Dù cuộc sống khó khăn, từ khi học tiểu học đến THCS, rồi THPT, Bảo Trân luôn là học sinh khá, giỏi. Mẹ vốn bị bệnh nặng, ba lại bỏ nhà đi, Trân nỗ lực học và thi đỗ ĐH Nha Trang. Hiện nay cô SV năm cuối vừa dốc sức học vừa làm thêm.
Cuộc sống của bốn mẹ con Lê Bảo Trân (sinh năm 1989, ở tổ 18, đội 6, thôn Đồng Nhơn (Vĩnh Trung, TP Nha Trang, Khánh Hòa) còn nhiều khó khăn trong căn nhà xập xệ nhìn lên thấy trời, nhìn xuống thấy đất. Nhiều bữa phải nhịn đói. Gần 10 năm nay chị em Trân chưa sắm được một bộ quần áo mới... Nhưng Trân không bỏ cuộc.
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với nỗ lực vươn lên, Bảo Trân vẫn lạc quan vào một tương lai tươi sáng. |
“Mày đừng thi đỗ nghe con”
Từ con đường trải nhựa của xã, muốn vào nhà Trân phải men theo một đường đê mà nếu không cẩn thận là lao xuống ruộng vì đường chỉ bé đến nỗi hai chiếc xe đạp cũng khó mà tránh nhau.
Căn nhà cũ nát, bốn phía làm bằng cót ép đã mục dần, mái che là vài tấm bạt, vài tấm tôn đã thủng lỗ chỗ, nhìn thấu cả trời xanh. Mỗi khi trời mưa, mẹ con lại nằm chụm vào nhau cho đỡ ướt. Nền nhà đất còn không được nhẵn như con đường đê ngoài cổng. Ở góc nhà, Trân cẩn thận cất những tấm giấy khen vào một túi nhỏ. Từ lớp 1 đến lớp 8, Trân đạt danh hiệu học sinh giỏi, từ lớp 9 đến 12 Trân được học sinh tiên tiến.
Mẹ Trân bị bệnh thần kinh. Đến năm Trân học lớp 10 thì người cha bỏ bốn mẹ con đi với người đàn bà khác. Cuộc sống vốn khó khăn lại thêm bế tắc. Gánh nặng đè trĩu vai Trân - cô chị cả trong nhà.
Cuộc sống khó khăn nên khi Trân đi thi đại học, mẹ Trân từng nói: “Tao chỉ cầu trời cho mày thi rớt đại học. Tao biết mày mê học hơn ăn. Nhưng đỗ mà không đi học được vì nghèo thì còn khổ tâm hơn. Mà nhìn mày thế, tao cũng đau lòng”.
Mùa thi ĐH năm 2007, Trân thi đỗ khoa Kế toán, Trường ĐH Nha Trang. Năm ấy, chỉ cần 15,5 điểm là đã đủ đỗ rồi, nhưng Trân được tới 20,5 điểm.
Từ khi bước chân vào giảng đường, năm nào Trân cũng đi gia sư. Đến năm thứ 3 thì vừa gia sư vừa tranh thủ làm thêm cho một quán cơm chay ở chùa Long Sơn gần một năm. Rồi “sang năm 4, vì là năm học cuối nên em không dám mạo hiểm. Em xin không đi làm thêm ở quán cơm nữa mà chỉ đi gia sư thôi”.
Hiện nay, Trân cũng được nhà trường cấp học bổng vì là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có thành tích học tập tốt.
Căn nhà lụp xụp của bốn mẹ con Trân. |
Dệt ước mơ trên nền nhà đất
Mẹ bị bệnh nên những lần mẹ phát bệnh hay đập phá đồ đạc, chửi bới, Trân thương mẹ lắm, chỉ biết ôm chặt mẹ mà khóc. Có hôm mẹ bệnh nặng, Trân phải cho mẹ ngồi lên xe đạp rồi một tay giữ chặt tay mẹ, một tay chỉnh đường, đạp xe suốt quãng đường gần 10km đưa mẹ đến Bệnh viện tâm thần ở Diên Phước (Diên Khánh, Khánh Hòa).
