Hơn 10 năm nay, ông biệt tích giang hồ, khiến giới võ thuật cổ truyền và những người mộ võ hoài nệm ngẩn ngơ. Ai dè lão võ sư tên “Rồng” ấy lại dựng nhà trên lưng đèo An Khê – Gia Lai để thỏa chí tiêu dao cùng mây trời, sông nước, và… âm thầm “quản lý” gần 20 võ đường của học trò từ Bắc chí Nam…
Lão võ sư Phi Long đang biểu diễn nghiệp kiếm cung |
Tầm sư học đạo
Xuất thân trong một gia đình có truyền thống học võ, dạy võ cổ truyền Tây Sơn, tên thật của ông là Trần Quốc Long (sinh 1944), quê ở Đồng Phó (nay thuộc thôn Thượng Giang, xã Tây Giang) – huyện Tây Sơn – Bình Định. Chúng tôi thật may mắn được gặp ông trong một sớm đầu xuân năm con rắn 2013 khi ông đang lúi húi chăm sóc mấy chậu cảnh.
Trả lời lý do quy ẩn ở nơi lưng chừng đèo heo hút, ông cười: cuộc đời trai trẻ cho tới lúc về già, thời gian ông dành cho nghiệp võ từ luyện võ, thượng đài cho đến dạy võ còn nhiều hơn thời gian ông dành cho gia đình. Bởi vậy, hơn 10 năm nay, ông cùng người bạn đời của mình rời chốn “phố thị” Đồng Phó lên lưng chừng đèo An Khê – tỉnh Gia Lai dựng trang trại chăn nuôi, trồng trọt, xây ngôi nhà nho nhỏ… hưởng nhàn.
Ông bảo: “Tôi chưa về nhàn hẳn, vẫn đang sống với võ thuật cổ truyền nhưng ở vị trí khác. Cuộc sống trang trại giản dị hiện tại ở lưng đèo là mơ ước của tôi và bà ấy (bà Trần Thị Cần) từ thời còn trẻ!”.
Con nhà võ, học võ là chuyện bình thường. Cha ông, võ sư Trần Nghĩa Sỹ - khi ấy là một trung nông vùng Đồng Phó vốn đã có ý định cho con theo nghiệp võ của mình từ lúc mới sinh, nên khi Long tròn 10 tuổi thì được cha chính thức truyền cho ngón võ khai tâm.
Nghe nói có thầy võ nào tài ba là cha ông lại rước về nhà dạy cho con . Sư phụ tại gia đầu tiên của ông là võ sư Nguyễn Thái Sơn, người Hoài Ân – Bình Định, lúc đó thầy Sơn gần 60 tuổi và Long 14 tuổi. Thầy này nổi tiếng bởi kỳ tích đánh được một con heo rừng rất to và hung dữ.
Theo sư phụ được một năm thì thầy bệnh nên việc học võ của Phi Long bị gián đoạn , cha ông lại rước thầy Trịnh Thiếu Anh ở Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn về dạy cho ông.
Thầy Anh rất giỏi đối kháng. Học thầy được một năm thì gia đình thầy có chuyện nên thầy lại quay về cố hương.
Lúc rãnh rỗi ông lại chăm sóc cây cảnh |
Không theo được hai thầy tại gia nên không trưởng thành được, năm 1956, ông quyết định đi xuống vùng suối nước nóng Hội Vân - xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát gặp và thọ giáo võ sư Huỳnh Điểu (lúc ấy hơn 60 tuổi, còn gọi là Hương Kiểm Kính). Thời Pháp thuộc, Hương Kiểm Kính đi đánh võ đài, thắng người Pháp nhiều.
Đây là người thầy giúp Phi Long trưởng thành. Huỳnh Điểu coi ông là môn sinh tâm đắc, quý mến như con cái trong nhà nên đã chỉ dạy ông rất cặn kẽ từ lý thuyết đến thực hành về võ học, võ y… .
Theo quy định võ sĩ khi thượng đài thì mang võ hiệu của võ đường mình học, nên cuộc đời ông đã mang nhiều danh xưng khác nhau. Khi gia nhập võ đường Lý Xuân Tạo các trận đài cánh bắc tỉnh Bình Định và Tây Nguyên thì ông mang tên Lý Xuân Long. Từ tỉnh Phú Yên trở vào Bình Thuận, ông được thiên hạ biết đến với tên gọi Huỳnh Long, vì đi với người thầy Huỳnh Tuyền – biệt danh “Cáo già miền Nam”.
