Tuy nhiên, nơi đây vẫn còn nhiều hộ nghèo cần giúp đỡ, nhất là các gia đình đồng bào DTTS ở 8 xã miền núi, trong đó có xã Phúc Sơn nằm trên vành đai biên giới Việt Lào. Chính vì vậy, khi bắt tay vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo nhanh, bền vững, nhiệm vụ hàng đầu của lãnh đạo huyện Anh Sơn là tập trung huy động mọi nguồn lực trong đó có nguồn vốn tín dụng chính sách để đầu tư hỗ trợ hộ nghèo và gia đình đồng bào DTTS khó khăn phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.
Giám đốc NHCSXH huyện Anh Sơn, Trần Khắc Thi cho biết: toàn đơn vị đã đồng tâm, nhất trí cao tham gia thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững của địa phương thông qua những việc làm cụ thể như lập kế hoạch xử lý kịp thời, đề ra biện pháp phù hợp huy động nguồn vốn, tổ chức chuyển tải kịp thời, an toàn nguồn vốn về tận làng bản đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Kết quả của sự nỗ lực đó là tốc độ tăng trưởng dư nợ của NHCSXH Anh Sơn năm sau cao hơn năm trước, đến 31/10/2021, đạt trên 482 tỷ đồng, đạt 99,9% so với kế hoạch cả năm. Ngay cả khi đại dịch COVID-19 bùng phát dữ dội gây ảnh hưởng tới việc sản xuất, đời sống của nhân dân, những người làm tín dụng chính sách nơi đây đã chẳng quản ngại gian khó, vượt qua thử thách, khơi thông dòng chảy vốn chính sách, giúp hơn 5 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay 251 tỷ đồng đầu tư thâm canh ruộng vườn, phát triển chăn nuôi bò sữa, trâu sinh sản, trồng rừng nguyên liệu giấy, cây ăn quả đặc sản: cam, bưởi, thanh long…
Nguồn vốn do huy động tạo lập được cùng gần 9 tỷ đồng vốn ngân sách của tỉnh, huyện bổ sung, ủy thác đã được NHCSXH Anh Sơn tổ chức chuyển tải nhanh chóng, an toàn về khắp 21 xã trong toàn huyện, bất kể bản làng trong vùng sâu, trên vùng biên, bất chấp trở ngại do thiên tai, dịch bệnh gây ra, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận đầy đủ, kịp thời tới nguồn vốn chính sách của Nhà nước.
Thăm đồi chè sạch từ nguồn vay vốn chính sách hiệu quả |
Đơn cử, Phúc Sơn là xã tiếp giáp biên giới Việt Lào, dân cư chủ yếu là người Thái, Mông, đời sống khó khăn. Vì thế, việc xóa đói giảm nghèo được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến huyện xã đặc biệt quan tâm. Theo đó, NHCSXH Anh Sơn đã ưu tiên tăng vốn, thêm chương trình tín dụng, thực hiện cho vay trực tiếp đến từng hộ nghèo, từng gia đình DTTS khó khăn ngay ở Điểm giao dịch tại trụ sở UBND xã.
Gia đình chị Lô Thị Hằng ở bản Cao Vều 3 là hộ nghèo, thiếu vốn sản xuất. Căn nhà của vợ chồng chị chỉ một nửa bằng ván gỗ, nửa còn lại bằng phên tre nhưng trong trống hoác. Vợ chồng chưa biết làm gì để ổn định cuộc sống thì may sao cùng với sự giúp đỡ của hội phụ nữ địa phương cán bộ tín dụng NHCSXH huyện vào tận bản, trực tiếp hướng dẫn chị Hằng từ việc tham gia sinh hoạt Tổ TK&VV đến cách thức vay vốn, sử dụng vốn ưu đãi đầu tư nuôi trâu sinh sản, trồng chanh leo.
Sau thời gian chăm sóc vườn tược, chuồng trại chu đáo, 300 gốc chanh leo kết trái, cặp trâu đẻ thêm 2 con nghé béo khỏe, cho thu nhập tới 60 triệu đồng/năm, gấp 4 lần gieo lúa nương, trồng khoai sắn. Ngoài 50 triệu đồng vay đầu tư sản xuất, chị Hằng còn được vay vốn ưu đãi làm nhà ở kiên cố để không phải chạy mưa khi bão lũ tràn về.
Ở vùng biên Phúc Sơn, đồng vốn đến với người nghèo còn mang theo cả sinh kế như gia đình chị Lương Thị Bang, bản Cao Vều 2 thuộc diện hộ nghèo, nhưng đã nhận được sự hỗ trợ vốn vay từ NHCSXH huyện Anh Sơn với mức vay 50 triệu đồng, vợ chồng chị đã đầu tư xây dựng chuồng trại chắc chắn, mua con giống tốt nuôi lợt thịt, lợn nái.
Nhờ chăm chỉ lao động, phòng trừ dịch bệnh chu đáo, đàn lợn của nhà chị béo khỏe, cho nguồn thu nhập cao, gần 250 triệu đồng/năm. “Thời gian tới, tôi mong muốn được vay thêm vốn ưu đãi để mở rộng mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, vươn lên thoát nghèo nhanh làm giàu chính đáng”, chị Bang tâm sự
Ông Nguyễn Văn Tróng, Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn cho biết: “Bao năm nay, đồng bào dân tộc ít người ở các thôn bản được vay vốn chính sách thuận lợi, kịp thời vụ. Đảng bộ, chính quyền xã đã phối hợp rất chặt trẽ với NHCSXH huyện động viên hướng dẫn bà con sử dụng vốn vào phát triển kinh tế vườn đồi, vườn rừng, chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại, đồng thời đôn đốc hộ vay vốn thực hiện trả nợ, nộp lãi cho ngân hàng đầy đủ, đúng quy định. Hơn 30 tỷ đồng vốn chính sách đã góp phần giúp xã vùng biên giảm hàng năm tới 2,5% hộ nghèo, tạo đà để các gia đình quy hoạch cây giống, kỹ thuật, xây dựng các ruộng vườn kiểu mẫu”.
Nhìn lại chặng đường 19 năm hoạt động của NHCSXH huyện Anh Sơn cho thấy đạt hiệu quả rõ rệt. Nguồn vốn tăng trưởng không ngừng, trong khi đó tỷ lệ nợ quá hạn thấp, chỉ chiếm 0,07% tổng dư nợ. Từ nguồn vốn ưu đãi, miền núi đã và đang xích lại với miền xuôi, không còn cách trở xa xôi, nghèo nàn lạc hậu cũng lùi dần.
Phát huy thành tích, NHCSXH Anh Sơn tiếp tục đồng hành với người nghèo và các đối tượng chính sách, tập trung huy động nguồn vốn, nâng cao chất lượng phục vụ, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế xã hội ở vùng miền núi dân tộc phía tây Nghệ An.