Không đưa rước, không ăn vẫn bị thu tiền
Theo thông báo của Trường, số tiền học phí mỗi học phần lên đến gần 45 triệu đồng. Giữa lúc dịch Covid-19 đang căng thẳng, trong khi Chính phủ, các ban ngành, người dân nỗ lực chống chọi dịch bệnh, kinh tế eo hẹp, thu nhập giảm sút thì Việt Úc vẫn đòi thu đủ 100%.
Một phụ huynh có hai con đang theo học ở trường nói: “Phụ huynh hoàn toàn chia sẻ với những khó khăn của nhà trường. Nhưng đừng đẩy phụ huynh phải rơi vào những bất công, những áp đặt bất hợp lý và cũng đừng biến các giáo viên của nhà trường thành đồng nạn nhân trong vấn đề thu học phí này”.
Theo phụ huynh này, Trường Việt Úc chia làm 4 học phần và có hai cách thức đóng học phí là đóng cả năm và đóng theo học phần. Ông là người đóng cả năm cho hai con. Những người đóng theo học phần nhận được thư thông báo nộp học phí và cách thức giải quyết với tiền ăn, tiền đưa rước.
“Học phí học phần 3 chỉ mới được nhà trường sử dụng chưa tới 30% thì đã phải nghỉ dịch. Các hoạt động học online ở nhà với học sinh cấp 1, 2 chỉ áp dụng các môn chính; còn các hoạt động ngoại khóa, môn học khác đều không dạy học. Nhưng bất ngờ nhà trường vẫn thông báo thu tiền như đúng tiến độ”.
Phụ huynh bức xúc là chưa giải quyết các vấn đề học hành như thế nào thì trường không được bắt đóng tiền thêm. Trường còn yêu cầu đóng thêm tiền giữ chỗ cho năm học sau là 20 triệu/học sinh.
“Trường không thể thu tiền ăn, tiền đưa rước, tiền dịch vụ khác rồi đưa ra phương án là sẽ tính toán lại và cấn trừ vào năm học sau. Tại sao không tính toán ngay bây giờ? Tại sao con em chúng tôi không sử dụng dịch vụ nêu trên nhưng vẫn phải đóng tiền? Tại sao giữa mùa dịch, các trường khác đều có chính sách hỗ trợ thì Việt Úc vẫn cứ thu đủ dù chưa biết đến khi nào việc học lại tại trường mới bắt đầu”, phụ huynh nói.
Trong các buổi làm việc với nhà trường, tập thể phụ huynh đều chia sẻ khó khăn với nhà trường, nhưng yêu cầu trường phải trả lời rõ ràng: Thứ nhất, xác định chi phí số tiền học phí trực tuyến, kể từ ngày có thông báo nghỉ dịch là bao nhiêu? Thứ hai, xác định lại mức học phí khi các học sinh không được thụ hưởng các hoạt động ngoại khóa, các môn năng khiếu, các cơ sở vật chất của nhà trường trong thời gian nghỉ dịch? Thứ ba, xác định chi phí các khoản liên quan tới ăn uống, y tế, vệ sinh... nếu không đi học?
Sau đó nhà trường đã bỏ việc thu tiền ăn, tiền đưa rước, dịch vụ khác. Nhưng những người đóng nguyên năm thì trường vẫn chưa đề cập đến.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ có buổi làm việc chính thức với nhà trường. Nếu những yêu cầu chúng tôi đưa ra không được giải quyết cụ thể, rõ ràng và hợp lý thì chúng tôi sẽ khởi kiện ra tòa”, một phụ huynh nói.
