Vụ đánh cắp máy bay thương mại đầu tiên

Chiếc Catalina VR- HDT,
Chiếc Catalina VR- HDT,
(PLO) - Vụ cướp máy bay thương mại đầu tiên trên thế giới diễn ra vào ngày 16/7/1948, khi một toán cướp có vũ trang đã cố giành quyền kiểm soát một chiếc máy bay của hãng hàng không Cathay Pacific đang trên đường từ Macao tới Hong Kong với mục đích cướp tài sản.

Rơi máy bay mà không biết

17h30 ngày 16/7/1948, chiếc Catalina VR- HDT có biệt danh Miss Macao của hãng hàng không Cathay Pacific cất cánh từ Hong Kong, thực hiện hành trình khoảng 65km tới Macao rồi quay ngược lại cùng với 23 hành khách. Máy bay do cơ trưởng người Mỹ Dale Cramer, 27 tuổi, điều khiển; cơ phó là người Australia tên Ken McDuff, 23 tuổi, còn tiếp viên 22 tuổi tên Delca da Costa.

Ở thời điểm năm 1948, hệ thống thông tin liên lạc của các hãng hàng không còn rất sơ sài so với các tiêu chuẩn hiện nay, Cathay Pacific cũng không ngoại lệ. Trong suốt các chuyến bay, phi công không hề liên lạc với bộ phận mặt đất. Chính vì vậy nên khi máy bay không trở về sân bay Kai Tak ở Hong Kong vào lúc 18h30 cùng ngày theo dự định các nhân viên của hãng, dù rất lo lắng, nhưng không thể biết chuyện gì đã xảy ra. 

Mãi đến sáng hôm sau, khi vẫn không thấy tung tích của máy bay, người đồng sáng lập hãng Cathay Pacific là ông Sydney de Kantzow đã quyết định lên một chiếc Catalina khác để bay từ Hong Kong tới Macao tìm hiểu tình hình. Khi đến Macao, ông de Kantzow nhận được tin xấu cho biết chiếc máy bay của ông đã gặp nạn và rơi xuống biển. 

Theo lời 2 ngư dân ở Macao, họ đã nhìn thấy chiếc máy bay rơi từ trên trời xuống nhưng cả 2 đều không thể nhớ chính xác vị trí máy bay rơi. Cũng theo 2 người này, họ đã cứu sống được một người đàn ông có mặt trên chuyến bay. Người này được xác định tên Wong Yu-man, là một nông dân ở Macao. Anh ta được phát hiện trong tình trạng bất tỉnh và được đưa lên bờ vào khoảng 21h15 ngày16/7/1948. 

Một cuộc tìm kiếm xác máy bay quy mô lớn đã được tiến hành ngay sau đó, với sự tham gia của tàu thuyền của cảnh sát Macao, lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc, thuyền của ngư dân. Trên không, các máy bay của hải quân, không quân Mỹ và của hãng Cathay cũng tham gia tìm kiếm. 

Đến 15h20 ngày 17/7, tàu hơi nước SS Merry Moller trên đường từ Hong Kong tới Macao đã phát hiện phần cánh của máy bay trôi trên biển. Cùng ngày, thi thể nạn nhân đầu tiên cũng được trục vớt. Phần thân máy bay cuối cùng cũng được tìm thấy ở cách Macao khoảng 16km về phía Đông Bắc, gần với đường đi dự định của máy bay. 

Ở thời điểm năm 1948, Cathay Pacific dù mới chỉ lấn sân sang lĩnh vực vận tải hàng không nhưng đã phát triển nhanh chóng do biết chớp cơ hội. Cụ thể, theo Hệ thống Bretton Woods được thiết lập vào năm 1944 để điều chỉnh các quan hệ tiền tệ giữa các nước, Hong Kong không được nhập khẩu vàng tự do nhưng Macao khi đó thuộc Bồ Đào Nha lại không bị cấm hoạt động này. Nhận thấy tiềm năng từ việc đó, ban giám đốc Cathay Pacific đã quyết định thực hiện các chuyến bay vòng quanh giữa Hong Kong và Macao mỗi 2 chuyến một ngày, chuyên chở hành khách và vàng đi lại giữa 2 bên. 

