Võ sĩ vô địch thế giới trở thành Tổng thống Mông Cổ

Ông K. Battulga và những người ủng hộ tuyên bố thắng cử
Ông K. Battulga và những người ủng hộ tuyên bố thắng cử
(PLO) - Ngày 10/7/2017 vừa qua, tại thủ đô Ulanbato, ông Khaltmaa Battulga – một triệu phú, nhà kinh doanh, nghệ sĩ, cựu vô địch thế giới môn Judo - đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mông Cổ. 

Ông Khaltmaa Battulga đã giành thắng lợi trước ứng cử viên Đảng Nhân dân cầm quyền tại vòng 2 với tỷ lệ phiếu bầu 50,6% so với 41,2% của đối thủ nhờ tuyên bố nổi tiếng gây phật lòng nước láng giềng phía Nam: “Thúc đẩy đoàn kết dân tộc Mông Cổ, thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc”. 

K. Battulga trở thành nguyên thủ quốc gia kiêm Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang quốc gia trong nhiệm kỳ 4 năm và có thể tái cử thêm 1 nhiệm kỳ nữa.

Võ sĩ và nhà kinh doanh thành đạt

Ông K. Battulga sinh ngày 3/3/1963 tại Ulanbato, sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông theo học nghề vẽ bản đồ. Từ 1979 đến 1990 là thành viên đội tuyển võ Sambo quốc gia, từng đoạt cả bộ ba huy chương Vàng, Bạc, Đồng tại các giải Vô địch Sambo thế giới (World Sambo Championships). Sau khi nghỉ thi đấu, ông quay sang kinh doanh và trở thành triệu phú Dollars nhờ kinh doanh chăn nuôi gia súc. 

Ông là Chủ tịch Quỹ Jenco – một quỹ tài chính chủ trương thúc đẩy hợp tác giữa các ngành chăn nuôi, trồng trọt và các xí nghiệp chế biến. Từ năm 1999 ông thành lập và trở thành chủ công ty Makhimpex chuyên kinh doanh xuất khẩu gia súc và các chế phẩm chăn nuôi. Hiện nay, K. Battulga là chủ sở hữu một khách sạn lớn, Công viên Thành Cát Tư Hãn và mấy công ty thực phẩm chuyên chế biến thịt gia súc.

Ông K. Battulga và những người ủng hộ tuyên bố thắng cử
Ông K. Battulga và những người ủng hộ tuyên bố thắng cử

Long đong trên chính trường

Năm 2000, trong cuộc bầu cử Ulsyn Ikh Khural (nghị viện), ông K. Battulga ra tranh cử tại khu vực 8 tỉnh Bayankhongor với tư cách ứng cử viên độc lập nhưng không thành công; sau đó ông gia nhập Đảng Tổ quốc – Tân Xã hội chủ nghĩa Mông Cổ (Motherland-Mongolian Democratic New Socialist Party), sau đó đảng này đổi tên thành Đảng Tổ quốc.

Trong cuộc bầu cử Ulsyn Ikh Khural năm 2004, ông ra tranh cử với tư cách ứng cử viên của “Liên minh Dân chủ - Tổ quốc” và trúng cử, trở thành nghị sĩ đại diện cho khu vực 9 tỉnh Bayankhongor. Tháng 5/2006. Ông K. Battulga gia nhập Đảng Dân chủ (DP) rồi trở thành Chủ tịch Hiệp hội Dân chủ Mông Cổ (Mongolian Democratic Association). 

Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2008, K. Battulga ra tranh cử với tư cách ứng cử viên của DPP và trúng cử tại khu vực bầu cử số 3 tỉnh Bayankhongor; tháng 8 cùng năm được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Giao thông, vận tải, kiến trúc và xây dựng đô thị trong nội các của Thủ tướng Sanjaagiin Bayar và lưu nhiệm thêm một nhiệm kỳ nữa.

Trong thời gian giữ chức, ông đã can thiệp vào kế hoạch xây dựng đường sắt khổ hẹp xuyên quốc gia Trung – Mông khiến kế hoạch này bị gác lại. Từ tháng 8/2012 đến năm 2014, ông lại được giao giữ chức Bộ trưởng Công nghiệp và Nông nghiệp trong chính phủ của Thủ tướng Sükhbaataryn Batbold; từ năm 2006, K. Battulga đồng thời kiêm chức Chủ tịch Hiệp hội Sambo Mông Cổ.

Tại Đại hội Olimpic Bắc Kinh 2008 ông cũng đã đem về chiếc Huy chương Vàng môn Judo cho đất nước Mông Cổ khi trở lại tham gia thi đấu môn thể thao này.

Trong cuộc bầu cử nghị viện năm 2016, Đảng Dân chủ thất bại, K. Battulga bị mất chức nghị sĩ. Trong  cuộc bầu cử Tổng thống năm 2017, khi bầu cử vòng 1, K. Battulga đã đánh bại các ứng cử viên gạo cội trong đảng của mình như cựu Thủ tướng Rinchinnyamiin Amarjarga và Chủ tịch đảng Norovyn Altankhuyag để trở thành ứng cử viên của Đảng Dân chủ ra tranh chức Tổng thống.

Ông K. Battulga (trái) tại lễ nhận chức
Ông K. Battulga (trái) tại lễ nhận chức

Trong Cương lĩnh tranh cử, K. Battulga đã đưa ra khẩu hiệu “Mông Cổ tất thắng!” chủ trương phục hưng nền kinh tế của đất nước, giành được sự ủng hộ của đa số cử tri và đánh bại ông Miyeegombyn Enkhbold, ứng cử viên của Đảng Nhân dân để trở thành tân Tổng thống Mông Cổ.

