Mail cho tiện
Thanh, hiện đang học thạc sĩ tại TP.HCM cho biết e-mail là phương tiện mà vợ chồng cô sử dụng khi có gì đặc biệt cần nói với nhau. Cô nói: “Chồng mình là doanh nhân, cũng bận rộn lắm. Trong cuộc sống vợ chồng lại có rất nhiều chuyện mà vợ chồng cần có thời gian để ngồi lại nói với nhau, như chuyện liên quan đến tài sản chung, đến nghĩa vụ với cha mẹ hai bên, chuyện những bất đồng của hai vợ chồng… Sau vài lần nói chuyện trực tiếp không đến đầu đến đũa, chồng mình đề nghị, có gì muốn nói em cứ mail cho anh.
Lúc đầu mình phản đối, nhưng sau đó thấy trao đổi qua e-mail cũng hay. Mình có thể chuẩn bị thư của mình có đầu có đũa, trình bày sự việc thật rõ ràng. Anh ấy cũng có thời gian cân nhắc. Cứ thế, vợ chồng mình “meo qua meo lại” cho đến khi đạt được thống nhất. Dần dần mình thấy mail cũng tiện, nhiều lúc tránh được căng thẳng do vợ chồng nóng giận bột phát nếu nói chuyện trực tiếp với nhau”.
Giao tiếp qua mạng chiếm phần lớn giao tiếp giữa hai vợ chồng đang trở thành một vấn đề đáng quan tâm ở các nước phát triển (Ảnh minh họa) |
Thực tế, có rất nhiều cặp vợ chồng trẻ hiện nay vẫn thường xuyên sử dụng các công cụ chat và e-mail để thông tin liên lạc với nhau. Chỉ có điều, nếu ngày còn yêu nhau họ gửi cho nhau những e-mail thơ mộng, thì giờ đây họ bàn chuyện cơm áo, gạo tiền với nhau một cách rất thực tế.
Hùng, làm việc ở một công ty nước ngoài tại TP.HCM, mơ màng nhớ lại: “Ngày xưa chỉ cần nhận được những tin nhắn âu yếm quen thuộc kiểu như “Chúc một buổi sáng tốt lành”, “Đã ăn trưa chưa?” của nàng là thấy bồi hồi cả ngày. Bây giờ cả ngày vẫn thấy nàng (giờ đã là vợ) online và thỉnh thoảng chat, nhưng hễ nàng có “buzz” thì toàn những chỉ thị đại loại như “Anh qua chở em đi siêu thị”. “Anh lo mà về sớm đón con đấy nhé!”… Mình muốn đi uống vài ly bia với bạn bè, hay có việc gặp khách hàng về trễ thì cũng “buzz” nàng mà xin phép hay thông báo… Có vấn đề gì lớn của gia đình thì tụi mình mail cho nhau… Dần dần thấy cũng tiện ra phết”.
Bất ổn
Tuy nhiên, cũng đã có một số người bắt đầu nhận ra rằng, mail, chat - những phương tiện thời @ đã lấy đi của họ không ít thời gian trong cuộc sống bận rộn này mà lẽ ra họ đã có thể dành thời gian đó để ở bên nhau.
“Có một buổi tối hiếm hoi mà căn nhà của chúng tôi yên tĩnh vì con cái qua bà chơi hết. Tôi mong chồng về nhà để vợ chồng cùng nhau ăn một bữa tối chỉ có hai người rồi cùng bàn việc học hành của con cái. Tôi nhắn tin cho anh ấy, nhưng anh ấy bảo rằng anh ấy đang ở cơ quan bận viết mail cho tôi về việc đó xong rồi mới về nhà. Tôi bảo rằng cứ về mà nói cũng được, nhưng anh ấy bảo mail dễ hơn vì anh ấy còn gửi cho tôi cả đường link, cả hình ảnh của một loạt những trường quốc tế nào đó… Phải chăng vợ chồng tôi đã không thể nói chuyện trực tiếp với nhau về những vấn đề nghiêm túc nữa?” - chị Mai Hương, nhân viên một công ty quảng cáo thảng thốt.
Chị Thủy Tiên, giáo viên dạy cấp 3 cho biết: “Ngày xưa, cứ đến sinh nhật tôi là anh ấy gửi cho tôi những tấm thiệp điện tử ngộ nghĩnh. Giờ đây, anh ấy vẫn giữ thói quen đó. Tôi ước gì những bông hoa hồng trên tấm thiệp là hoa thật, và anh ấy có thể trực tiếp nói những lời chúc mừng tôi để thấy tôi xúc động thế nào…”.
Giao tiếp qua mạng chiếm phần lớn giao tiếp giữa hai vợ chồng đang trở thành một vấn đề đáng quan tâm ở các nước phát triển. Tờ Daily Mail của Anh đưa tin, trong một cuộc khảo sát hồi tháng 10 ở Anh với 1.000 người tham gia, đã có 1/10 số người tham gia cho biết họ giao tiếp với bạn đời, người yêu bằng mail, chat hoặc điện thoại nhiều hơn là giao tiếp trực tiếp.
1/5 số người cho biết họ chỉ dành 15 phút mỗi ngày để trò chuyện trực tiếp cùng nhau. Khảo sát cũng cho biết mỗi cặp vợ chồng ở Anh trung bình gửi hơn 1.000 tin nhắn và hơn 400 e-mail cho nhau mỗi năm, và kết luận: “Các cuộc hôn nhân đang chịu thiệt thòi trong thời kỳ giao tiếp qua mạng bởi vợ chồng ngày càng ít giao tiếp trực tiếp với nhau”.
Theo Thanh Niên