Từ Sài Gòn – Gia Định đi xuống miền Trung, ông lại mang tên Minh Long vì thọ giáo lão võ sư Minh Cảnh – nhà vô địch quyền Anh Việt Nam trong những năm thập niên 40 của thế kỷ XX . Đến năm 1969, ông được thầy Điểu cho phép xuất sư, chính thức mở võ đường và lấy võ hiệu là Phi Long Long, gọi tắt là Phi Long. Võ đường của ông đã đào tạo khá nhiều môn đồ khắp các tỉnh thành trong nước và ngoài nước.
Những trận đánh để đời
Cuộc đời võ nghiệp của võ sư Phi Long đã trải qua 68 trận thượng đài chưa từng chiến bại. Có 2 trận đấu mà cả cuộc đời ông không bao giờ quên. Ấy là năm 1968, đánh tại Cam Phúc – thị xã Cam Ranh, ông bị ném 3 trái lựu đạn lúc thắng đài nhưng không chết. Số là có một võ sĩ miền Nam rất tên tuổi, người Campuchia thách đấu với Phi Long – đại diện miền Trung.
Võ sư Phi Long hào hứng kể lại: “Năm đó, Tổng cục quyền thuật Việt Nam tổ chức một trận võ đài, khi ấy lực lượng võ sĩ tham gia thi đấu ít lắm nhưng rất tên tuổi. Tay người campuchia đó đã thách đấu tôi. Chúng tôi đấu 3 hiệp, mỗi hiệp 3 phút. Tôi dùng sở trường đòn chân hạ gục đối phương ngay phút đầu tiên của hiệp 2.
Tôi vừa bước xuống đài, thấy đám bạn hắn là lính Ngụy rút chốt lựu đạn, tôi chạy vào đám đông, nổ một cái. Tôi đứng dậy chạy tiếp, nó ném 3 trái. Sau đó, ông Trưởng ty thanh niên lấy xe buýt chở về nhà ổng ở thị xã Cam Ranh trốn mới thoát thân!”.
Tuy bất chiến bại trên đấu trường nhưng đó không phải là thành tích khiến ông hài lòng nhất. Với ông, thành công lớn nhất là đào tạo những thế hệ môn sinh thành danh trong nghiệp võ. Hiện họ là những võ sư, huấn luyện viên võ cổ truyền Bình Định, là những kiện tướng quốc gia và đã có nhiều môn đệ của ông lập nghiệp, mang võ cổ truyền Bình Định truyền bá khắp nơi.
Ông cho biết: “Nguyên tắc dạy võ của tôi là phải trang bị cho học trò vững về căn cơ, nguyên gốc của võ cổ truyền Bình Định. Sau đó, để tránh tình trạng “tam sao thất bản”, tôi không để học trò lớn dạy học trò nhỏ, đứa khá hơn dạy đứa mới đến, đích thân tôi dạy cho học trò nhập môn. Giáo án như nhau, như phương cách người ta đúc bánh in ngày Tết. Một trong những niềm hạnh phúc vô biên của đời tôi là có được đội ngũ học trò thành danh trong nghiệp võ và chúng đều hiếu thảo, kính trọng thầy!”.
Mười hai năm nay, ông vẫn âm thầm miệt mài với sự nghiệp ghi lại những vốn quý về võ lý, võ y, những mong ước vốn võ nghệ tích tụ một đời sẽ giúp ích cho thế hệ tương lai tiếp tục làm rạng danh võ cổ truyền Bình Định.
Ông đã góp phần bổ sung cho nguồn tư liệu võ cổ truyền Bình Định bằng các sản phẩm: Tây Sơn võ thuật đạo, Phương thuốc võ cổ truyền, Phương pháp sơ cứu dưới bút danh Phi Long và Trần Quốc Phi Long.
Cuộc sống tiêu dao giữa lưng đèo An Khê đã làm tinh thần võ sư “con rồng quy ẩn” này cảm thấy sảng khoái tâm hồn và hào hứng hơn khi vài ba tháng lại rảo một vòng xoay tròn đi thăm nom, “quản lý” gần 20 võ đường của học trò từ Bắc chí Nam, từ miền ngược đến miền xuôi. Ông dự trù sẽ mở thêm một võ đường ở chùa Cổ Thạch huyện Tuy Phong – Bình Thuận, lấy tên là Phật gia quyền võ đường.
Phi Phi