Kỳ án của gia đình ông Vũ Văn Hiến (SN 1962, ngụ khối 5, thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) trong vụ việc tranh chấp di sản thừa kế là một vụ việc như thế, với “đỉnh cao” của hi hữu thuộc về bản án có những sai lệch cực kỳ ngô nghê, khiến vợ ông vì phẫn uất mà nhập viện tâm thần, còn ông chồng thì đến nay đã gửi gần 100kg đơn thư xin cứu giúp.
Cả nhà ông Hiến phút chốc bị đẩy ra đường |
Bản án “lộn ngược”
Theo trình bày của ông Hiến, ông là người con thứ 5 trong gia đình có bảy anh em ông gồm bốn trai, 3 gái; được thừa hưởng một mảnh đất rộng hơn 700m2 do cha mẹ để lại, không có di chúc. Do bốn người đã an cư xa quê nên sau khi cha mẹ qua đời, các anh chị em thống nhất chỉ chia mảnh đất làm 3 thửa cho 3 người đang sinh sống tại quê, trong đó ông Hiến được chia rộng hơn một chút do có công gần 10 năm chăm sóc cha mẹ đau yếu và nuôi hai em ăn học hết phổ thông. Quyền sở hữu và ranh giới các thửa đất đều đã được chính quyền xác nhận, vợ chồng ông Hiến đã xây dựng nhà ở kiên cố và kinh doanh ổn định trong nhiều năm.
Năm 2007, gần 30 năm trôi qua, những người anh em ở xa đột ngột quay về đòi chia lại toàn bộ tài sản. Sự việc không thể dàn xếp nội bộ nên đã gửi ra Tòa. Tòa sơ thẩm tuyên ông Hiến vừa phải chia đất, vừa phải bồi thường cho những người anh em còn lại. Bản án sơ thẩm bị ông kháng cáo.
Bản án phúc thẩm được tuyên trong phiên tòa phúc thẩm mở ít ngày sau đó lại khuấy cho tình cảnh thêm phần rối ren vì những sai lệch vô lý và sự nhầm lẫn “loạn xị ngậu”. Bản án này nêu rõ: “Ngày 08 tháng 7 năm 2008 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 69/2008/TLPT-TCDS ngày 16 tháng 10 năm 2008 về tranh chấp chia tài sản chung”.
Chuyện ngược đời đã diễn ra: Án phúc thẩm lại có trước cả án sơ thẩm. Chưa kể nội dung bản án có nhiều điểm không nhất quán, án chưa xử đã có đơn kháng cáo, số tiền đền bù lúc thế này lúc thế kia, chênh lệch cả đống tiền, nhìn chung những người liên quan theo đó đều “không biết đâu mà lần”.
Trong lúc dư luận Nghệ An còn đang dậy sóng vì bản án có nhiều điểm “sai đến khó tin” thì bản án đã được thi hành với tốc độ “nhanh đến chóng mặt”. Nội dung thi hành án có bảy phần liên quan đến bảy người anh em nhưng chỉ riêng ông Hiến bị đưa ra “xử” đầu tiên. Ông này vừa bị buộc phải chia đất, vừa phải trả tiền đền bù cho những người anh em khác, đến nay thì hai vợ chồng ông và 3 đứa con đã chẳng còn gì, mọi tài sản đều “sạch nhẵn như chùi”. Nhà lầu xe hơi cũng mất, đồ đạc trong nhà từ cái tủ đến khung nhôm kính đều bị khênh đi, cả gia đình bỗng tan tác màn trời chiếu đất.
Những người hàng xóm ông Hiến cho rằng do ông này cứ “ăn nên làm ra” khiến anh em sinh lòng đố kỵ. Cả mấy nhà đều ở sát nhau, cứ ông này làm gì thì anh em lại làm theo, từ buôn bán đồ nội thất cho đến làm nhôm kính, nhưng khách lại chủ yếu tập trung ở cửa hàng ông Hiến.
Ông Hiến bị “đổ tội” tham lam “hưởng hết lộc của tổ tiên” do đặt bàn thờ cha mẹ trong nhà nên mới làm ăn phát tài, con trai con gái sáng sủa học giỏi. Trong cơn sốt đất cách đây vài năm, mảnh đất mặt đường hương hỏa lại bị đồn có giá trị đến vài tỉ đồng. Những anh chị em ngày xưa không nhận đất, giờ tiếc của nên đồng loạt rủ nhau quay về đòi chia lại tài sản chung?
Bản án ngược đời |
Gần 100kg đơn từ kêu cứu
Khó hình dung người đàn ông đen đúa, khắc khổ Vũ Văn Hiến cách đây chưa lâu còn là ông chủ của một cửa hàng kinh doanh nội thất có tiếng nhất nhì tại thị trấn Cầu Giát. Ông thở dài cho biết tình cảnh gia đình hiện tại đã khốn đốn đến cùng cực. Trong suốt mấy năm anh em tranh chấp tài sản, vợ ông dù bị khối u đã không cả dám phẫu thuật vì phải lo cho các con.