Tại buổi lễ công bố kết quả bầu cử, ông K. Battulga tuyên bố sẽ nỗ lực giải quyết cục diện khó khăn về kinh tế để nhân dân Mông Cổ được sống cuộc sống không nợ nần, cam kết sẽ thúc đẩy giải quyết việc làm, thu hẹp sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn. 

Trong quá trình tranh cử ông K. Battulga đã bày tỏ: Mông Cổ đang đứng trước sự uy hiếp của “quốc gia ở phía Nam” (chỉ Trung Quốc) phụ thuộc quá lớn vào nước này (80% kim ngạch xuất khẩu là tới Trung Quốc), phần lớn tài nguyên dưới lòng đất (quặng Đồng) đều xuất khẩu sang quốc gia này.

Ông thề sẽ “cân bằng cán cân xuất nhập khẩu” với nước láng giềng và chủ trương hợp tác với Nga để xây dựng đường sắt, xây dựng nhà máy để chế biến tài nguyên khoáng sản; chủ trương đẩy mạnh phát triển quan hệ với nước Nga.

Ông cho rằng: nghèo nàn và nạn thất nghiệp ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia của Mông Cổ. Ông sẽ cùng nghị viện phấn đấu để nhân dân nhanh chóng thoát cảnh nghèo khó, có việc làm; ông quyết không ủng hộ bất cứ hành vi coi thường pháp luật nào và thề sẽ đấu tranh đến cùng với tệ nạn mua quan bán chức trong chính trường.

Thành công nhờ chơi “quân bài” chống Trung Quốc?

Quá trình tranh cử, báo chí Trung Quốc đã chỉ trích ông lợi dụng tình cảm chống Trung Quốc để tranh thủ sự ủng hộ của cử tri. Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc viết: trước tháng 3/2017, kết quả thăm dò dân ý bất lợi cho K. Battulga, nhưng sau đó ông đã “chơi con bài chủ nghĩa dân tộc để lật ngược thế cờ”.

Trong một cuộc mít tinh hồi tháng 6, những người ủng hộ K. Battulga đã coi những người phản đối ông là “những kẻ mang dòng máu Trung Quốc”. Một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội còn tấn công vào ông Mieygombo Enkhbold - ứng cử viên Đảng Nhân dân, đối thủ chính của K. Battulga bằng cách nói ông này mang huyết thống Trung Quốc.

Tân tổng thống Mông Cổ khi còn thi đấu
Tân tổng thống Mông Cổ khi còn thi đấu

Về vấn đề này, Cảnh Sảng - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - từng lên tiếng tại một cuộc họp báo quốc tế, bày tỏ : “Trung Quốc quan ngại sâu sắc về những lời nói không phù hợp sự thực, thiếu trách nhiệm của cá biệt chính khách Mông Cổ về quan hệ Trung-Mông và sự hợp tác giữa đôi bên”. 

Tại lễ nhậm chức tổ chức ngày 10/7, K. Battulga đã tuyên bố sẽ phát triển quan hệ hữu nghị toàn diện với cả hai nước láng giềng lớn là Nga và Trung Quốc. Trong diễn văn nhậm chức, K. Battulga cũng thề sẽ dốc sức vào việc phát triển các mối quan hệ ngoại giao cùng có lợi, tăng cường các mối quan hệ với các nước khác như Mỹ, Nhật, Đức.

Sứ mệnh nặng nề

Trong một thời gian dài trước đây, nước Mông Cổ 3 triệu dân với tài nguyên khoáng sản phong phú từng được coi là ngôi sao hy vọng về đầu tư và phát triển kinh tế ở Trung Á. Thời điểm năm 2011, do ngành công nghiệp khai khoáng phát triển mạnh nên tốc độ phát triển kinh tế của Mông Cổ lên tới 17%/năm, đứng vào hàng đầu thế giới.

Thế nhưng tình hình tốt đẹp đó không kéo dài, do giá cả quặng đồng, sắt và dầu lửa trên thị trường quốc tế lao dốc nên Mông Cổ lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Nước này đứng trước vấn đề nghiêm trọng khác là các nhà đầu tư nước ngoài lảng tránh, không muốn bỏ tiền đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng.

Mấy năm gần đây, Mông Cổ lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế, nợ nần chồng chất; đồng thời phụ thuộc hoàn toàn vào việc buôn bán với Trung Quốc. Năm 2015, 90% hàng hóa xuất khẩu của Mông Cổ là tới thị trường Trung Quốc.

Tháng 5/2017, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đồng ý cung cấp cho Mông Cổ khoản viện trợ 5,5 tỷ USD. Trở thành Tổng thống Mông Cổ, ông K. Battulga sẽ tiếp nhận gói cứu trợ lớn này từ người tiền nhiệm, nhưng liệu ông có dùng nó để xoay chuyển được cục diện hiện nay hay không thì đó lại là chuyện khác!

K. Battulga tuyên thệ nhậm chức Tổng thống
K. Battulga tuyên thệ nhậm chức Tổng thống

Báo chí quốc tế cho rằng, người dân Mông Cổ đang đặt niềm tin vào K. Battulga dù chỉ có 61% cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử vừa qua và có tới 100 ngàn cử tri bỏ phiếu trắng. Họ hy vọng ông cũng thành công trong việc lãnh đạo đất nước như đã thành công trong thi đấu thể thao và làm giàu nhờ tài kinh doanh.

Về đời tư, K. Battulga có bà vợ là người Nga. Đó cũng là điểm để các đối thủ chính trị của ông nắm lấy để chỉ trích trong quá trình tranh cử…/.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.