Nhà của họ nằm trên mảnh đất 2.000 m2, trong một vùng hẻo lánh của huyện Đức Hòa. Từ năm 2019 đến nay, ngày ngày vợ chồng Bảo Tân và Võ Thùy Mỵ cùng nhau làm vườn, trồng rau, dạy tiếng Anh và sửa sang ngôi nhà.
Trước khi rời bỏ Sài Gòn để về quê sống như hiện tại, vợ chồng cùng 31 tuổi này đã mất bảy năm loay hoay trả lời câu hỏi: Bám trụ thành phố hay về quê sống đời bình an?
Vợ chồng Tân trong ngôi nhà đất tự làm tại huyện Đức Hòa, Long An, vào năm 2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bảo Tân tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TP HCM, còn vợ học ngành Tài chính Đại học Long An. Thời sinh viên bôn ba khắp Sài Gòn làm thêm, trong Tân luôn khắc khoải về tuổi thơ bình yên với ông bà ngoại, ngày ngày vót tre đan rổ, cuối tuần mang ra chợ bán. Khi ra trường, Tân làm giám sát công trình, đi khắp miền Đông, miền Tây nhưng anh không tìm thấy niềm vui. Đọng lại chỉ là những buổi nhậu vô bổ sau giờ làm. "Đây không phải là cuộc sống tôi muốn", anh kể.
Một lần, Tân xem video một chàng trai Thái Lan từ bỏ cuộc sống ở Bangkok về quê tự xây nhà, làm vườn và có cuộc sống an nhàn nhờ tiếng Anh tốt. Câu chuyện đó phá vỡ ngộ nhận "chỉ Sài Gòn mới có cơ hội". "Tôi bắt đầu mơ về cuộc sống ở dưới quê, với một khu vườn nhỏ, có những người bạn nước ngoài ghé thăm và chia sẻ với họ về Việt Nam", Bảo Tân nói.
Tân bắt đầu tự học Tiếng Anh và các kiến thức về thương mại điện tử. Anh cũng lường trước "cú sốc văn hóa" vì sự buồn tẻ của cuộc sống nhà quê nên tự học các kỹ năng sinh tồn, rèn thói quen đọc sách và ngồi thư giãn một mình. Ví như để lắp hệ thống tưới tự động cho vườn rau, anh dành ba giờ ngồi nghe hướng dẫn về các mô hình hệ thống tưới và những vật tư cần thiết.
Chỉ trong hai năm, Trần Bảo Tân đã giao tiếp tiếng Anh thành thạo. Năm 2015, Tân nghỉ việc, chuyển sang bán khoai mỡ và dạy tiếng Anh.
Ý tưởng sống đời thôn dã của chàng trai có thêm sự ủng hộ của Thùy Mỵ, sau đám cưới của hai người năm 2016. Ngày ấy cả hai còn sợ bị chê cười rằng "tốn tiền đi học đại học lại về cuốc đất", nên định dành dụm để mua một mảnh đất ở nơi ít ai biết.
Nhưng kế hoạch của hai vợ chồng đã bị phá vỡ sau một lần Tân đọc được câu: "Hãy tận dụng những thứ bạn có để làm điều bạn muốn". Anh nhớ về mảnh đất 2.000 m2 bỏ không của ông bà ngoại và những ký ức ngày thơ bé. Chàng trai bàn với vợ và nhận được sự đồng ý "ngay tức thì".
Tháng 8/2019, Tân và Mỵ bỏ phố về quê . Họ bắt đầu cuộc sống mới của mình bằng việc hiện thực ý tưởng xây ngôi nhà đất.
Bảo Tân làm chiếc sofa đất cuối năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đất ở mỗi vùng một khác. Tân phải thử để chọn được đất đen và đất sét, loại có khả năng chịu lực tốt nhất. Vì nhà không có khung xương, để đảm bảo độ an toàn mỗi ngày Tân chỉ làm một lớp mỏng khoảng 3 cm, đợi khô mới làm lớp khác. Khi nhà đã thành hình, để bảo vệ tường đất, Tân dùng cát và vôi trát nhiều lớp mỏng lên tường, lớp cuối cùng dùng 100% vôi tôi.
Sau bốn tháng, ngôi nhà cơ bản hoàn thành ngay trước Tết 2020. "Căn nhà ngày ấy còn lụp xụp, có người chỉ nhìn bên ngoài thì bảo chuồng chim, song là thành quả hai vợ chồng làm ra nên cảm giác vẫn rất tuyệt", Tân nói.
