Với sự chủ động ngăn chặn nguy cơ dịch xâm nhập từ bên ngoài, kiểm soát chặt chẽ nguy cơ dịch bùng phát ở bên trong, Vĩnh Phúc luôn duy trì, tăng cường các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả để vừa kiểm soát tốt dịch COVID-19 vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm và đã đưa Vĩnh Phúc trở thành “vùng xanh” an toàn. Từ đó, Vĩnh Phúc đang là một trong những tỉnh tiên phong của cả nước về phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.
Sức sống từ tâm dịch
Vĩnh Phúc đã có thời điểm là tâm dịch với những "từ khoá" làm "nóng" công tác phòng chống dịch trong 2 năm qua như “Sơn Lôi”, “Bar Sunny”, “Chăm sóc sức khoẻ Hoa Sen”, hay “Khu công nghiệp Bình Xuyên”,… Nhưng với tinh thần khẩn trương; các biện pháp phòng và chống dịch quyết liệt như khoanh vùng, bao vây, truy vết, xét nghiệm thần tốc với phương châm “nhân dân là trung tâm”, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các địa phương cùng nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã vượt qua các đợt dịch với kết quả đầy ngoạn mục để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Minh chứng rõ nét cho điều đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh Vĩnh Phúc 9 tháng năm 2021 ước tăng 9,62% so với cùng kỳ năm 2020, đứng thứ 4 trong cả nước (đây là mức tăng cao nhất của Vĩnh Phúc trong 10 năm trở lại đây).
Trong đó ngành công nghiệp - xây dựng tăng 15,17%; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 13,55% so với cùng kỳ năm trước. Trong các ngành công nghiệp cấp II, có tới 17/24 ngành có chỉ số sản xuất 9 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm trước, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp như ngành sản xuất linh kiện điện tử tăng 25,75%; ngành sản xuất xe có động cơ tăng 10,72%, ngành sản xuất kim loại tăng 17,12%, ngành sản xuất giày da tăng 18,81% và đặc biệt ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng tới 28,31%.
Không chỉ tăng trưởng về mặt kinh tế, “chiếc đệm” từ việc tự cung ứng hàng hoá, sản phẩm về lương thực, thực phẩm luôn được đảm đầy đủ về số lượng, kịp thời và liên tục. Diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Mùa toàn tỉnh ước đạt 32.056 ha, đạt 100,17% so với kế hoạch. Trong đó, diện tích trồng lúa đạt 23.825 ha, chiếm trên 74,32% tổng diện tích gieo trồng vụ Mùa, năng suất ước đạt 56,03 tạ/ha, tăng 1,67 tạ/ha; sản lượng ước đạt 133.482,18 tấn, tăng 3.143,78 tấn so với cùng kỳ (là vụ được mùa nhất trong mười năm trở lại đây).
Vĩnh Phúc đã tập trung chỉ đạo, khuyến cáo, hướng dẫn cơ sở, hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn trong chăn nuôi, thực hiện tái đàn phù hợp để đảm bảo cân bằng cung cầu và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Do đó, ước tính đến hết tháng 9, đàn trâu đạt 17.706 con; đàn bò 103.259 con; đàn lợn đạt 450.000 con; đàn gia cầm đạt 11.700 nghìn con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đều tăng so với cùng kỳ năm trước, như: Thịt trâu tăng 1,52%; thịt bò tăng 2,11%; thịt lợn tăng 11,95%; thịt gia cầm tăng 4,98%.
Chỉ số CPI 9 tháng năm 2021 tăng 0,13% so với cùng kỳ. Trong khi đó, CPI 9 tháng đầu năm 2020, 2019, 2018, 2017 so với cùng kỳ tăng lần lượt là: 4,56%; 1,32%; 4,21%; 3,68%. Điều này cho thấy, dịch bệnh đã đẩy mức tăng bình quân so với cùng kỳ thấp.
Tuy nhiên, điều đáng mừng là CPI tháng 9 so với tháng trước tăng 0,66%, so với tháng mười hai năm trước và tăng 0,12%. Doanh thu các ngành dịch vụ tiêu dùng khác 9 tháng năm 2021 ước đạt 1.624,2 tỷ đồng, chiếm 4,06% tổng mức, tăng 8,08% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm 2021 ước đạt 35.745,1 tỷ đồng, chiếm 89,32% tổng mức, tăng 8,65% so với cùng kỳ năm trước và tăng ở hầu hết các nhóm ngành hàng so cùng kỳ năm 2020.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng thu ngân sách đạt trên 24.680 tỷ đồng, đạt 80% dự toán và bằng 123% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu nội địa đạt trên 20.911 tỷ đồng, đạt 77% dự toán và bằng 124% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh để tạo nguồn thu ngân sách.
