Ngay khi bắt đầu buổi thảo luận, ông Đào Ngọc Thanh đã “đá” việc giải thích tại sao Vinaconex lại bị kiện và HĐQT bị dừng hoạt động để ông Thân Thế Hà giải thích vì ông Thân Thế Hà cũng là một người ký đơn yêu cầu tòa hủy nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, giống như một cách làm khó đối với ông Thân Thế Hà trước Đại hội đồng cổ đông.
Tuy nhiên, ông Thân Thế Hà đã giải thích rất rõ việc khởi kiện này dưới cả góc độ pháp lý và quản trị doanh nghiệp. Theo ông Thân Thế Hà, về mặt pháp lý, các cổ đông lớn thấy không an tâm trước những quyết định gây bất lợi cho công ty thì họ có quyền khởi kiện và tòa án phải thụ lý theo quy định của pháp luật.
Đứng dưới góc độ quản trị doanh nghiệp, ông Hà khẳng định, Vinaconex có truyền thống đoàn kết và ông Hà tiếp tục kêu gọi đoàn kết trên tinh thần tôn trọng lợi ích của nhau giữa các nhóm cổ đông. Với quy chế tài chính và quy chế hoạt động của HĐQT mới ban hành thì rõ ràng là không ổn. Quy mô của Vinaconex là rất lớn nên các quyết định của HĐQT được bàn thì sẽ đảm bảo tốt hơn nhiều, kể cả khi có ý kiến khác biệt. Nhưng đằng này, các quy chế tài chính và quy chế hoạt động của HĐQT thì cá nhân quyết định cả các dự án đến 10% giá trị tài sản của Công ty. Điều này vi phạm về quản trị rủi ro của doanh nghiệp.
“Công ty Vinaconex là một công ty cổ phần, tôi cũng chỉ mong chúng ta có sự minh bạch để Vinaconex là công ty cổ phần thực sự, chứ không phải là công ty gia đình hay công ty của một nhóm người”, ông Thân Thế Hà nêu rõ.
Ngoài ông Thân Thế Hà, đại diện cho cổ đông Cường Vũ cũng nhấn mạnh, các quy chế tiềm ẩn rủi ro nên cổ đông kêu gọi HĐQT xem xét sửa đổi làm hợp lý, cần được tiếp thu.
Trả lời về vấn đề này, ông Đào Ngọc Thanh cho biết, đến nay bản thân ông chưa ký bất cứ quyết định nào về chi tiêu. Việc mua cổ phiếu quỹ cũng bị hủy vì “mất đoàn kết”. Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng, vì ông và ông Nguyễn Xuân Đông đóng góp hơn 7400 tỷ đồng mua cổ phần, nền việc được ký đến 1000n tỷ cũng không vấn đề gì vì được đảm bảo bằng tài sản của ông tại Vinaconex. Nếu không phải là cổ đông lớn thì ký 50 tỷ cũng không được, ông Thanh khẳng định.
Phiên họp Đại hội đồng cổ đông Vinaconex ngày 28/6/2019 |
Theo quy chế hoạt động của HĐQT và quy chế tài chính mới được HĐQT Vinaconex ban hành thì Chủ tịch HĐQT quyết định đầu tư dự án đầu tư có giá trị đến 10% giá trị tài sản của công ty (tương đương gần 2.000 tỷ đồng theo báo cáo tài chính năm 2018). Quy định trên đã đặt Đại hội đồng cổ đông ra ngoài các dự án tầm trung, có thể phát sinh nhiều hệ lụy xấu khiến cổ đông thực sự lo lắng.
Trước đây, khi SCIC còn nắm giữ hơn 57,7% cổ phần phổ thông và Viettel nắm giữ hơn 21% cổ phần phổ thông thì hoạt động tài chính của Vinaconex được kiểm soát chặt chẽ, với việc thẩm quyền của cá nhân chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc đã bị giới hạn trong con số “chục tỷ”.
Theo đó, cá nhân Chủ tịch HĐQT có quyền quyết định các dự án đầu tư, mua sắm lên đến 15 tỷ đồng; cá nhân Tổng giám đốc được quyết định các dự án và đầu tư mua sắm lên đến 5 tỷ đồng. So với giá trị tài sản vốn hóa 20 nghìn tỷ đồng của Vinaconex, con số này thực sự nhỏ bé.
Khi thẩm quyền quyết định của cá nhân chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc chỉ dừng lại ở con số trên, các cổ đông lại được yên tâm nhiều hơn. Bởi lẽ, các quyết định đầu tư lớn phải được tập thể HĐQT hoặc Đại hội đồng cổ đông quyết định. Điều này góp phần hạn chế các rủi ro tiềm ẩn do các quyết định vội vàng hoặc các sai lầm chủ quan có thể xuất hiện nếu quyết định chỉ do một cá nhân đưa ra.
Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi sau khi nhóm cổ đông mới, thông qua Công ty An Quý Hưng, mua lại hơn 255 triệu cổ phần do SCIC sở hữu để trở thành cổ đông lớn nắm giữ 57,7% cổ phần phổ thông của Vinaconex. Với tỷ lệ áp đảo so với các cổ đông khác, cổ đông An Quý Hưng đã thiết lập bộ máy quản trị, điều hành mới và bắt đầu thay đổi quy chế quản trị công ty.
