Cho đến nay việc thoả thuận giữa Ngân hàng và bên vay đã được TAND công nhận, Hợp đồng đấu giá tài sản thế chấp khi không trả nợ ngân hàng đã được thi hành. Trong quá trình thi hành án, bên vay và bên thế chấp tài sản nghi ngờ chưa được giải ngân. Cho rằng có khuất tất, bên vay yêu cầu Ngân hàng cung cấp chứng từ vay vốn, song nhiều lần bị từ chối?
Gian nan “tìm” giấy nhận tiền
Báo PLVN nhận được đơn kêu cứu của Công ty CP và Thương mại Đức Huy (Cty Đức Huy, bên vay) trụ sở tại tổ dân phố số 4, phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh và bên thế chấp tài sản vay vốn về việc không được ngân hàng cung cấp chứng từ giải ngân vay vốn.
Theo đơn trình bày, vợ chồng bà Nguyễn Thị Thuý Hằng (trú thị xã Hồng Lĩnh) hợp đồng thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khách sạn Asean 7 tầng tại thị xã Hồng Lĩnh với Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Chi nhánh Bắc Hà Tĩnh (Vietcombank Bắc Hà Tĩnh) cho Cty Đức Huy vay vốn.
Khách sạn ASEAN đã bị cưỡng chế thi hành án trong tháng 7/2017 |
Năm 2011, Cty Đức Huy ký 2 hợp đồng tín dụng số 034/2011/2099/KDK ngày 19/12/2011 và hợp đồng số 034/2011/2018 KDK ngày 27/12/2011 vay Vietcombank Bắc Hà Tĩnh 5 tỷ đồng với mục đích thanh toán tiền hàng kinh doanh vận tải, nhà hàng khách sạn.
Theo ghi nhận của PV, “Giấy nhận nợ” thể hiện, trong vòng 10 ngày (20 – 29/12/2011), qua 5 lần Cty Đức Huy tiến hành rút 5 tỷ tiền mặt tại Ngân hàng.
Quá hạn thanh toán theo hợp đồng, Vietcombank làm đơn khởi kiện. TAND thị xã Hồng Lĩnh đã thụ lý, đến ngày 14/6/2015, TAND thị xã Hồng Lĩnh ra Quyết định số 01/2015/QĐST-KDTM công nhận sự thoả thuận của các đương sự.
Theo đó Cty Đức Huy có trách nhiệm trả cho Vietcombank số tiền tính đến ngày 26/10/2014 cả gốc và lãi là hơn 7 tỷ đồng. Trong trường hợp Cty Đức Huy không thanh toán được các khoản tiền nợ trên thì Vietcombank có quyền yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh xử lý tài sản của những người đã thế chấp, bảo lãnh để thu hồi nợ.
Trong quá trình tiến hành Thi hành án, sau khi kiểm tra lại thông tin, Cty Đức Huy nghi ngờ chưa được Ngân hàng giải ngân nên yêu cầu Vietcombank cung cấp chứng cứ vay tiền. Tuy nhiên, theo đơn kêu cứu, qua 8 lần họ yêu cầu vẫn không được Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Bắc Hà Tĩnh đáp ứng.
Qua hồ sơ do phía Cty Đức Huy cung cấp, tại biên bản giao nhận chứng cứ giữa Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Bắc Hà Tĩnh với TAND thị xã Hồng Lĩnh vào ngày 2/12/2014 thể hiện việc giao nhận không có chứng từ “giấy lĩnh tiền mặt” cũng như bản kê các loại tiền giữa ngân hàng với Cty Đức Huy.
Kiểm tra hợp đồng tín dụng thấy rằng trong hợp đồng tín dụng “giấy nhận nợ” là giấy kèm theo mẫu hợp đồng. Tại điểm 4.3 điều 4 hợp đồng tín dụng thể hiện “từng lần rút vốn, Bên vay lập Giấy nhận nợ theo mẫu quy định đính kèm hợp đồng này và kèm chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay (nếu có). Kiểm tra Giấy nhận nợ (có giấy ghi sai ngày tháng hợp đồng - PV), tại mục chứng từ kèm theo trong đó các mục khác không đánh dấu. Duy mục “Giấy lĩnh tiền mặt” có đánh dấu và ghi ngày tháng.
