Vụ án “3 trong 1”
Hồ sơ vụ kiện cho thấy, năm 2002 ông Nguyễn Văn Lợi (SN 1942, trú tại An Giang) ký hợp đồng chuyển nhượng cho ông Đỗ Thân Dân (SN 1973, trú tại TP HCM) 6.000m2 đất tại ấp 4, xã An Thới (nay là khu phố 4, TT An Thới), huyện Phú Quốc, Kiên Giang với giá 1,1 tỷ đồng. Dù ông Lợi đã nhận một phần tiền nhưng lúc này, địa phương tạm dừng cho chuyển nhượng đất tại khu vực nên các bên đã không thực hiện được thủ tục chuyển nhượng.
Ông Dân đã khởi kiện yêu cầu ông Lợi phải tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ đã ký kết. Trong khi đó, ông Lợi (bị đơn) không đồng ý yêu cầu trên và cho rằng việc dừng thực hiện hợp đồng là do lỗi của nguyên đơn (ông Dân).
Liên quan đến đối tượng tranh chấp giữa ông Lợi và ông Dân thì người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án là ông Hà Văn Tài (SN 1961, khu phố 4, TT An Thới) lại cho rằng, 6.000m2 mà ông Lợi chuyển nhượng nằm trong thửa đất rộng hơn 26.800 m2 vốn được được gia đình ông khai phá, sử dụng ổn định từ năm 1977. Ông Lợi chỉ khai phá được khoảng 6.000m2 đất vào năm 1975 và 1 năm sau thì bỏ hoang, không sử dụng (đi vào đất liền). Nhưng không hiểu sao đến năm 1994, ông Lợi lại được UBND huyện Phú Quốc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ đối với toàn bộ diện tích đất trên.
Vì vậy, ngoài việc đề nghị Tòa công nhận quyền sử dụng toàn bộ thửa đất (hơn 28.500 m2 , trong đó có cả 6.000m2 đất mà ông Dân và ông Lợi đang tranh chấp), ông Tài còn đề nghị Tòa hủy Giấy chứng nhận QSDĐ của ông Lợi; hủy quyết định giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất giữa bố ông Tài và ông Lợi của Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc năm 1998, của Chánh thanh tra Nhà nước tỉnh Kiên Giang năm 1999 và của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang năm 2001 (các quyết định hành chính cá biệt).
Như vậy, xuất phát từ yêu cầu của các đương sự, Tòa cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm đã giải quyết cùng lúc 3 mối quan hệ là: tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ, tranh chấp QSDĐ và khiếu kiện quyết định hành chính cá biệt.
3 Quyết định hành chính bị hủy
Về tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Lợi với nguyên đơn hoặc một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều xác định hợp đồng này là vô hiệu và có phán quyết giải quyết hậu quả.
Về yêu cầu hủy quyết định hành chính cá biệt của ông Tài, HĐXX sơ thẩm và phúc thẩm đều cho rằng, ông Lợi đã được UBND huyện Phú Quốc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ nhưng các cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Kiên Giang lại ra quyết định giải quyết tranh chấp giữa ông Lợi và bố ông Tài, buộc ông Lợi bồi thường tài sản có cho bố ông Tài là không đúng thẩm quyền theo quy định Luật đất đai (LĐĐ) 2003.
Hơn nữa, vào năm 1994, ông Lợi không trực tiếp quản lý sử dụng đất nhưng kê khai và được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ là đã có sự đăng ký kê khai chồng lấn giữa em ông Tài và ông Lợi. Việc UBND huyện Phú Quốc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Lợi - người không trực tiếp quản lý sử dụng - là không đúng đối tượng. Gia đình ông Tài đang quản lý sử dụng diện tích đất trên nhưng UBND huyện không có quyết định thu hồi đất mà có quyết định cấp quyền sử dụng đất cho ông Lợi là trái với Điều 21 LĐĐ 1993.