Lúc tỉnh táo bà Bùi Thị Sơn, mẹ Trân, giọng buồn buồn: “Bây giờ bệnh cũng đỡ nhiều rồi. Khi nào trong nhà cũng có sẵn thuốc uống, đi làm thì đem theo. Hàng ngày cứ mua ít bánh bông lan, bánh mỳ ngọt đi bán lại ở bến xe phía Bắc. Ngày nào nhiều lắm cũng chỉ kiếm được 30 ngàn đồng”.
Trân cho biết, vì mẹ đi từ sáng đến tối mới về, có những hôm nhà hết tiền, chị em Trân nhịn đói bữa trưa là chuyện bình thường. “Nhà em nhịn đói nhiều quen rồi. Từ xưa đến nay vẫn thế mà. Có trời nuôi mà. Trong nhà cũng treo lủng lẳng mấy gói mì tôm, mà cũng khó nuốt lắm. Ăn mì hoài, nóng người lắm”, Trân nói.
Ban ngày một buổi đi học, thời gian còn lại Trân đi gia sư kiếm tiền. Nếu học buổi chiều thì em gói cơm không (mà thường xuyên là cơm nguội, thừa từ tối qua) bỏ vào cặp, sau khi dạy thêm xong thì ghé qua quán cơm chay, mua ít đồ ăn rồi phóng thẳng đến trường ngồi ăn.
Trân cho biết: “Vì nhà cách trường gần 10 cây số nên em không đạp xe về nhà được. Đến trường sớm thì nằm ngủ trưa ở ghế đá, rồi hẹn giờ dậy sớm để vào lớp. Em mới nhận dạy kèm thêm cho một em nữa, nên sau buổi học là đi dạy luôn. Thường thường khoảng 10 giờ đêm là em về đến nhà”.
Thương mẹ, thương chị, hai em của Trân là Lê Bảo Trâm (sinh năm 1991) và Lê Quang (sinh năm 1994) ngoài thời gian học bổ túc vào ban đêm, ban ngày Trâm đi làm thêm ở quán cà phê, còn Quang đi phụ rửa xe. Mỗi tháng cũng có thêm tiền mua thức ăn và dành dụm những ngày khốn khó.
Thấy chúng tôi nhìn cánh tay áo bị rách, cánh tay bên kia thì cũng có miếng vá, Trân hơi ngại ngùng, nhưng rồi thật thà: “Chắc phải gần 10 năm nay rồi, em chưa sắm quần áo mới. Quần áo đang mặc, cả hai đứa em của em, đều toàn người ta cho. Năm ngoái, có sư cô Diệu Phúc ở chùa Kim Quang (TP Nha Trang) tặng em 2 cái áo mới. Em mừng hết nỗi, chỉ để dành lâu lâu mặc đi học thôi”.
Điện không có, nước giếng bị nhiễm phèn nên nhà Trân phải dùng nhờ nhà hàng xóm. “Thường thường mỗi ngày qua nhà cô bên cạnh xách 2 xô nước, nhưng chủ yếu để nấu ăn thôi. Còn nước sinh hoạt thì vẫn dùng nước giếng, đục một màu vàng, nhưng nhà em cũng quen rồi. Còn điện thì xin kéo “ké”, dùng mấy trả nấy nhưng chỉ có một bóng điện nhỏ, để tụi em học thôi”, Trân cho biết.
Trước kia, Trân thường ngồi học ở chiếc bàn trong góc nhà, nhưng từ ngày Trâm và Quang được đi học bổ túc ở Trường THPT Hà Huy Tập thì Trân nhường góc ấy cho hai em. Trân tự kiếm gỗ, đóng một chiếc bàn nhỏ, mỗi khi học lại trải một tấm áo mưa xuống nền nhà đất ngồi học.
“Em ngồi học thế này cũng lý tưởng rồi, chỉ sợ những khi trời mưa, nước mưa dột xuống nền đất, bắn cả bùn lên sách”, Trân vui vẻ nói.
Nơi Trân học tập là nền nhà đất với tấm áo mưa trải dưới chỗ ngồi và chiếc bàn học tự làm. |
Và cứ thế, mỗi đêm khuya, nếu ai đi ngang qua đây sẽ thấy trong căn nhà nhỏ phía sau cánh đồng có một ánh điện sáng lên. Ánh điện chiếu rọi xuống từng trang sách. Nơi ấy, có cô sinh viên nghèo đang dệt ước mơ.
Theo Dân Trí