14/4 là một ngày đáng nhớ đối với ông Huỳnh Bá Hoàng (SN 1960, Tổ trưởng tổ dân phố 34, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) khi ông gặp hũ vàng mà cứ “lờ lớ lơ” đi, tưởng đó chỉ là… đồ đồng nát.
Khu vực phát hiện “kho báu” |
Kho báu trong mộ cổ
Theo lời ông Hoàng, sáng đó khi ông đang ngồi uống cà phê với một thanh niên trong tổ thì nhìn thấy có một người rà phế liệu đến một khu đất đang được đặt móng của một người dân trong khu vực. Bất giác sau một ngụm cà phê, anh thanh niên nhớ lại, trước kia nơi mảnh đất này có một ngôi mộ xây bằng đá ong nhưng chưa có ai đào.
· Giúp người rà phế liệu “tẩu tán” cả chục kg vàng vì ngỡ đó là… đồng nát · Các bậc cao niên nhận định có thể còn nhiều kho báu trong khu vực vốn là nghĩa địa cổ · Người dân vừa thèm, vừa sợ khi một người hôi của bỗng dưng tai biến mạch máu não trên đường đi bán vàng |
Rồi anh lục trí nhớ người xưa truyền lại cho biết, nơi này trước đây vốn là nghĩa địa cổ được xây bằng vôi hoặc đá ong. Sau khi có kế hoạch di dời mồ mả rồi giải tỏa để xây dựng khu dân cư mới, nơi đây đã có một số ngôi mộ bị chìm lấp sâu trong lòng đất. Tại các ngôi mộ như thế nhiều người khi đào xuống đều tìm thấy vàng.
Nghe vậy, ông Hoàng mới rủ người thanh niên này đến vị trí người rà phế liệu, cũng là lúc người đào lên một chiếc nắp bằng đồng, gồm 5 lớp, mỗi lớp dày khoảng 4mm và đã bị ôxy hóa biến màu xanh lè. Nhát đào tiếp theo đã làm chiếc hũ phía dưới đó bị vỡ. Thấy vậy, ông Hoàng và thanh niên đi cùng đã ngồi xuống nhặt giúp những gì thấy được vào chiếc bao rác cho người rà phế liệu.
Ông Hoàng mô tả lại: “Số kim loại có được bao gồm nhiều hình bằng lá, màu vàng nhạt trông giống lá trầu, ngoài viền răng cưa và bao gồm nhiều lá khác nhau được sắp xếp từ nhỏ đến lớn. Lá to nhất khoảng bằng nửa bàn tay, lá nhỏ nhất bằng đầu ngón tay, có hoa văn và chữ đẹp mắt. Bên cạnh đó, tôi còn thấy có một số vật khác có màu đá xám, chất liệu bằng sứ.
Cụ thể là 3 chiếc ấm uống nước, kèm theo mỗi ấm là 3 chén uống nước và 3 chiếc đĩa; chiếc dây chuyền đã bị đứt, chiếc nhẫn có gắn 2 viên đá hình chữ nhật to khoảng bằng hạt bắp, một màu xanh và một màu đỏ; một thứ đồ hình vỏ con ốc hình xoắn dài”.
Cứ ngỡ đó chỉ là những đồ đồng nát nên khi hốt giúp xong số kim loại nói trên cho người rà phế liệu, ông Hoàng cũng chẳng đoái hoài gì. “Xẻ thịt” xong ngôi mộ cổ, người rà phế liệu đưa cho ông Hoàng và anh thanh niên cùng xóm một số lá kim loại nhưng hai người lắc đầu từ chối: “Lấy mấy đồ quỷ này làm chi”. Hai người chỉ giữ lại một lá kim loại, một chiếc ấm và 3 chiếc chén làm kỷ niệm.
Ông Huỳnh Bá Hoàng |
Tiền tỉ dưới lòng đất
Câu chuyện lẽ ra chỉ kết thúc ở đó, cũng bình thường như cả ngàn lần rà phế liệu mỗi ngày ở thành phố miền Trung này, nếu không có việc người rà phế liệu vác bao xác rắn lên xe Cub78 và vội vã bỏ đi mất hút. Xâu chuỗi lại những sự việc, đem kể với một vài người trong khu vực, có người mới nghi ngờ mang lá kim loại đó ra đốt thử thì miếng kim loại chỉ bị ố đen.
Để biết chính xác đó có phải là vàng hay không, ông Hoàng mang đến một hiệu vàng ở chợ Cẩm Lệ nhờ kiểm tra, kết quả được xác định là khi nấu lá kim loại này ra thì đó là loại vàng khoảng 3 tuổi.
Người dân trong khu vực nháo nhác. Người thì vò đầu bứt tai tiếc nuối. Người thì dậm chân thình thịch “Trời ơi là trời”. Người ta cùng nhau đi gom các mảnh vụn còn sót lại nơi người rà phế liệu đã bỏ rồi đem bán được số tiền hơn 10 triệu đồng. Nhận định về nguồn gốc của số vàng này, chủ tiệm cho biết đây là loại vàng Hời từ xưa của người Chăm.