Vì vậy, Tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều chấp nhận toàn bộ yêu cầu độc lập của ông Tài, tuyên hủy Giấy chứng nhận QSDĐ do UBND huyện Phú Quốc cấp cho ông Lợi năm 1994 và đề nghị ông Tài liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xin cấp Giấy chứng nhận QSDĐ; Hủy 3 quyết định hành chính về giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất giữa bố ông Tài với ông Lợi của UBND huyện Phú Quốc, của Chánh Thanh tra Nhà nước tỉnh Kiên Giang và của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang.
Sau khi phán quyết trên có hiệu lực, ngày 13/5/2020, HĐTP TAND Tối cao đã có Quyết định giám đốc thẩm, hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Kiên Giang và bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP HCM để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm. Theo Quyết định giám đốc thẩm, việc Tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm thụ lý đơn yêu cầu của ông Tài là không đúng. Đồng thời, các quyết định cá biệt mà ông Tài yêu cầu hủy không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án và đã hết thời hiệu khởi kiện…
Lý do hủy án có thuyết phục?
Trước những lý do bị hủy án trên, TAND tỉnh Kiên Giang đã có văn bản “kêu oan” và kiến nghị Chánh án TAND Tối cao có văn bản đề nghị HĐTP TAND Tối cao xem xét lại Quyết định giám đốc thẩm.
Theo TAND tỉnh Kiên Giang, việc tòa cấp sơ thẩm thụ lý yêu cầu độc lập của ông Tài là đúng quy định bởi ông Tài tham gia tố tụng không đứng về phía nguyên đơn, không đứng về phía bị đơn. Đồng thời, ông Tài có đủ các điều kiện quy định tại Điều 201 BLTTDS (việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ; Yêu cầu độc lập của họ có liên quan đến vụ án đang được giải quyết…) và đơn yêu cầu độc lập của ông Tài đáp ứng quy định tại Điều 105 Luật tố tụng hành chính (TTHC) 2010.
Ngoài ra, TAND tỉnh Kiên Giang cũng cho rằng, việc thụ lý đơn của ông Tài là đúng theo quy định tại Điều 28 Luật TTHC năm 2010 (văn bản luật đang có hiệu lực tại thời điểm tòa thụ lý đơn khởi kiện)
Về lý do chấp nhận yêu cầu độc lập của ông Tài về việc hủy một số Quyết định hành chính cá biệt, TAND tỉnh Kiên Giang lý giải: LĐĐ 2003 quy định: “Tranh chấp quyền sử dụng đất mà các đương sự có Giấy chứng nhận QSDĐ hoặc có một trong các giấy tờ quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 50 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do TAND giải quyết”. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND các cấp lại giải quyết phần tài sản trên đất bằng việc buộc ông Lợi có trách nhiệm bồi hoàn giá trị cây trồng cho bố ông Tài.
Hơn nữa, tại quyết định giải quyết, Chủ tịch UBND các cấp đều nhận định tài sản trên đất là của ông Tài, người sử dụng đất cũng là ông Tài nhưng giải quyết một phần đất cho ông Lợi (người chỉ sử dụng đất từ 1975 đến 1976). Quá trình giải quyết, Chủ tịch UBND các cấp đã không mời ông Tài tham gia trong vụ việc nên ông này hoàn không biết quyền lợi của mình bị xâm hại bởi quyết định giải quyết tranh chấp đất giữa bố mình và ông Lợi.
Vì vậy, TAND tỉnh Kiên Giang cho rằng các quyết định cá biệt mà ông Tài khởi kiện được ban hành không đúng thẩm quyền, sai về trình tự thủ tục, không đúng về nội dung, làm xâm phạm quyền và lợi ích của ông Tài.
Còn đối với tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa nguyên đơn và bị đơn, nếu HĐTP TAND Tối cao thấy Tòa cấp sơ thẩm, phúc thẩm giải quyết chưa phù hợp thì hủy 1 phần án sơ thẩm và phúc thẩm để giải quyết lại. Việc hủy toàn bộ án sơ thẩm và phúc thẩm (kể cả những yêu cầu của đương sự khác đã được giải quyết đúng luật và không có khiếu nại) sẽ gây khó khăn cho trong quá trình giải quyết lại vụ án.
PLVN sẽ tiếp tục thông tin.