Chúc mừng Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì đã đạt được thành quả tuyệt vời trong việc kiểm soát Covid-19, Đại sứ Úc tại Việt Nam Robyn Mudie đồng thời nhấn mạnh mong muốn của thế giới hiện nay là đại dịch Covid-19 sẽ chấm dứt càng sớm càng tốt. Việc tiếp cận vaccine an toàn và hiệu quả là chìa khóa để đạt được mục đích đó.
Bà Đại sứ cam kết: “Chúng tôi sẽ hỗ trợ Việt Nam mua các thiết bị giữ lạnh để lưu trữ và vận chuyển vaccine tới những nơi cần thiết trên khắp đất nước, tổ chức tập huấn và cung cấp tài liệu để đảm bảo các cán bộ và nhân viên y tế luôn sẵn sàng và hỗ trợ việc lên phương án tiêm chủng tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa nhằm đảm bảo việc cung cấp vaccine một cách công bằng và đồng bộ”.
Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers chia sẻ, việc triển khai một vaccine mới, đặc biệt là vaccine Covid-19 là một nhiệm vụ lớn đối với bất cứ một chính phủ nào, bởi việc này đòi hỏi rất nhiều bước. Nhờ có sự hợp tác với Chính phủ Úc, UNICEF đã cam kết phối hợp với Bộ Y tế và các đối tác khác để hỗ trợ việc giới thiệu và triển khai tiêm vaccine Covid-19 tại Việt Nam.
“Không ai an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn, vì thế việc tiêm chủng mở rộng vaccine phòng Covid-19 là một bước quan trọng bảo vệ các cán bộ tuyến đầu và giúp Việt Nam mở cửa trở lại với các nước khác trên thế giới”, bà Flower lưu ý. Đồng thời nhấn mạnh cần đảm bảo tất cả người dân đều được tiêm đầy đủ bất kể mức thu nhập hay địa vị xã hội. Đầu tư vào công tác tiêm chủng nói chung và tiêm vaccine Covid-19 nói riêng, là đầu tư hiệu quả nhất để có thể mở cửa trở lại, phục hồi và phát triển kinh tế, tái định hình một tương lai tốt đẹp hơn cho Việt Nam.
Chương trình này sẽ hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu tới cuối năm 2022 sẽ tiêm chủng được cho 20% dân số trong diện ưu tiên và tạo cơ sở cần thiết khi triển khai tiêm vaccine trên phạm vi toàn quốc. Số tiền dành cho chương trình này được trích một phần từ Sáng kiến vùng về An ninh Y tế và Tiếp cận vaccine trị giá 523,2 triệu đô-la Úc và phần còn lại từ chương trình Hợp tác phát triển song phương với Việt Nam của Chính phủ Úc. Úc hiện đã cam kết chi 40 triệu đô-la Úc trong vòng 3 năm để hỗ trợ Việt Nam mua và phân phối vaccine.
Hỗ trợ của Úc sẽ bao gồm giúp Việt Nam mua thiết bị dây chuyền lạnh để bảo quản và vận chuyển vaccine tới nơi có nhu cầu trên toàn quốc; thực hiện các khóa tập huấn và cung cấp tài liệu tập để giúp đội ngũ cán bộ và nhân viên y tế của Việt Nam sẵn sàng thực hiện chương trình tiêm chủng toàn dân; hỗ trợ việc xây dựng các kế hoạch tiêm chủng tại vùng sâu, vùng xa của Việt Nam để đảm bảo việc triển khai vaccine được công bằng và đồng bộ. Gói hỗ trợ cũng bao gồm hỗ trợ về kỹ thuật cho kế hoạch tiêm chủng, đánh giá mức độ an toàn và chất lượng của vaccine, xây dựng năng lực cho đội ngũ y tế và triển khai các kế hoạch cung cấp thông tin và tuyên truyền tới công chúng.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương Dương Thị Hồng cảm ơn sự thấu hiểu hoàn cảnh của Việt Nam và tầm quan trọng của việc tiêm vaccine tại Việt Nam của bà Đại sứ và bà Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam. Bà Hồng khẳng định, sự hỗ trợ của Úc thông qua UNICEF dành cho Việt Nam là vô cùng quý giá, giúp nâng cao chất lượng tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.
Với chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất từ trước đến nay, bà Hồng cam kết Việt Nam sẽ sử dụng đúng mục đích, nghiêm túc, hiệu quả sự hỗ trợ này, góp phần đảm bảo thành công cho chiến dịch. Đồng thời bày tỏ mong muốn các đối tác tiếp tục cung ứng vaccine cho Việt Nam trong bối cảnh nguồn cung vaccine đang khan hiếm.