Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã và đang được triển khai tại nhiều địa phương trong tỉnh với các vùng chuyên canh, sản xuất theo hướng hàng hóa mới đang được kỳ vọng sẽ tạo nên sức bật mới để thực hiện thành công mục tiêu này.
Chương trình OCOP được triển khai thực hiện theo Quyết định số 490 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 01 của Ban chỉ đạo Trung ương về ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm, giai đoạn 2018 - 2020. Chương trình đặt mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, sản xuất kinh doanh để sản xuất một sản phẩm truyền thống có lợi thế đạt chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân gắn với thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2017-2020.
Trong quá trình thực hiện, tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Hỗ trợ các dự án phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng nhằm tiêu chuẩn hóa các sản phẩm hiện có; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm; đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm…
Nhờ đó, sau gần 1 năm triển khai thực hiện, trên địa bàn tỉnh đã có 18 sản phẩm được chứng nhận “OCOP Vĩnh Phúc”, trong đó có 8 sản phẩm đạt 4 sao và 10 sản phẩm đạt 3 sao. Một số sản phẩm được kể đến như: Thanh long ruột đỏ (Lập Thạch); su su, trà hoa vàng, ba kích (Tam Đảo); chuối tiêu hồng (Yên Lạc); rau an toàn (Vĩnh Tường, Tam Dương, Yên Lạc, Vĩnh Yên); dưa chuột an toàn, gạo Long Trì, trứng gà an toàn (Tam Dương); thịt gà an toàn (Tam Dương, Tam Đảo); thịt lợn an toàn Phát Đạt, thịt lợn thảo dược (Phúc Yên); rắn và các sản phẩm chế biến từ rắn Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường)...
Tuy nhiên, hiện nay, các sản phẩm trên chỉ dừng lại ở sự “nổi tiếng” trong phạm vi hẹp, nhiều sản phẩm trong nhóm nông sản còn đại trà, chưa mang nét đặc trưng của địa phương. Đặc biệt, thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP vẫn chưa ổn định, còn phụ thuộc nhiều vào thương lái; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, chủ yếu là sản xuất thủ công; một số sản phẩm phù hợp thì quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sản lượng thấp...
Để giải bài toán trên, bên cạnh việc đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để người dân, các hợp tác xã và doanh nghiệp hiểu về mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP đem lại, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tập trung hỗ trợ các dự án phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng nhằm tiêu chuẩn hóa các sản phẩm hiện có gắn với xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực cho phát triển các sản phẩm làng nghề theo đúng mục tiêu chương trình OCOP hướng tới. Đặc biệt là tăng cường tổ chức, tham gia hội nghị, diễn đàn, hội chợ xúc tiến thương mại nhằm quảng bá sản phẩm để tìm thị trường tiêu thụ bền vững...
Với mục tiêu đưa chương trình OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng ở khu vực nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, giai đoạn 2021 – 2025, bên cạnh hỗ trợ các sản phẩm đặc sản, truyền thống, tỉnh sẽ tập trung phát triển các sản phẩm cộng đồng, sản phẩm chủ lực có lợi thế ở các địa phương. Phấn đấu toàn tỉnh phát triển mới từ 70 đến 80 sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao trở lên, đầu tư nâng cấp để có từ 2 đến 3 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia, đồng thời, thông qua chương trình, phát triển mới từ 15 đến 20 doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã.