là không đánh giá đầy đủ chứng cứ. Bởi lẽ: Nguồn gốc nhà đất trên là của anh Tòng mua năm 2011. Đến cuối năm 2013, anh Tòng vay ông Lâm bà Dung 1,4 tỷ, sau đó ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ cho ông Lâm bà Dung mục đích để ông bà đứng tên vay hộ ngân hàng chứ hoàn toàn không có việc mua bán, không có việc giao tiền. Sau đó anh Tòng đã thánh toán hết số tiền cho ông Lâm bà Dung vào cuối năm 2014.
Tại biên bản ghi lời khai ngày 18/8/2015, phía bị đơn là ông Lâm, bà Dung thể hiện: Diện tích nhà đất tại tổ 34 cụm 5 Phú Thượng, Tây Hồ từ trước đến nay vẫn là của anh Tòng trực tiếp quản lý, sử dụng. Do anh Tòng là anh em kết nghĩa với bố mẹ vợ của anh Đàm Quang Dũng muốn vay tiền làm ăn với lãi suất ưu đãi nhưng không vay được nên nhờ ông Lâm bà Dung vay hộ ngân hàng ở Từ Sơn (Bắc Ninh).
Để làm tin thì anh Tòng làm thủ tục chuyển nhượng sang tên giấy tờ nhà đất cho ông Lâm, nhà đất anh Tòng vẫn ở, giấy tờ anh Tòng vẫn giữ. Một thời gian sau thì anh Đàm Quang Dũng đến mượn anh Tòng sổ đỏ để đi vay tiền. Sau đó có việc vợ chồng ông Lâm làm hợp đồng chuyển nhượng nhà đất cho anh Phạm Tuấn Anh.
Quyết định Kháng nghị số 05 ngày 17/12/2018 của VKSND TP Hà Nội đề nghị hủy án sơ thẩm |
Kháng nghị số 05 cũng phân tích: Tại phiên tòa sơ thẩm, anh Đàm Quang Dũng thừa nhận lấy sổ đỏ từ tay anh Tòng. Anh Tòng còn xuất trình được tài liệu chứng cứ là 4 chứng từ giao dịch nộp tiền vào tài khoản bà Dung (đây là số tiền anh Tòng khai nợ ông Lâm bà Dung năm 2014) nhưng HĐXX không xem xét để đánh giá chứng cứ là không khách quan, toàn diện. Do đó, có cơ sở xác định hợp đồng chuyển nhượng đất giữa anh Tòng với ông Lâm bà Dung là giao dịch giả tạo để che dấu việc vay mượn tiền giữa các bên. Việc tòa án tuyên không chấp nhận yêu cầu của anh Tòng, không xác định đây là giao dịch vô hiệu do giả tạo, không giải quyết hậu quả giao dịch vô hiệu là không chính xác.
Kháng nghị còn chỉ rõ: Đối với quyết định của bản án sơ thẩm buộc ông Lâm, bà Dung, anh Dũng (con trai ông bà Lâm) liên đới trả lại cho anh Phạm Tuấn Anh số tiền 6 tỷ đồng là không có căn cứ bởi thực tế không có việc giao số tiền trên.
Mặt khác, tại Kết luận giám định giọng nói cũng thể hiện: chị Ngọc thừa nhận mình chị Ngọc vay số tiền 4,8 tỷ đồng của ông Lân (bố anh Tuấn Anh), chị có trách nhiệm trả vợ chồng ông Lân, bà Hằng còn anh Dũng không liên quan đến số tiền này. Như vậy thực tế chị Ngọc là người đã nhận 4,8 tỷ đồng nên người có trách nhiệm trả tiền cho anh Tuấn Anh là chị Ngọc. Do số tiền giao nhận là 4,8 tỷ nhưng định giá tài sản là 4,03 tỷ nên không có thiệt hại thực tế xảy ra. Anh Tuấn Anh không chứng minh được nguồn gốc số tiền 6 tỷ đồng khai giao cho anh Dũng. Vậy việc TAND quận Tây Hồ tuyên như vậy là ảnh hưởng đến quyền lợi của ông Lâm, bà Dung, anh Dũng.
Từ các lẽ trên, Quyết định Kháng nghị số 05 ngày 17/12/2018 của VKSND TP Hà Nội đề nghị hủy án sơ thẩm số 07/2018 ngày 15/11/2018 của TAND quận Tây Hồ. Hy vọng tới đây vụ án sẽ được giải quyết lại một cách khách quan, minh bạch, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho các đương sự và quan trọng hơn và áp dụng đúng pháp luật.