Trường cần có chính sách phù hợp với tình hình dịch bệnh
Đánh giá về sự việc, LS Nguyễn Hoài Nghĩa (Đoàn LS TP HCM) nói: “Chính phủ đã có văn bản hướng dẫn, nói rõ các đơn vị giáo dục công lập hay tư thục cũng phải xác định lại học phí, thời gian học. Xác định như thế nào thì tùy từng địa phương, tùy theo cách quản lý mà Sở GD&ĐT phải có đề xuất kiến nghị để Bộ GD&ĐT đưa ra phương án cụ thể, áp dụng toàn hệ thống. Bởi vì đây là tình hình chung, ảnh hưởng đến tất cả các bậc giáo dục, tư hay công gì cũng đều bị”.
“Trong vụ việc ở Trường Việt Úc, nói Sở GD&ĐT TP HCM chậm thì không chậm vì sự việc chỉ mới xảy ra. Sở tiếp nhận, tiếp cận thông tin hay chưa? Tiếp cận rồi có xem xét, kiến nghị như thế nào? Sở phải làm việc với nhà trường và phụ huynh để có kiến nghị, biện pháp tốt nhất. Nhưng do đang trong thời gian giãn cách xã hội, tôi nghĩ trường nên tạm dừng thu tiền để chờ ý kiến của Sở và Bộ”.
“Nếu đánh giá chung thì Sở và Bộ đã chậm có hướng dẫn đối với trường tư thục. Các trường công lập thì dường như miễn học phí. Dù dịch bệnh xảy ra nhiều tháng, học sinh nghỉ học từ sau Tết Nguyên đán đến nay nhưng vẫn chưa có chính sách cụ thể với trường tư thục là chậm trễ. Sự chậm trễ này dẫn đến sự việc như Trường Việt Úc và có thể là hàng loạt vụ kiện sau khi hết dịch”.
Theo LS Nghĩa, về quyền lợi của nhà trường và phụ huynh, do trường tư thục trước khi dạy và học có thông qua hợp đồng ký kết nên các điều khoản cụ thể thế nào về trường hợp nêu trên, phải dựa vào hợp đồng: “Nhưng hiện nay, tình hình dịch bệnh, các trường dù có dạy trực tuyến và áp dụng chính sách miễn hoặc giảm học phí. Tôi nghĩ Trường Việt Úc cần căn cứ tình hình chung, cần xem xét giảm học phí, chứ thu 100% thì phụ huynh không phản ứng mới lạ”.
“Các khoản như tiền ăn, tiền xe, tiền dịch vụ khác do không phát sinh thì các khoản này không nên thu có thể chấp nhận. Việc bảo thu rồi sẽ cấn trừ vào năm sau thì không phù hợp với pháp luật và không đúng thực tế diễn ra với hợp đồng đã giao kết trước. Nếu thu vào mà không sử dụng, nhà trường bỏ vào ngân hàng thì tiền lãi đó ai hưởng?”.
LS Nghĩa nói: “Đây là một tranh chấp dân sự nên các bên không thống nhất được với nhau, có thể đưa ra tòa. Có điều đưa nhau ra tòa thì ảnh hưởng cho các bên, cho hệ thống giáo dục. Sở và Bộ GD&ĐT cần vào cuộc, sớm đứng giữa làm trung gian và có ý kiến”.
“Với chương trình học trực tuyến mà Việt Úc đang áp dụng, học sinh cấp 1 học 1 ngày 2 tiếng, học sinh cấp 2 học 4 tiếng. Nếu học ở trường, các cháu sẽ học 8h/ngày và được học tất cả các môn. Được học trực tiếp với các giáo viên nước ngoài, tham gia các hoạt động xã hội, học các môn ngoại khóa... Giờ học giảm so với thực tế và nhiều bộ môn không được dạy học nên không thể thu đủ học phí được.
Học trực tuyến online thì học ngày bao nhiêu buổi, kết quả như thế nào? Căn cứ kết quả đó mà tính học phí như vậy, chứ không thể đánh đồng như chương trình các em học ở trường. Thực tế học trực tuyến ở nhà và học trực tiếp ở trường có nhiều khoản khác rất nhau”.
(Ý kiến một phụ huynh)