Liên quan đến phản ánh của chị Nguyễn Thị Hạnh Dung về việc bị bỏ mặc 1 tiếng đồng hồ lênh đênh trên chiếc thuyền vịt, chống chọi với mưa giông, gió giật như trút nước, ông Thắng cho biết, ngay sau khi biết tin, ông đã yêu cầu họp toàn bộ Công ty để yêu cầu quản lý cũng như nhân viên cứu hộ ngày hôm xảy ra sự việc viết tường trình để tìm hiều nguyên nhân.
“Hôm đó, Công ty tôi chỉ có khoảng 20 xe đạp nước trên hồ, số lượng đó không quá đông để chúng tôi không thể kiểm soát tình hình. Tuy nhiên, do gia đình chị Dung đạp thuyền vượt mốc an toàn và mưa giông diễn ra quá nhanh nên tầm quan sát của các nhân viên cứu hộ bị hạn chế, che lấp dẫn đến công tác cứu hộ còn thiếu sót, khiến du khách hoang mang” – ông Thắng chia sẻ với phóng viên.
Chiếc thuyền gặp nạn trước đó được người dân cứu giúp |
Theo ông Thắng, nguyên tắc cứu hộ của Công ty ông từ trước đến nay vẫn là cứu thuyền ở xa trước nhưng vì thời tiết hôm đó không lường trước được, mưa giông lớn, tầm nhìn thấp nên mới để xảy ra tình trạng cứu hộ không kịp thời.
Cụ thể, “30 phút sau khi mưa giông bắt đầu ngớt, phát hiện ra còn sót 1 chiếc thuyền vịt ngoài xa, tôi đã nhanh chóng ra tận nơi để trợ giúp cho khách hàng nhưng khi đến nơi, chị Dung cùng gia đình đã được những nhân viên nhà hàng Bến Thủy cứu giúp lên bờ” – anh Nguyễn Đình Hiền – nhân viên cứu hộ trực tiếp hôm đó cho biết thêm.
Trả lời về việc chỉ chú ý tới việc đưa thuyền về bến mà không hỏi thăm hay trấn an tinh thần các du khách gặp nạn, anh Hiền thanh minh: “ Do không quan sát được ngay từ đầu nên việc cứu hộ diễn ra chậm trễ. Khi đến nơi, tôi có mời chị Dung xuống cano để đưa gia đình chị về bến nhưng chị từ chối, thêm nữa, lúc đó tôi cũng phải tiếp tục quay lại để đảm bảo sự an toàn cho các thuyền khác nên không đủ thời gian để lên bờ thăm hỏi chị chu đáo”.
Tuy nhiên, câu trả lời của nhân viên cứu hộ này khác xa so với những gì PV phỏng vấn nạn nhân (Chị Hạnh Dung) trước đó: “Tôi không hề nhận được bất kỳ sự hỏi han hay động viên nào từ phía đơn vị kinh doanh thuyền vịt…”.
Trước đó, ngày 31/5, PV Báo PLVN đã đến tận địa chỉ đăng ký kinh doanh của Công ty để liên hệ làm rõ sự việc thì bấm chuông rất nhiều lần nhưng không có ai ra mở cửa, gọi điện không ai bắt máy. Khi được hỏi về vấn đề này, ông Thắng phân trần: “ Địa chỉ trên giấy phép kinh doanh có 1 số vấn đề bất khả kháng. Địa điểm kinh doanh của chúng tôi ở Thụy Khuê, hoạt động dưới danh nghĩa của Công ty du thuyền Hồ Tây nhưng đến năm 2013, công ty đó giải thể, tôi có đi đăng ký lại nhưng địa điểm kinh doanh đang nằm trong diện quy hoạch nên không được cấp giấy phép. Về số điện thoại thì máy bàn đang gặp sự cố trục trặc, không đổ chuông nên không nhận được cuộc gọi của PV”.
Đến thời điểm này, Công ty Du thuyền Hồ Tây đã thừa nhận còn thiếu sót trong việc trả lời báo chí cũng như phản ứng chưa kịp thời trong những tình huống cứu hộ khẩn cấp như vừa qua.
Báo PLVN sẽ tiếp tục làm việc với UBND phường Thụy Khuê để tìm hiểu rõ hơn về công tác giám sát hoạt động kinh doanh của đơn vị này.