[links()]Luật quy định một đằng, Nghị định nói một nẻo, cuối cùng khi xảy ra sự cố công trình, việc xử lý không tránh khỏi lúng túng, những quy định thiếu thực tế khiến luật “có cũng như không”. Đây cũng là kẽ hở để những người có liên quan “né” trách nhiệm.
Kiểm định chất lượng công trình nhiều khi chỉ là một công việc hình thức. |
Sự cố công trình xây dựng: Ai giải quyết?
Khoản 29 Điều 3 Luật Xây dựng quy định: “Sự cố công trình xây dựng là những hư hỏng vượt quá giới hạn an toàn cho phép, làm cho công trình xây dựng có nguy cơ sập đổ; đã sập đổ một phần hoặc toàn bộ công trình hoặc công trình không sử dụng được theo thiết kế.”
Theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 84 Luật Xây dựng thì “Khi nhận được thông báo về sự cố công trình, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về xây dựng có trách nhiệm chỉ định tổ chức có đủ điều kiện năng lực thực hiện việc giám định để xác định nguyên nhân sự cố công trình, làm rõ trách nhiệm của các chủ thể gây ra sự cố công trình”.
Thế nhưng, Nghị định số 209/2004/NĐ-CP lại không quy định như vậy, theo đó cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng thuộc UBND cấp tỉnh và Bộ Xây dựng chỉ tiếp nhận báo cáo của Chủ đầu tư khi công trình xây dựng đang thi công xây dựng hoặc của chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng tại công trình xây dựng đang sử dụng, vận hành, khai thác. Mọi việc giải quyết sự cố công trình xây dựng đều do chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng thực hiện.
Quy định đó làm nảy sinh một số bất cập trong quá trình giải quyết sự cố công trình. Các quy định của Nghị định đã làm cho chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng hết sức lúng túng trong việc giải quyết, thu dọn hiện trường sự cố. Cơ quan công an vào cuộc rất nhanh nhưng do không có chuyên môn nên lúng túng khi quyết định dỡ bỏ hiện trường sự cố. Chính vì vậy mà nhà thầu thi công không thể triển khai khắc phục nhanh, làm chậm chung tiến độ của cả công trình.
Thông tư số 27/2009/TT-BXD ngày 31/7/2009 của Bộ Xây dựng “Hướng dẫn một số nội dung về Quản lý chất lượng công trình xây dựng” đã quy định cấp sự cố công trình và cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn hoặc tổ chức giám định để xác định nguyên nhân sự cố. Tuy nhiên, đây là văn bản quy phạm pháp luật dưới Nghị định mà lại hướng dẫn vấn đề mà Nghị định đã không đề cập. Vì thế, các cơ quan liên quan không biết phải hành xử thế nào để phù hợp với thực tế và tuân thủ được các quy định pháp luật.
Chứng nhận chất lượng: Có cũng như không
Tại Nghị định 49/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 209/2004/NĐ-CP về Quản lý chất lượng công trình xây dựng, quy định, “Thực hiện chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc theo đề nghị của chủ đầu tư trên cơ sở yêu cầu của tổ chức bảo hiểm công trình, của tổ chức và cá nhân mua, quản lý hoặc sử dụng công trình. Khuyến khích áp dụng hình thức chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng”.
Nghị định và các văn bản hướng dẫn thực hiện cũng nêu rõ tiêu chí của tổ chức chứng nhận được lựa chọn, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện năng lực, về tính độc lập, khách quan trong việc thực hiện chứng nhận sự phù hợp về chất lượng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, thực tế cho thấy sự độc lập, khách quan của tổ chức chứng nhận là không đảm bảo.
Hiện tại, tổ chức chứng nhận thực hiện dịch vụ chứng nhận thông qua những cam kết nêu tại hợp đồng được thỏa thuận với chủ đầu tư. Ngay điều này đã khẳng định rằng, chẳng thể có một tổ chức tư vấn nào do chính chủ đầu tư lựa chọn, thuê, trả tiền lại có thể độc lập và khách quan được, bởi lẽ, không có tư vấn chứng nhận nào lại chê chủ đầu tư và chất lượng công trình của người đã bỏ tiền ra thuê họ.
Theo quy định tại Thông tư số 03/2011/TT-BXD, nội dung kiểm tra, chứng nhận (kiểm tra công tác quản lý chất lượng, hồ sơ thiết kế kỹ thuật, chất lượng thi công xây dựng) là những công việc mà những chủ thể khác đã làm, tổ chức chứng nhận chỉ còn làm mỗi động tác là “đếm hồ sơ hoàn thành công trình” - một công việc hình thức.
“Tại sao công trình xây dựng là một loại hàng hóa đặc biệt liên quan đến an toàn của cộng đồng thì lại giao cho một tổ chức tư vấn không độc lập thực hiện?” – ông Nguyễn Đức Hạnh, kỹ sư xây dựng, băn khoăn – “Các tổ chức chứng nhận thuộc đủ mọi thành phần kinh tế thực hiện chứng nhận chất lượng cho loại công trình mà khi sự cố xảy ra gây thảm họa cho xã hội thì liệu có yên tâm không?. Tại sao chính quyền hoặc cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng không thực hiện việc này?”.
Ông Hạnh và nhiều kỹ sư xây dựng đều cho rằng, cần nghiên cứu thay thế việc chứng nhận chất lượng của tổ chức chứng nhận bằng việc chính quyền hoặc cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng trực tiếp kiểm tra cho phép đưa công trình vào sử dụng.
PVKT