Giải thích câu hỏi “tại sao chưa nhận tiền đã nhận nợ”, ông Phan Công Vinh, Giám đốc Cty Đức Huy và đại diện bên thế chấp tài sản cho biết: Thời điểm diễn ra sự việc, Cty Đức Huy cũng như gia đình bên thế chấp có nhiều việc nên không kiểm tra kịp thời các khoản vay. Việc nhận nợ, hay ký hợp đồng đấu giá tài sản là do không kiểm tra chứng từ nhận tiền.
Hiện tại Cty đã làm đơn gửi TAND Tối cao để xem xét toàn bộ vụ việc liên quan đến hợp đồng vay vốn với Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Bắc Hà Tĩnh.
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Hà Tĩnh |
Ngân hàng nói gì?
Để làm rõ việc vay vốn của Cty Đức Huy, PLVN đã có buổi làm việc với đại diện Vietcombank Bắc Hà Tĩnh.
Giám đốc Chi nhánh này hiện tại là ông Nguyễn Lâm Cường (mới nhận công tác được vài tháng) cho rằng “không thể không có việc không nhận tiền”.
Ông Cường cho biết quy trình cụ thể của việc vay vốn, sau khi làm các thủ tục xong như tiến hành hợp đồng tín dụng, thẩm định thì mới đến khâu nhận tiền. Việc nhận tiền phải có đầy đủ chữ ký của người nhận.
Về việc Ngân hàng giải ngân 5 tỷ tiền mặt, ông Cường cho biết việc 5 lần nhận tiền mặt là không thành vấn đề.
Về việc phía Cty Đức Huy yêu cầu cung cấp chứng từ vay vốn, ông Cường thừa nhận Ngân hàng đã nhận được đơn của Cty này và đã cung cấp 1 lần khi vay vốn và “chỉ trả lời 1 lần”. Nhưng Ngân hàng cũng không đưa ra được văn bản nào chứng minh đã trả lời cho phía người vay. Trong khi đó, bên vay khẳng định Ngân hàng chưa cung cấp.
Trở lại với nghi ngờ chưa được nhận tiền của bên vay, khi PV đề nghị Ngân hàng cung cấp tên người nhận tiền của Cty Đức Huy, phía Ngân hàng cho biết chưa tìm được hồ sơ do bộ phận khác quản lý.
Đặc biệt, trong tài liệu do Ngân hàng gửi tới tòa án cũng không có “giấy lĩnh tiền mặt”, một chứng từ quan trọng chứng minh bên vay đã nhận tiền.
Giám đốc Vietcombank Bắc Hà Tĩnh cũng không giải thích được điều này. Ông chỉ nói về mặt quy trình thì chưa nhận tiền là chưa thực hiện vay vốn.
Không làm rõ được vấn đề, đại diện Ngân hàng nêu câu hỏi ngược: “Không nợ, sao có văn bản nhận nợ”.
Cả hai bên đều khẳng định vay phải trả là lẽ đương nhiên. Nếu Ngân hàng đã giải ngân thì chứng từ đâu? Nếu Cty Đức Huy đã nhận tiền thì ai là người ký nhận? Hoặc không loại trừ khả năng Cty Đức Huy đã nhận tiền nhưng do một sơ suất nào đó không sao lưu cập nhật chứng từ…
Thiết nghĩ không khó làm sáng tỏ những câu hỏi trên, nếu Ngân hàng cung cấp chứng từ giải ngân theo yêu cầu chính đáng của khách hàng, của doanh nghiệp.
Tại sao Cty Đức Huy chật vật làm đơn nhiều lần vẫn không được Ngân hàng cung cấp chứng từ trên?
Mặt khác, Giám đốc chi nhánh cũng từ chối cung cấp các văn bản, tài liệu cho PV, với lý do “không đủ thẩm quyền”.
PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.