Về phương tiện chuyên chở, Macao không có đường băng thích hợp nhưng lại có bến cảng lý tưởng cho hoạt động của những chiếc thủy phi cơ. Do vậy, Cathay Pacific đã mua 2 chiếc Catalina từ Ủy ban thanh lý tài sản không quân liên bang Mỹ tại Manila, Philippines để phục vụ cho hoạt động của hãng. 

Đi tìm chân tướng vụ việc

Trở lại với chiếc máy bay bị rơi, việc cứu hộ đã bị gián đoạn trong vài ngày do bão lớn. Đến khi tình hình thời tiết trở nên yên ả hơn cũng là lúc các điều tra viên bất ngờ phát hiện những vỏ đạn trong phần thân máy bay đã được đưa lên bờ và cả phần vẫn còn ở dưới đáy biển, dấy lên giả thuyết rằng máy bay đã bị tấn công – điều còn rất lạ lẫm vào thời kỳ đó.

Ngày 26/7/1948, tờ South China Morning Post dẫn lời cảnh sát trưởng Macao L.A.M Paletti tiết lộ 4 triệu phú đã tử nạn cùng chiếc Miss Macao càng củng cố giả thuyết trên. “Ông Paletti nói rằng một toán cướp có thể đã lập mưu buộc máy bay hạ cánh, sau đó bắt người và đòi tiền chuộc từ gia đình 4 người đàn ông giàu có.

Ông ấy nói rằng có 5 người bị tình nghi có liên quan đến vụ việc, trong đó có một phi công người Trung Quốc” – tờ Post khi đó dẫn lời viên cảnh sát đưa tin. 

Manh mối quan trọng trong vụ việc chính là Wong - người duy nhất sống sót trong thảm họa- dù bị gãy tay và chân phải song người này ban đầu một mực khăng khăng không hay biết chuyện gì đã xảy ra. Để moi được thông tin, cảnh sát đã phải giấu một máy ghi âm ở gần giường bệnh của anh ta; thêm vào đó, họ cũng cử một số cảnh sát đóng giả là bệnh nhân nằm ở các giường bệnh bên cạnh, giả làm thân để tiếp cận thu thập thông tin.

Hướng đi này mang lại hiệu quả khi cảnh sát đã bắt giữ 6 người thân của Wong và sau đó là chính tên này để thẩm vấn. Cũng từ đây, toàn bộ chi tiết về vụ cướp táo bạo đã được tái hiện. 

Wong thừa nhận có liên quan đến âm mưu cướp chiếc máy bay Miss Macao để cướp tiền. Tổng cộng 4 tên tham gia vụ việc, bao gồm hắn, tên Chio Tok và 2 người anh em họ của hắn tên Chio Kei-mun và Chio Cheong, đều sống ở làng Nam Mun, phía Đông Bắc bờ biển Tao Mun.

Theo kế hoạch đặt ra, nhóm của hắn dự định sẽ cướp một chiếc máy bay sau đó buộc máy bay phải hạ cánh xuống đâu đó để cướp tài sản của hành khách rồi đưa những người trên máy bay tới một hòn đảo xa xôi để đòi tiền chuộc từ người thân của họ. 

Vẫn theo lời Wong, Chio Tok đã học lái máy bay Catalina ở Manila và để thực hiện âm mưu, hắn và đồng phạm đã nghiên cứu rất kỹ đường bay từ Macao tới Hong Kong. Wong cho biết, hắn được rủ tham gia vụ việc vì nắm rõ địa hình ở địa phương cũng như các khu vực lân cận. 

Cơ trưởng Dale Cramer.
Cơ trưởng Dale Cramer.

Vào buổi sáng ngày 16/7/1948, 4 tên trong trang phục của những “người châu Âu” lên chiếc Miss Macao. Trừ  Wong, 3 tên trong nhóm mang theo súng. Chio Tok và Chio Cheong ngồi ngay phía sau các phi công. Khoảng 7 phút sau khi máy bay cất cánh, Chio Cheong xông tới dùng súng ngắn khống chế cơ phó McDuff còn Chio Tok cũng yêu cầu cơ trưởng Cramer trao quyền điều khiển máy bay cho hắn. Tuy nhiên, cơ trưởng Cramer – một cựu phi công của Hải quân Mỹ - đã từ chối yêu cầu của toán cướp còn cơ phó McDuff cũng lợi dụng sự hỗn loạn để tấn công kẻ đang khống chế ông. 

