Vụ kiện 'không quen biết mà vay nợ nhau' tại Tây Ninh: TAND và VKSND có quan điểm khác nhau về bản chất sự việc

Bà Đào cho rằng chỉ là trung gian chuyển tiền, không mượn tiền nguyên đơn.
Bà Đào cho rằng chỉ là trung gian chuyển tiền, không mượn tiền nguyên đơn.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - VKSND cho rằng phán quyết của cấp sơ thẩm là không phù hợp, khi chỉ cộng trừ số tiền hai bên chuyển vào tài khoản của nhau để ra phán quyết, dù nguyên đơn không đưa ra được chứng cứ chuyển tiền là để cho vay và tòa cũng không xem xét các chứng cứ khác như lời khai các bên, nội dung ghi kèm mỗi lần chuyển khoản…

Bên nói chỉ làm trung gian chuyển tiền, bên nói cho vay

Theo hồ sơ, bà Phạm Thị Anh Đào (SN 1985, ngụ phường Hiệp Ninh, TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) có làm ăn với bà Trần Thị Hồng Nhung (SN 1985, ngụ phường Ninh Thạnh). Hai bên nhiều lần chuyển tiền qua lại làm ăn, vay mượn.

Bà Đào cho rằng, bà Nhung còn mượn số tài khoản của bà gửi cho bà Nguyễn Thị Diễm Trang (là người bà con bà Nhung, SN 1980, ngụ xã Thạnh Đông, huyện Tân Châu) để làm trung gian nhận, chuyển tiền giúp bà Nhung - bà Trang với nhau.

Tháng 4/2023, bà Đào nhận được thông báo của TAND TP Tây Ninh về việc bị bà Trang kiện đòi tiền nợ, là những khoản tiền mà bà Trang đã chuyển vào tài khoản bà Đào.

Theo đơn khởi kiện, nguyên đơn nói không quen biết, không làm ăn, chưa từng gặp bà Đào; nhưng thông qua người họ hàng là bà Nhung giới thiệu và cung cấp số tài khoản; cho rằng bà Đào là nhân viên ngân hàng, cần mượn tiền bà Trang. Hai bên không thỏa thuận thời hạn trả nợ và lãi suất.

Từ 24/10 - 11/12/2022, bà Trang đã chuyển khoản cho bà Đào 27 lần tổng số gần 29,5 tỷ đồng (Số lần chuyển và số tiền có mâu thuẫn giữa đơn khởi kiện và bản án sơ thẩm. Bản án sơ thẩm xác định bà Đào chuyển 29 lần 31 tỷ đồng, còn bà Đào xác định chuyển 27 lần 29,5 tỷ đồng). Bà Trang cho rằng bà Đào đã chuyển cho mình gần 15,4 tỷ đồng, nên sau khi cấn trừ thì bà Đào còn nợ 14,1 tỷ đồng.

Ngược lại, bà Đào cho biết không quen biết, không giao dịch, chưa từng gặp bà Trang. Bà Đào chỉ cho bà Nhung mượn số tài khoản, đứng giữa chuyển tiền giúp bà Trang - bà Nhung với nhau. Bà Đào cho rằng vì tin lý do hạn mức chuyển khoản trong ngày của mỗi cá nhân bị giới hạn, nên mới nhận lời giúp làm trung gian chuyển tiền. Bà Đào cho rằng việc bà Nhung - bà Trang nhận tiền, làm ăn, thỏa thuận với nhau như thế nào; bà hoàn toàn không biết.

“Vì chỉ cho mượn số tài khoản nên khi nào nhận được tiền từ bà Trang, tôi lập tức chuyển bà Nhung; hoặc ngược lại, khi bà Nhung chuyển khoản, tôi chuyển cho bà Trang. Giữa tôi với bà Trang không làm ăn, không liên lạc, không biết nhau. Nếu có nợ nần thì là giữa bà Nhung, bà Trang với nhau, tôi chỉ là trung gian chuyển tiền”, bà Đào khai tại tòa.

