Việc phụ nữ nghỉ hưu trước nam giới 5 năm theo pháp luật lao động hiện hành, ngày càng nhận nhiều ý kiến phản đối từ xã hội. Bên cạnh đó, nguy cơ quỹ lương hưu cạn kiệt trong thời gian không xa nữa, cũng là một nguyên nhân, khiến cho ngành lao động-thương binh và xã hội phải tính đến chuyện tăng tuổi hưu.
Lao động nữ cần được tăng tuổi về hưu. |
Vấn đề gây nhiều tranh cãi
Tháng 8/2102, tại hội thảo “Đánh giá tài chính Quỹ Hưu trí ở Việt Nam- Kết quả dự báo và những khuyến nghị” do Bộ LĐ-TB&XH và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức, một khuyến nghị đã được đưa ra: Quỹ lương hưu Việt Nam sẽ cạn kiệt vào năm 2029.
Cụ thể, quá trình lão hóa dân số ở Việt Nam đang diễn ra rất nhanh và chỉ khoảng 20% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội ở Việt Nam. Điều này dẫn đến một tỷ trọng lớn dân số sẽ không được hưởng trợ cấp xã hội trong tương lai.
Chuyên gia của ILO tại Việt Nam đánh giá: “Quỹ lương hưu sẽ bắt đầu thâm hụt từ năm 2020 và sẽ hoàn toàn cạn kiệt vào năm 2029.”
Để giải quyết tình hình, theo ILO sự kết hợp giữa tăng tuổi về hưu và thay đổi cách tính lương hưu sẽ giúp tăng tính bền vững của quỹ hưu trí trong dài hạn.
Tăng tuổi về hưu – là cần thiết, vì nhiều lý do như đã nói trên, cũng như vì sức khỏe, năng lực của con người trong xã hội ngày càng cải thiện nên nhu cầu lao động, cống hiến cũng tăng cao… Thế nhưng, tăng cho ai, cho cả nam – nữ, hoặc cho riêng nữ (vì hiện nay tuổi nghỉ hưu của nữ giới sớm hơm nam giới 5 năm) thì vẫn là vấn đề gây nhiều tranh luận.
Trong buổi hội thảo vừa được Bộ Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết, thời gian tới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục tổ chức lấy ý kiến về tuổi nghỉ hưu, tìm ra phương án chung để khi đưa vào luật thực hiện không bị vướng mắc và đảm bảo lợi ích của đại đa số người lao động.
Còn quan điểm của Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ LĐ cho thấy sẽ đề xuất hai phương án: Một là tăng của cả nam, nữ và hai là chỉ tăng tuổi nghỉ hưu của nữ.
Tăng tuổi hưu – đảm bảo bình đẳng giới
Nói riêng về tăng tuổi hưu cho nữ giới, bên cạnh những ý kiến ủng hộ việc ưu tiên cho phụ nữ “được” nghỉ sớm trước nam giới 5 năm như hiện nay thì có rất nhiều quan điểm cho rằng làm như vậy là phí phạm nhân lực.
Vì chỉ có một bộ phận nữ giới làm công việc nặng nhọc như công nhân vệ sinh, công nhân tuyển than, làm việc tại các dây chuyền sản xuất… là có nhu cầu nghỉ sớm vì lý do sức khỏe. Còn nhìn chung, ở độ tuổi 50 trở đi, người phụ nữ mới thực sự cống hiến sau khi đã không còn vướng bận chuyện gia đình, trình độ và kinh nghiệm cũng rất dồi dào, sung mãn.
Hay như một ý kiến của giáo viên mầm non ở TP.HCM: “Một đất nước muốn thịnh vượng luôn bắt nguồn từ lợi ích chung của cộng đồng, là nghĩa vụ đóng thuế giúp đất nước khi còn sức lực. Việc nghỉ hưu phụ thuộc vào khả năng lao động của từng người, từng nghề, từng vị trí, nhưng tôi cho rằng nên áp dụng thống nhất là 60 tuổi. Đây là quyền mà xã hội phải trân trọng”.
Một ý kiến khác cho thấy: “Nếu đã xét bình đẳng giới thì không thể áp dụng luật "mở", nghĩa là cho nữ được chọn lựa nghỉ từ 56 - 60 tuồi, mà phải quy định tuổi nghỉ hưu là 60. Khi đưa vào luật, mới không bị phản ứng từ nam giới”….
Được biết, Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động VN) cũng đã nhiều lần kiến nghị tuổi nghỉ hưu của nữ lao động cần chia thành hai khu vực lao động phổ thông và hành chính. Ở khu vực hành chính, tuổi nghỉ hưu được đề xuất nâng lên mức 58 tuổi.
Nhìn từ góc độ bình đẳng giới, tại hội thảo lấy ý kiến nội dung hướng dẫn Điều 187 Bộ luật Lao động mà Bộ LĐ-TB&XH vừa tổ chức, bà Hà Thị Thanh Vân - Phó trưởng Ban Chính sách-Luật pháp, Hội LH Phụ nữ Việt Nam) cho rằng nếu tiếp tục điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ thì sẽ không đảm bảo được việc lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng chính sách, cần thay đổi để đảm bảo quyền bình đẳng cho người phụ nữ.
Vì, khoảng chênh 5 năm làm việc hiện nay tạo thiệt thòi cho người phụ nữ trong cơ hội việc làm, đào tạo, thu nhập…
Hồng Minh