Một trận hỗn chiến giữa các phi công, hành khách và toán cướp đã nổ ra. Trong tình thế bất lợi, những tên cướp đã nổ súng bắn chết cơ trưởng Cramer và bắn về phía một số hành khách trên máy bay để giành quyền điều khiển máy bay. Nhưng, máy bay khi đó đã rơi vào tình trạng mất kiểm soát và lao xuống biển. 23 hành khách có mặt trên máy bay cùng toàn bộ phi hành đoàn đã thiệt mạng trong vụ việc. Trong số những hành khách xấu số có triệu phú Wong Chung-ping – người sở hữu khối tài sản lên đến 3 triệu USD - và được cho là đã lên máy bay Miss Macao với 3.000 lượng vàng bên mình.

Chuyến bay định mệnh

Cả cơ trưởng Cramer lẫn cơ phó McDuff đều không phải là những người được chỉ định lái chiếc máy bay Catalina VR- HDT từ ban đầu. Vào buổi chiều định mệnh 16/7/1948, Cramer được điều lái chiếc máy bay nói trên sau khi phi công được phân công lái máy bay bị đau tai cấp tính còn cơ phó McDuff phải thay ca cho một cơ phó khác sau khi người này bị ngã ít giờ trước khi máy bay cất cánh!

Một người khác lẽ ra không nên lên chiếc Miss Macao vào ngày hôm đó là một nhân viên kinh doanh của Cathay tên Robert Lowich Frost. Theo các thông tin về sau kể lại, sở dĩ nói như vậy là bởi người ban đầu đặt chiếc ghế của Frost là ông Alan Marshall - một nhà báo bị bại liệt từ nhỏ, khi đó đang có mặt tại Macao để lấy tư liệu cho một bài báo cho tạp chí Woman.

Chỉ ít lâu trước khi khởi hành, ông Marshall bỗng bị đau chân nên đã hủy chuyến bay. Thấy vậy, Frost đã lên chiếc ghế trống duy nhất với ý định giết thời gian trong lúc chờ cô dâu của anh làm tóc. 

Sau vụ việc, người đồng sáng lập Cathay Pacific Sydney de Kantzow đã đề xuất lắp các máy dò kim loại để kiểm tra hành khách trước khi lên máy bay nhằm ngăn chặn việc họ mang vũ khí lên tàu bay. Một số ý kiến cũng cho rằng nên khóa cửa buồng lái lại để ngăn người ngoài đột nhập vào khu vực này. Song, các đề xuất này đều không được áp dụng tại thời điểm đó.

Về số phận của tên Wong, cả Macao – khi đó là thuộc địa của Bồ Đào Nha, lẫn Hong Kong thuộc Anh đều không có điều luật điều chỉnh hành vi không tặc nên giới chức cả 2 nơi này đều không có cơ sở để xử lý hắn ta. Do vậy nên ngày 11/6/1951, Wong đã được thả ra khỏi nhà tù ở Macao sau 3 năm bị giam giữ rồi cùng vợ tới Trung Quốc./.

Đọc thêm

Cựu nhân viên ngân hàng thương mại lừa đảo tiền tỷ ở Lai Châu

Cựu nhân viên ngân hàng thương mại lừa đảo tiền tỷ ở Lai Châu
(PLVN) -  Ngày 24/12, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Lai Châu đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh khám xét, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Bùi Thị Thanh Nhài (SN 1989, có HKTT tại tổ 23, phường Đông Phong, TP Lai Châu) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

2 người tử vong sau vụ nổ lớn

Hình ảnh cột khói trắng bốc lên sau vụ nổ khiến 2 người tử vong.
(PLVN) - Sau tiếng nổ lớn, người dân bản Kẻ Bọn, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An) chạy tới hiện trường thì phát hiện 2 người đàn ông tử vong và 1 người bị thương.

Phạt tù 4 bị cáo chiếm đoạt hơn 300 triệu đồng của người dân qua mạng điện thoại

Các bị cáo Tài, Chương (hàng đầu), Thái và Phúc (hàng thứ 2) (từ trái sang) tại phiên tòa
(PLVN) - Ngày 23/12, TAND tỉnh Kiên Giang mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án đối với các bị cáo gồm Nguyễn Thông Thái (SN 1995), Dương Văn Tài (SN 2000), Trương Hán Chương (SN 2000) và Hồ Minh Phúc (SN 1995) về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản". Các bị cáo cùng ngụ TP HCM.