Theo bà Đào, với việc cho mượn số tài khoản, bà đã nhận từ bà Trang 29,5 tỷ đồng. Sau đó bà đã chuyển cho bà Nhung 14,2 tỷ đồng; và theo yêu cầu của bà Nhung, chuyển lại 15,4 tỷ đồng cho bà Trang. Nghĩa là hiện tại, bà Đào còn bị “âm” hơn 100 triệu đồng.

Kháng nghị của VKSND tỉnh Tây Ninh. (Ảnh trong bài: Lương Hổ)

Kháng nghị của VKSND tỉnh Tây Ninh. (Ảnh trong bài: Lương Hổ)

VKS đánh giá cấp sơ thẩm tuyên “không đúng”, vi phạm tố tụng

Tại biên bản hòa giải, bản tự khai, biên bản đối chất, bà Nhung xác nhận do giao dịch quá hạn mức nên mượn tài khoản, nhờ bà Đào làm trung gian chuyển tiền.

Bản tự khai ngày 15/6/2023, bà Nhung ghi rõ: “Tôi với bà Trang là chỗ bà con. Giữa chúng tôi có làm ăn giao dịch chuyển khoản qua lại với nhau khoảng hơn 2 năm nay. Số tài khoản của tôi vượt mức nên tôi có mượn tài khoản để giao dịch (…) chị Đào hoàn toàn không mượn tiền của Trang nên không có nợ Trang”.

Một số biên bản cũng cho thấy bà Trang khai không quen biết, không liên lạc, không giao dịch với bà Đào; việc chuyển tiền cho bà Đào là theo yêu cầu của bà Nhung. Tại biên bản đối chất ngày 12/7/2024, bà Trang nói: “Chị Nhung yêu cầu tôi khi chuyển tiền ghi nội dung “Nhung chuyển tiền” (…) Bà Nhung khai: “Số tiền nợ mà chị Trang khởi kiện thực chất là tôi (chị Nhung) nợ chị Trang, không phải chị Đào nợ”.

Trong phiên sơ thẩm hồi tháng 9/2023, Bản án sơ thẩm 146/2023/DS-ST không nhắc đến các tình tiết, lời khai quan trọng trên. TAND TP Tây Ninh chỉ cho rằng “việc thỏa thuận mượn tài khoản để chuyển khoản tiền lớn nhưng các bên không lập một văn bản thỏa thuận nào, cũng không có gì chứng minh việc mượn tài khoản chị Đào để thực hiện giao dịch giữa chị Trang, chị Nhung”. Chỉ căn cứ vào việc cộng trừ số tiền bà Trang đã chuyển vào tài khoản bà Đào và số tiền bà Đào đã chuyển vào tài khoản bà Trang, TAND TP Tây Ninh tuyên buộc bà Đào phải trả bà Trang 15,6 tỷ đồng.

VKSND tỉnh không đồng ý phán quyết này, nên ngày 27/10/2023 có kháng nghị 28/QĐ-VKS-DS. Theo VKS, theo khoản 2 Điều 91 Bộ luật TTDS, bà Trang phải có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ chứng minh. Nhưng bà Trang không chứng minh được hai bên có thỏa thuận vay tiền. Trong các sao kê bà Trang cung cấp không thể hiện nội dung bà Đào vay tiền hay trả tiền vay. Thậm chí một số sao kê còn thể hiện nội dung “Trang chuyển tiền chị Nhung”.

Một lập luận khác VKS nêu ra, là trong khoảng thời gian trên, tài khoản bà Đào, bà Trang chuyển tiền qua lại nhiều lần, nhưng bà Đào là người chuyển tiền trước, nên cho rằng bà Trang là người cho bà Đào vay tiền là không phù hợp.

