Theo hồ sơ vụ án, năm 2004, Trần Quốc Hoàng sinh năm 1978 được Công ty Tài chính Cao su Việt Nam tuyển vào làm việc tại bộ phận tín dụng. Trong quá trình làm việc tại đây, Hoàng đã nhiều lần bay qua Campuchia và Singapore để đánh bạc. Tới khoảng 2008, Hoàng bị thua lỗ nặng nề, để có tiền tiếp tục phục vụ cho “kiếp đỏ đen” của mình, Hoàng đã nghĩ ra cách lừa đảo ngay chính công ty của mình.
Trong suốt 3 năm trời (2009-2011), lợi dụng chức năng, nhiệm vụ được giao “vừa đánh trống vừa thổi kèn” là tiếp nhận hồ sơ vay vốn, hướng dẫn khách hàng lập, hoàn thiện hồ sơ, thẩm định hồ sơ vay vốn, định giá tài sản bảo đảm, lập tờ trình kiêm báo cáo kết quả thẩm định, đề xuất cho vay, dự thảo hợp đồng tín dụng, đề xuất giải ngân nếu đủ điều kiện.
Bên cạnh đó, lợi dụng sự buông lỏng quản lý, làm sai nguyên tắc của một số cán bộ, lãnh đạo bộ phận nghiệp vụ và Tổng Giám đốc Công ty Tài chính Cao su Việt Nam (cán bộ tín dụng là người trực tiếp thẩm định, lập hồ sơ đề xuất cho vay mà không có bộ phận nào kiểm tra. Công ty thường cho người nhà, người quen vay dễ dàng mặc dù thủ tục hồ sơ không đầy đủ).
Lợi dụng sơ hở này, Hoàng đã mượn GCNQSDĐ của nhiều người như mẹ vợ, em vợ, em ruột, bạn bè và nhiều khách hàng khác dùng làm tài sản thế chấp. Sau đó Hoàng tự lập hồ sơ vay vốn đứng tên những người có tài sản này rồi nhờ những người bán vé số dạo ký giả chữ ký của những người có tài sản trong hồ sơ vay vốn. Để vay được nhiều tiền, Hoàng đã không thực hiện đúng quy trình, thủ tục trong việc thẩm định giá và lập hồ sơ, mà y tự định giá về giá trị tài sản thế chấp cao hơn nhiều lần so với giá trị thực.
Để tránh sự phát hiện của những người cho mượn tài sản, Hoàng đã không làm thủ tục công chứng hợp đồng thế chấp tài sản, không đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định. Hoàng còn nói dối với ông Vương Đáng- Trưởng phòng tín dụng rằng những hồ sơ này là của người thân Hoàng, nhưng vì bận nhiều việc nên chưa đi làm đầy đủ các thủ tục được và đề nghị ông Đáng cho giải ngân trước, Hoàng sẽ nói họ bổ sung hồ sơ sau.
Mặc dù biết sai quy định nhưng vì tin tưởng nên ông Đáng vẫn ký giấy đề xuất lên Tổng Giám đốc là Phan Minh Anh Ngọc ký duyệt cho vay và giải ngân. Sau khi qua được 2 cửa ải quan trọng đó, Hoàng cầm hồ sơ đó tới phòng kế toán làm thủ tục chi tiền.
Theo quy định, cán bộ nhân viên của phòng này phải kiểm tra tính đúng đắn, hợp pháp, hợp lệ về hồ sơ khách hàng, hồ sơ tín dụng, chữ ký của Tổng Giám đốc. Dù biết hồ sơ chưa đúng quy định nhưng vì Hoàng nói rằng đây là những hồ sơ người nhà của Hoàng và của Tổng Giám đốc Ngọc nên phòng này đã đồng ý giải quyết cho Hoàng. Hoàng đã nhờ những người bán vé số ký vào phiếu chi (phần khách hàng- PV) để trả lại cho thủ quỹ.
Với những chiêu thức đó, Hoàng đã mượn 14 GCNQSDĐ lập 16 hồ sơ tín dụng giả để vay và chiếm đoạt hơn 33 tỷ đồng. Ngoài ra, Hoàng còn dùng 4 tài sản của vợ chồng mình trị giá chỉ 3,8 tỷ đồng, nhưng Hoàng tự lập 5 hợp đồng nâng khống giá trị để vay hơn 18 tỷ đồng. Sau đó Hoàng đã trả lại được một phần, tuy nhiên số tiền hơn 44 tỷ đồng còn lại Hoàng mất khả năng thanh toán.
Tương tự, các bị cáo Vương Đáng- Trưởng phòng tín dụng, Nguyễn Thị Lệ Hằng - kiểm soát viên kiêm Phó trưởng phòng Kế toán, Võ Thị Hoàng Hồng - thủ quỹ công ty, Lê Anh Tuấn- kế toán tín dụng, Nguyễn Hồng Hải- kế toán tín dụng, Trần Thị Thu Hiền- kế toán kho quỹ của Công ty Tài chính Cao su đều có chức năng, nhiệm vụ cụ thể. Tuy nhiên, một phần do quy cách làm việc của Công ty này, một phần vì nể, sợ cấp trên khi thấy có chữ ký duyệt của Tổng Giám đốc… nên họ cũng chỉ biết tuân lệnh làm theo.
Tại phiên tòa sơ thẩm, VKSND thành phố Hồ Chí Minh đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Quốc Hoàng mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Phan Minh Anh Ngọc, Đặng Thị Kim Anh bị đề nghị từ 10 đến 11 năm tù về tội vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tương tự, các bị cáo Nguyễn Thị Lệ Hằng, Võ Thị Hoàng Hồng, Lê Anh Tuấn, Nguyễn Hồng Hải, Trần Thị Thu Hiền bị đề nghị từ 9 đến 10 năm tù cho tội nói trên. Riêng bị cáo Vương Đáng sau khi khởi tố bị cáo này đã qua đời nên đình chỉ với bị cáo này…
Tuy nhiên kết thúc phiên tòa sơ thẩm, HĐXX chỉ tuyên phạt Trần Quốc Hoàng mức án chung thân. Bị cáo Phan Minh Anh Ngọc - nguyên Tổng Giám đốc và Võ Thị Hoàng Hồng- thủ quỹ Công ty Cao su Việt Nam được thay đổi tội danh từ “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” sang tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng”, do đó bị cáo Ngọc bị tuyên 5 năm tù giam, bị cáo Hồng 3 năm tù cho hưởng án treo vì gia cảnh khó khăn. Các bị cáo còn lại bị tuyên từ 4 đến 7 năm tù.
Sau đó một số bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, một số lại kêu oan. Bên cạnh đó VKSND thành phố cũng đã có bản kháng nghị đề nghị tăng án với một số bị cáo vì cho rằng mức án quá thấp.
Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình tuyên y án tù chung thân đối với bị cáo Trần Quốc Hoàng. Bên cạnh đó HĐXX cũng Không chấp nhận kháng nghị của VKS thay đổi tội danh với bị cáo Phan Anh Minh Ngọc, mà tuyên y án 5 năm tù với bị cáo này về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đặc biệt, HĐXX cho rằng bản án sơ thẩm chưa xem xét toàn bộ nội dung vụ án, vi phạm tố tụng. Chính vì vậy HĐXX đã tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra làm rõ hành vi của các bị cáo gồm: Đặng Thị Kim Anh, Nguyễn Thị Lệ Hằng, Lê Anh Tuấn, Nguyễn Hồng Hải, Trần Thị Thu Hiền.