Có thể thấy rằng, kể cả trong thời điểm bị giãn cách toàn tỉnh, chuỗi cung ứng hàng hoá, lương thực, thực phẩm vẫn được Vĩnh Phúc chủ động. Đời sống nhân dân được quan tâm, đảm bảo. Chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện, kinh tế đang có những bước hồi sinh mạnh mẽ sau đại dịch.
Tiên phong trong đầu tư
Thực hiện Nghị quyết số 105/NQ của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19, Vĩnh Phúc cũng đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn từ các đợt dịch trước. Qua đó, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn không chỉ được phục hồi nhanh chóng mà đã đi vào ổn định. Một số ngành tranh thủ được cơ hội từ trong và ngoài nước, có mức tăng trưởng cao trong một thời gian dài.
UBND tỉnh đã tăng cường tổ chức đối thoại, giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Để đảm bảo ổn định sản xuất cho doanh nghiệp, tỉnh đã đề nghị doanh nghiệp yêu cầu và tạo điều kiện cho các chuyên gia nước ngoài, cán bộ quản lý, công nhân lao động của các địa phương làm việc tại các doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc làm việc theo hình thức trực tuyến, tỉnh tạo điều kiện về chỗ ở ký túc xá cho công nhân và đàm phán các khách sạn trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện về mức giá cho chuyên gia, người lao động thuê phòng nghỉ lại tại tỉnh.
9 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp thành lập mới đạt 883 doanh nghiệp với số vốn đăng ký trên 9,6 nghìn tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2020 giảm 7% về số doanh nghiệp đăng ký và tăng 45% về vốn đăng ký. Lũy kế đến 30/9/2021, toàn tỉnh ước có 13.193 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với số vốn đăng ký trên 206 nghìn tỷ đồng, trong đó có 9.430 doanh nghiệp thực tế hoạt động (tương đương 71,5% doanh nghiệp đăng ký).
Công tác hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư được UBND tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện thường xuyên, liên tục và kịp thời, tỉnh đã tiếp đón và làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các tổ chức tư vấn đầu tư nước ngoài đến thăm, làm việc và tìm hiểu môi trường đầu tư của tỉnh; làm việc theo hình thức trực tuyến với các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản và châu Âu. Duy trì thường xuyên chương trình “Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc gặp gỡ với doanh nhân hằng tuần”, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp, lắng nghe ý kiến tham vấn, đề xuất của doanh nghiệp về những cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư.
Thu hút đầu tư 9 tháng đầu năm được 48 dự án mới, trong đó có: 29 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 874,90 triệu USD và 117,58 triệu USD điều chỉnh tăng vốn, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn đạt 992,48 triệu USD tăng 218,6% so với cùng kỳ năm 2020, bằng 248,12% kế hoạch năm; 19 dự án DDI (dự án đầu tư trong nước) mới với tổng vốn đầu tư 9,7 nghìn tỷ đồng, tăng vốn đạt 6,7 nghìn tỷ đồng, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn đạt 16,3 nghìn tỷ đồng tăng 128% so với cùng kỳ năm 2020, bằng 291,14% kế hoạch năm. Lũy kế đến hết tháng 9 năm 2021 toàn tỉnh có 428 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là trên 7 tỷ USD và 821 dự án DDI với tổng vốn đầu tư là hơn 106,2 nghìn tỷ đồng.
Không phải ngẫu nhiên mà Vĩnh Phúc “bất chấp” khó khăn từ dịch bệnh, đã nổi lên như một trong những điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với quyết tâm “Nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao”, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận từ người dân, Vĩnh Phúc đã chuẩn bị tốt ngay từ khi đang là tâm dịch để hồi sinh và bây giờ là tiên phong trong việc phục hồi và phát triển kinh tế. Trên tinh thần “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ” Vĩnh Phúc đang có cơ hội vàng để bứt phá sau đại dịch./.