Nhưng sau khi bản án lộn xộn nói trên được tuyên, ông Hiến đã phải đưa vợ đi cấp cứu và điều trị một thời gian ngoài Hà Nội vì thêm bệnh phẫn uất đến tâm thần. Chính trong thời gian này ông đã làm đơn xin được tạm dừng thi hành án, đồng thời gửi đơn kêu lên tòa cấp cao hơn nhưng khi từ viện trở về thì vườn tược đã bị đập phá tan hoang, toàn bộ tài sản có giá trị trên đất và trong nhà đều bị mang đi với lý do tịch thu bán lấy tiền để trả cho những người anh em khác. Ngay cả căn nhà hai tầng mặt đường của ông cũng bị niêm phong rao bán.
Những người chứng kiến từ đầu đến cuối sự việc đều thương cho gia đình ông Hiến đen đủi gánh hậu quả từ một chuỗi những sai sót nối tiếp nhau. Gia đình không giải quyết được đã kéo nhau đến cửa các cơ quan chức năng xin phân xử, nhưng chính sự tắc trách của các cán bộ thực thi pháp luật lại đẩy sự việc đã rối càng rối hơn.
Ông Hiến nói: “Tôi bàng hoàng đến không tin vào mắt mình, giống như vừa có một trận lũ quét qua cuốn sạch nhà cửa, tài sản. Tất cả diễn ra khi cả gia đình tôi đi vắng, vợ nằm viện, tôi phải đi theo chăm sóc, con cái gửi mỗi đứa một nơi, bỗng dưng khi trở lại đã không còn nhà để ở, không một tấc đất cắm dùi”.
Nhiều người đã rớt nước mắt khi cả gia đình ông Hiến kéo lên các cơ quan công quyền kêu khóc: “Không còn nhà ở, tôi phải gửi và chuyển cả trường học cho con vào trong Nam, gửi vợ về Hà Tĩnh, còn tôi thì đi kêu cầu ở khắp nơi. Số đơn từ tài liệu các kiểu gửi đi chắc phải lên đến gần trăm ký rồi”.
Hàng xóm cho biết chỉ trong một thời gian ngắn ông Hiến đã già khọm vì những biến cố kinh khủng của gia đình. Cả nhà bị đẩy ra đường tay trắng, người vợ nhiều lần phải nhập viện tâm thần điều trị do không chịu nổi cú sốc quá lớn. Anh chị em cũng chẳng còn gì, mấy năm trời hoàn toàn “cạch mặt”. Nhà tan cửa nát, “tiền mất tình tan”, đến lúc này ông Hiến cũng không lý giải được vì sao anh em lại đến nỗi thù địch trước tòa như vậy.
Đau lòng nhất là người kiên quyết đứng đơn lại là cậu em út mà ông Hiến cho rằng mình đã hết lòng vun vén nuôi ăn học. Ông ngậm ngùi: “Chính em trai tôi từng nói không ai tốt bằng anh, em lấy vợ anh lo, em mua đất làm nhà tiền anh cho, em tai nạn thì anh mang tiền vào, ngày đi làm thay em, tối vào viện chăm sóc… Nhiều lúc ngồi buồn tôi vẫn không thể tin có ngày anh em không nhìn mặt nhau như này”.
Tháng 7/2012 vừa qua, Tòa án nhân dân Tối cao sau khi xem xét đơn của ông Hiến, đã ra quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án phúc thẩm đã đề cập ở trên. Quyết định chỉ rõ quá trình xét xử tại Tòa sơ thẩm và phúc thẩm trong vụ án tranh chấp tài sản giữa anh em ông Hiến còn thiếu căn cứ pháp lý, nay giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật.
Văn bản sửa lỗi sau khi đã có quyết định đình chỉ thi hành án |
Sau bao ngày lặn lội gửi đơn kêu cứu khắp nơi, ông Hiến mừng mừng tủi tủi khi cầm trong tay quyết định của TAND Tối cao: “Lời kêu cứu của vợ chồng tôi và 3 đứa con cuối cùng đã được nghe thấu. Nhiệm vụ của tôi lúc này là bằng mọi cách giữ vững tinh thần cho con học hành, giữ sức khỏe cho vợ để chờ đợi sự công bằng của pháp luật”. Mặc dù cả gia đình và toàn bộ sản nghiệp đã bị tiêu tan chỉ vì một bản án chi chít lỗi nhưng người đàn ông khốn khổ này vẫn tin tưởng công lý sẽ sớm được sáng tỏ.
Hai tuần sau khi có quyết định nói trên của TAND tối cao, Tòa huyện Quỳnh Lưu vẫn “hồn nhiên” tiếp tục ra văn bản sửa lỗi về các con số trong bản án. Người dân phẫn nộ đặt câu hỏi về nhận thức và năng lực làm việc của TAND cấp huyện, hay đằng sau là sự khuất tất nào?
Phạm Tuyết – Đào Bình