Như đã nêu, trong quy chế hoạt động của HĐQT mới được ban hành ngày 24/1/2019 cho phép cá nhân chủ tịch HĐQT có quyền mua bán, thanh lý tài sản có giá trị nguyên giá đến 10% giá trị tài sản của Vinaconex được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất. Tức là, với giá trị tài sản như hiện nay, cá nhân chủ tịch HĐQT có quyền bán thanh lý tài sản có giá trị lên đến gần 2.000 tỷ đồng. Thẩm quyền này được áp dụng cho cả các quyết định góp vốn, vay vốn, bảo lãnh, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết toán dự án.
Cũng giống như chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Vinaconex cũng được tăng thẩm quyền quyết định các vấn đề nêu trên, với mức thấp hơn chủ tịch HĐQT nhưng cao nhất cũng đạt đến con số 5% giá trị tài sản của công ty, tức là xấp xỉ 1.000 tỷ đồng theo giá trị tài sản công ty theo báo cáo tài chính năm 2018.
So với thẩm quyền của Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc thời trước khi An Quý Hưng trở thành cổ đông của Vinaconex, đây là sự gia tăng thẩm quyền ở cấp độ đặc biệt lớn.
Trong các phiên họp HĐQT của Vinaconex gần đây, nội dung này đã gây chia rẽ HĐQT. Các nhóm cổ đông lớn khác có đại diện trong HĐQT đã bày tỏ quan điểm phản đối quyết liệt quy chế mới do HĐQT với 5 thành viên là đại diện của nhóm cổ đông An Quý Hưng ban hành vì “không công ty đại chúng nào lại giao quyền quá lớn như vậy cho các cá nhân, ngay cả cá nhân đó là cổ đông lớn”.
Theo Luật sư Nguyễn Chí Đại, Chủ nhiệm ĐLS tỉnh Lai Châu thì khi nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối tại Vinaconex, cá nhân chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc bị hạn chế quyền nhằm ngăn chặn việc lạm quyền và tham nhũng. Các cá nhân có quyền càng lớn, kiểm soát quyền lực lỏng lẻo thì khả năng xảy ra tham nhũng càng cao, nhất là trong lĩnh vực bán tài sản và quyết định đầu tư các dự án.
Việc nhóm cổ đông An Quý Hưng mua lại vốn nhà nước để biến Vinaconex thành doanh nghiệp 100% vốn tư nhân không đồng nghĩa với việc không có tham nhũng, bởi người quản trị và người sở hữu công ty vẫn là hai chủ thể khác nhau. “Nguy cơ xảy ra tham nhũng trong bộ máy quản trị và điều hành vẫn tồn tại nếu như giao quyền quá lớn mà không có cơ chế kiểm soát”, Luật sư Nguyễn Chí Đại nhấn mạnh.
Điều đáng nói hơn, các quy chế mà HĐQT Vinaconex ban hành ngày 24/1/2019 có dấu hiệu trái luật. Đánh giá về quy chế hoạt động của HĐQT Vinaconex, Luật sư Lê Văn Đài, Trưởng VPLS Khánh Hưng cho biết, quy chế này đã quy định nhiều quyền mới cho chủ tịch HĐQT mà trong Luật Doanh nghiệp và trong Điều lệ Vinaconex không có quy định.
Cụ thể, theo Điều 152 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định, Chủ tịch HĐQT là người điều hành hoạt động của HĐQT, thực hiện quyền triệu tập họp, chuẩn bị tài liệu và chủ trì họp, thông qua nghị quyết của HĐQT mà không có thẩm quyền cá nhân đối với các quyết định quản trị công ty. Điều 29, Điều lệ Vinaconex cũng không quy định các thẩm quyền của Chủ tịch HĐQT khác so với Luật Doanh nghiệp. Như vậy, việc HĐQT Vinaconex ban hành quy chế hoạt động của HĐQT đã giao quyền cho cá nhân Chủ tịch HĐQT là trái với quy định của Luật và Điều lệ công ty.
“Trong quản trị doanh nghiệp, ngoài Luật doanh nghiệp thì điều lệ công ty là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất, vì điều lệ do Đại hội đồng cổ đông ban hành. Trong Điều lệ Vinaconex không cho chủ tịch HĐQT quyết định cá nhân về các vấn đề tài chính của doanh nghiệp thì việc HĐQT ban hành quy chế, loại văn bản có giá trị pháp lý thấp hơn điều lệ, cho phép cá nhân Chủ tịch HĐQT quyết định đầu tư, mua sắm, vay vốn và bảo lãnh lên đến 10% giá trị tài sản của công ty là trái với điều lệ và pháp luật”, Luật sư Lê Văn Đài nhấn mạnh.
So sánh các quy định trong Quy chế hoạt động của HĐQT Vinaconex và quy chế tài chính của doanh nghiệp này với quy định của một doanh nghiệp niêm yết khác thì thấy, Vinaconex đã làm một việc không có tiền lệ. Tuy nhiên, trong khi trả lời yêu cầu của cổ đông, ông Đào Ngọc Thanh cho rằng, nếu các quy chế này cần sửa thì sửa.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.