Căn cứ qua những chứng cứ còn lại từ hiện trường thì ước tính số vàng đựng đầy trong hũ có dung tích khoảng 10 lít, tổng số vàng nặng từ 7 - 10kg, có thể trị giá cả tỉ đồng. Đáng nói hơn nữa là dù mọi người có lần tìm tung tích người rà phế liệu kỹ đến đâu thì người này vẫn “bặt tăm bặt tích”, có người cho rằng anh ta quê ở Quảng Nam, có người lại nói quê ở huyện Hòa Vang.
Câu chuyện “được vàng” đã “nóng” nay càng “nóng” hơn khi người dân bắt đầu đi tìm gốc gác của số vàng, xâu chuỗi những câu chuyện từng gắn với loại vàng bí ẩn này. Trở lại với mảnh đất “có vàng” ở tổ 34, qua lời kể của những vị cao niên trong làng thì khu vực này xưa có tên là Gò Theo, được người xưa đặt dựa theo vùng đất có tứ cận: Phía Đông giáp xứ đất Bắc Thuận, phía Bắc giáp Đông Phước, phía Tây giáp QL1A, phía Nam giáp thôn Phong Bắc (nay là các tổ 34 đến 37, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ).
Ngày xưa Gò Theo là một quả đồi hoang vu, đất cát vàng, không có hệ thống thủy lợi, giao thông đi lại khó khăn nên không thể canh tác. Một thời gian sau, Nhà nước đã mở một con đường vào nên nhờ đó đời sống người dân bớt khổ cực. Tuy nhiên, khi người dân đến đây canh tác đã phát hiện có nhiều ngôi mộ được xây bằng vôi mà không biết chủ nhân của nó là ai. Tại vùng đất này, người dân đã ít nhất bốn lần đào được vàng.
“Ma Hời báo oán”?
Đi tìm lại những người đã từng đào được vàng Hời ở khu vực, có một điều đặc biệt được nhấn mạnh là hầu hết những ai được vàng Hời trên thì đều có số phận long đong, ốm đau, chết yểu… chứ không đổi đời giàu sang.
Ngay trong buổi sáng ngày 14/4, một thanh niên trong xóm mót vàng không hiểu sao bỗng dưng bị tai biến mạch máu não phải đi cấp cứu tại bệnh viện. Theo lời kể của các nhân chứng, khi người thanh niên này chở ông Hoàng đến hiệu vàng, biết rõ số cổ vật vừa tìm được là vàng nên người này nảy sinh lòng tham. Suốt quá trình chở ông Hoàng về, người này luôn tìm cách bỏ ông Hoàng xuống với mục đích đi lấy chiếc bình cùng 3 chén uống nước.
Cũng không hiểu được ý định của người thanh niên nên tổ trưởng tổ dân phố vô tư đồng ý xuống xe. Sau khi người thanh niên lấy được chiếc bình và 3 chén uống nước thì cũng là lúc không ai liên lạc được với anh. Mãi sau nhiều giờ đồng hồ thì tin từ người nhà của anh mới cho biết là anh đang cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng vì bị tai biến mạch máu não. Từ sự việc này nhiều người cho rằng đó là “quả báo” mà người xưa đã yểm vào trong số cổ vật trên?
Trở lại những năm 1989, trong khu vực này có 3 anh em trong họ cũng vì đào được vàng Hời mà ly tán… Người ta cho biết do quá nghèo khổ nên 3 anh em đánh liều đi đào trộm những ngôi mộ xây bằng vôi để lấy đồ tùy táng đem bán và họ chỉ tìm được một tấm bia ghi bằng ký tự lạ. Sau khi nhờ người thông dịch, 3 anh em đã tìm thấy kho báu được chôn trong một ngôi mộ khác nằm cách ngôi mộ cổ khoảng 300m về hướng Đông Bắc.
Sau khi có của cải, cuộc sống 3 anh em khấm khá lên rất nhiều, thế nhưng tình cảm giữa họ không được như xưa; con cái của họ trở nên hư hỏng rồi không lâu sau đó gia đình họ lâm vào cảnh “tay trắng vẫn hoàn trắng tay” và phải bỏ đi biệt xứ. Ngoài ra còn còn có câu chuyện về 2 người anh em cũng trong làng tìm được hũ vàng, nhưng cuộc sống họ chỉ trãi qua cuộc sống sung túc một thời gian ngắn rồi đều chết yểu. Đặc biệt là câu chuyện về một ông lão vô tình bắt gặp một hoa chuối bằng vàng trong lúc làm vườn và lượm về, nhưng trên đường về nhà thì gặp tai nạn giao thông chấn thương sọ não.
Chính vì những câu chuyện này mà nhiều người sau khi “mót” được số vàng còn sót ở khu đất nêu trên vội vàng mang bán rồi tiêu xài cho bằng hết chứ không dám mang về nhà. Ngược lại vẫn có nhiều người khác kéo tới các lô đất lân cận để rà tìm vàng vì vẫn tin “còn hai hũ vàng nữa”. “Sự thật đáng tin đến đâu thì không ai biết và việc tìm vận may cũng chẳng ai cấm. Chỉ biết là cuộc sống người dân bỗng dưng bị đảo lộn. Tôi thì chẳng tiếc hũ vàng vì đó không phải là của cải mình làm ra. Muốn khấm khá thì nên chăm chỉ làm lụng chứ không nên mơ “sung rụng””, vị tổ trưởng tổ dân phố từng chê cả hũ vàng thẳng thắn nhận định.
Vân Anh