Năm sau, họ quyết định nâng cấp ngôi nhà để tách biệt không gian ngủ và làm việc. Lúc này họ nhờ thêm hai người bạn phụ giúp. Vì làm thêm gác nên Tân dựng bốn cột xi măng để nhà thêm chắc chắn.
Phần dưới có diện tích 49 m2 là không gian thư giãn, làm việc, nhà vệ sinh, tường dày 30 cm. Phần trên là gác ngủ rộng 9 m2. Tân còn làm thêm một căn bếp bằng đất riêng biệt cạnh nhà chính, tự tay đóng tủ, bàn theo ý thích của vợ.
Giữa nhà anh đặt cái xích đu bằng gỗ, kế bên là chiếc sofa bằng đất nằm cạnh cửa sổ phỏng theo hình cửa kính ôtô, nhìn ra ngoài vườn. Đây là không gian hai vợ chồng thích nhất. Vì họ sống đơn giản nên chỉ là một ngôi nhà trống với bốn bức tường trắng tinh. Công trình hoàn thành trước Tết 2021.
"Lần này bạn bè, người thân tới thăm rất thích thú. Hàng xóm ai đến cũng khen là vào trong nhà không muốn ra ngoài vì mát quá", vợ chồng chia sẻ.
Vợ chồng Bảo Tân chụp kỷ niệm ngôi nhà đất có thêm một gác lửng để ngủ hồi tháng 11. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hai năm làm ngôi nhà đất với hàng trăm công đoạn, Tân đều phải tự mày mò, thử nghiệm. Ví dụ khâu chống thấm, anh lấy hạt cao su ép rồi quét lên tường. Sau thấy cách này vất vả, anh chuyển sang dùng dầu thực vật bình thường, hoặc xà phòng, vẫn có hiệu quả tương tự. Khi thoa dầu lên tường vôi sẽ hút dầu và giữ lại bên trong, làm nước không thấm vào được.
Ưu điểm của ngôi nhà là có thể lưu thông không khí qua tường, tạo cảm giác ấm khi trời lạnh và mát khi trời nóng. Vôi có thể khử trùng và chống nấm mốc gây hại, tạo môi trường sống trong lành trong nhà. Tường trát vôi ban đầu sẽ mềm, nhưng theo thời gian vôi tôi kết hợp với CO2 trong không khí tạo thành đá vôi, rất cứng và bền.
Tổng chi phí làm nhà chỉ 50 triệu đồng, trong đó phần nhiều chi vào mua công cụ lao động. Đây là những đồ dùng cần thiết cho cuộc sống ở quê sau này. Thông qua quá trình làm nhà đất, cặp vợ chồng mong muốn có thể chia sẻ kinh nghiệm cho những ai đam mê tự xây nên tổ ấm đơn giản, thân thiện môi trường với chi phí thấp.
"Tôi nhận ra tự do tài chính không phải là mua được thứ mình muốn không cần nhìn giá, mà là không phụ thuộc cuộc sống vào tiền", Bảo Tân nói. Thời nay, mua chiếc ghế sofa có thể mất vài tháng lương, xây ngôi nhà mất 10 năm nhịn ăn nhịn mặc. Trong khi ông ngoại Tân thời xưa mất một tuần để xây nhà, mất một ngày để làm chiếc giường. Học theo ông, anh tự làm mọi vật dụng trong nhà.
"Nhìn lại hành trình về quê có gian nan, song thực tế đều do chúng mình tự dựng lên", Mỵ nói. Suốt nhiều năm họ cứ lo lắng cha mẹ buồn, thực tế khi Tân chia sẻ ý định, họ chỉ bảo: "Các con đã lớn, biết lo cho mình bố mẹ đã thấy tự hào". Rào cản từ xóm làng càng không đáng nói, họ chỉ đùa vui không ác ý.
Không ít người từng hỏi Tân và Mỵ "tuổi đời còn trẻ, sao bỏ phố về quê sớm thế?". Cặp vợ chồng không hề nghĩ sớm. Nếu đủ can đảm, có lẽ họ đã về từ khi kết hôn, thậm chí sớm hơn từ khi có ý định năm 2012.
Cặp vợ chồng tựa vai nhau ngắm trăng sao, trò chuyện mỗi đêm.