Cũng theo VKS, các lời khai của bà Đào được bà Nhung thừa nhận và bà Nhung có vai trò rất quan trọng trong vụ án, nhưng tòa chưa tiến hành đối chất với bà Nhung về một số vấn đề (trong phiên sơ thẩm, bà Nhung còn vắng mặt). VKS nhận định tòa buộc bà Đào trả tiền cho bà Trang là “không đúng”.

VKS còn chỉ ra vi phạm tố tụng của cấp sơ thẩm, là giải quyết vượt yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, vi phạm Điều 5 Bộ luật TTDS, thiệt hại quyền lợi của đương sự. VKS đề nghị hủy án sơ thẩm để xử lại.

Ngày 2/8/2024 vừa qua, TAND tỉnh mở phiên thẩm, vẫn buộc bà Đào trả tiền cho bà Trang. Bị đơn cho biết sẽ có đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm không theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện.

Phóng viên Báo PLVN đã làm việc với TAND tỉnh Tây Ninh và được hẹn sẽ cung cấp bản án phúc thẩm. VKSND Tây Ninh thì cho hay sẽ sắp xếp cung cấp thông tin, quan điểm về vụ án. Về phía bà Trang, cho biết tới đây sẽ yêu cầu thi hành án. Về phía bà Nhung cho hay sẽ sắp xếp thời gian cung cấp các chứng cứ tới phóng viên Báo PLVN.

Đọc thêm

Vụ án Ban quản trị chung cư Miếu Nổi “tham ô”, “lợi dụng chức vụ”: Tự ý tiêu xài nhiều tỉ đồng đóng góp của cư dân

Đối tượng Phương và Đại khi bị bắt. (Ảnh: Công an cung cấp)
(PLVN) - Cơ quan CSĐT Công an TP HCM vừa ban hành kết luận điều tra (KLĐT) bổ sung vụ án xảy ra tại chung cư Miếu Nổi (quận Bình Thạnh). CQĐT đề nghị truy tố Phạm Phương, Đinh Việt Cường cùng về tội "Tham ô tài sản", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; Phan Dương Đại, Lê Văn Bình, Nguyễn Phước Nguyên tội "Tham ô tài sản"; Tôn Ngọc Bạch, Nguyễn Thị Đào về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Sơ thẩm vụ 'Trốn thuế' ở Phú Giáo (Bình Dương): VKS đề nghị phạt tiền với 3 bị cáo

VKS đề nghị HĐXX phạt tiền các bị cáo về tội “Trốn thuế”.
(PLVN) - Hôm qua (12/12), TAND huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) mở phiên sơ thẩm với bị cáo Nguyễn Thị Phương Huệ (SN 1967), Trần Thanh Tài (SN 1997, con trai bà Huệ, cùng ngụ huyện Phú Giáo) và Võ Đức Quang (SN 1993, ngụ Chơn Thành, Bình Phước) về tội “Trốn thuế”. Cả ba bị cáo buộc trốn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) khi khai giá mua bán đất thấp hơn giá thực tế.

Tuyên án vụ Xuyên Việt Oil

Các bị cáo tại phiên xử. (Ảnh: Quỳnh Trần)
(PLVN) - Hôm qua (29/11), TAND TP HCM công bố bản án với cựu Bí thư tỉnh Bến Tre Lê Đức Thọ; cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải; Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Cty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil Mai Thị Hồng Hạnh; cùng 12 bị cáo khác.

Đánh người suýt mất mạng, 4 thanh niên lĩnh 31 năm tù

Các bị cáo tại phiên tòa.
(PLVN) - Ngày 27/11, TAND tỉnh Kiên Giang đã tuyên phạt 4 bị cáo: Nguyễn Tấn Tường (21 tuổi), Trần Xuân Tuyến (23 tuổi), Trần Hữu Tèo (29 tuổi); Nguyễn Văn Khanh (23 tuổi), tổng cộng 31 năm tù về tội “Giết người”. Nạn nhân trong vụ án này là N.T.D (18 tuổi, ngụ TP Phú Quốc), hiện bị tổn thương cơ thể do các bị cáo gây ra là 44%.