Hầu hết Việt kiều từ Campuchia về tổ 5, ấp Việt Quang, xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước chưa có hộ khẩu thường trú. Đa phần họ thuộc diện nghèo, không có đất đai, không có nhà ở, chuyên sống bằng nghề đánh bắt thuỷ sản. Bài toán giải quyết hộ khẩu cho họ vẫn còn vướng những lời giải lý tình.
Theo chân các thành viên trong Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến Việt Kiều Campuchia yêu nước huyện Lộc Ninh, chúng tôi đến thăm gia đình ông Phan Văn Thơ sinh năm 1949, ở tổ 5 ấp Việt Quang. Ông sinh ra và lớn lên tại Campuchia.
Bà con nơi đây đang bày tỏ nguyện vọng sớm có hộ khẩu với phóng viên. |
Cuộc mưu sinh vất vả với trên chục miệng ăn trên đất khách khiến cho gia đình ông chẳng ai được đến trường, Ông bà, cha mẹ chết để lại cho ông “gia tài” là cái nhà làm nổi trên các thùng phuy ghép lại, phía dưới là lồng nuôi cá.
Hai vợ chồng vừa nuôi cá lồng, vừa đánh bắt thuỷ sản tự nhiên. Sang Campuchia sinh sống lênh đênh trên sông nước với nghề chài lưới, không có giấy tờ gì, chỉ biết làm nghề giăng câu bắt cá, sống lênh đênh trên khu vực biển hồ Tonle Sáp
Đầu năm 2012, cả gia đình dắt díu nhau trở lại cố hương và được người họ hàng cho ở nhờ trên mảnh đất khoảng 0,5 sào tại ấp Việt Quang, xã Lộc Quang. Trong ngôi nhà nhỏ chưa đầy 32m2 nhưng có tới 4 hộ gia đình với 15 khẩu cùng sinh sống.
Vẫn là nghề đánh bắt thủy sản , chài lưới trên dòng sông Bé để kiếm kế sinh nhai. 15 nhân khẩu trong gia đình ông vai dài, sức rộng mà không thể kiếm được việc làm vì họ không có bất kỳ một giấy tờ tùy thân nào.
Từ khi trở về Việt Nam đầu năm 2012 cho đến nay, gia đình ông Thơ cũng đã nhiều lần tìm đến chính quyền xã Lộc Quang để xin làm hộ khẩu nhưng vẫn chưa được giải quyết. Ông Phan Văn Thơ bùi ngùi:
“Tôi cũng là Việt Kiều ở Campuchia, nghèo khổ quá nên về đây rau cháo qua ngày, dù gì cũng là quê cha, đất tổ, nhưng về đây cũng quá nghèo, quá khổ, nhà ở không có, rách rưới, nhờ bà con địa phương nơi đây cho ở nhờ, tôi bị bịnh tim, nhà khổ lắm, nhưng vì tôi không có hộ khẩu, nên chánh quyền cũng không giúp được gì, tôi mong có giấy tờ hợp pháp, có hộ khẩu đặng con cái nó xin được việc làm, mấy cháu sau này được ăn học”.
Trên địa bàn tổ 5 ấp Việt Quang, hầu hết Việt kiều từ Campuchia về tạm trú gần như cùng cảnh ngộ với ông Thơ. Bà con sống lênh đênh trên sông nước, hoặc có điều kiện làm nhà ở thì cũng quây quần bên nhau mấy chục hộ dân cùng sinh sống trong một mài nhà chật hẹp.
Trong căn lều tạm của mình, ông Nguyễn Văn Vương bày tỏ mong muốn có hộ khẩu để ổn định cuộc sống. |
Dù sống dưới nước, hay trên bờ bà con đều làm nghề đánh bắt thuỷ sản dưới hồ và đóng lồng nuôi cá lóc, cá bông như thuở còn “tha phương cầu thực” ở Campuchia .
Ông Nguyễn Văn Vương – một Việt kiều Campuchia hồi hương về Việt Nam từ năm 2003 và cũng sống “lênh đênh” trên dòng sông Bé, đoạn thuộc phạm vi quản lý của thủy điện Sroc Phu Miêng ở tổ 9 ấp Việt Quang, xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh.
Gia đình ông có 6 người con nhưng do không có sổ hộ khẩu, bản thân ông và các thành viên trong gia đình không có chứng minh nhân dân nên rất khó khăn trong khi đi xin việc làm tại các công ty, xí nghiệp, các con nhỏ của ông thì không thể đến trường. Ông Vương cho biết: Do ông không có thủ tục chuyển đến địa phương nên chính quyền xã Lộc Quang chưa thể làm thủ tục cấp sổ hộ khẩu cho gia đình ông được.
Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước có hơn 100 hộ Việt kiều Campuchia hồi hương về quê sinh sống với gần 380 nhân khẩu. Đồng bào chủ yếu sống bằng nghề làm thuê, làm mướn hoặc chài lưới, nuôi cá ở các khu vực lòng hồ thủy điện và các dòng sông trên địa bàn. Phần lớn đồng bào đều chưa làm được sổ hộ khẩu và có cuộc sống hết sức khó khăn.
Nguyên nhân họ chưa làm được sổ hộ khẩu là do họ không có chứng minh nhân dân và những giấy tờ cần thiết. Họ chỉ sống với cuộc sống hiện tại mà không biết tương lai của con em mình rồi sẽ ra sao . Ông Cao Trung Kỳ - Chủ nhiệm câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Việt Kiều Campuchia yêu nước huyện Lộc Ninh tỉnh Bình Phước cho biết, Câu lạc bộ cũng đã làm đơn, gửi chính quyền sở tại, đi Campuchia xin xác nhận đồng bào đã từng sống lên đênh trên Biển hồ Tonle Sáp Campuchia.
Tuy vậy, những nỗ lực này cũng không thể giải quyết gì được bởi căn cứ vào Nghị định 158/ NĐ – CP ngày 27/5/2005 của Chính phủ quy định về đăng ký và quản lý hộ tịch, hầu như 100% hộ đồng bào Việt Kiều Campuchia hồi hương tại Bình Phước chưa hội đủ các điều kiện cần thiết như: Không có quốc tịch, không có chứng minh nhân dân, không có tạm trú, tạm vắng….
Ông Lê Văn Sâm – Chủ tịch UBND xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh cho biết: “Trước đây, công an tỉnh Bình Phước đã có một đợt giải quyết hộ khẩu cho kiều bào Campuchia, nhưng số hộ hồi hương theo dạng di dân, gặp khó khăn ở nước bạn thì trở về là khá nhiều. Họ không có gì cả, không có quốc tịch, không có giấy chứng minh, không có giấy tờ, không có khai sinh gì cả. Theo Nghị định 158 thì đâu giải quyết được. Giải quyết hộ khẩu cho họ thì kéo theo nhà ở, nhà ở xã hội rồi kéo theo nhiều thứ lắm…”.
Thực tế cho thấy, nếu cứ để tình trạng Việt kiều từ Campuchia hồi hương về sinh sống trên mặt nước và ven sông hồ như hiện nay sẽ xảy ra tình trạng phức tạp về nhiều mặt như: Gây ô nhiễm nguồn nước, gây khó khăn cho chính quyền các cấp trong việc bảo đảm an sinh xã hội và giữ gìn trật tự trị an.
Vì vậy, qua bài viết này chúng tôi đề nghị có sự phối hợp chặt chẽ, rộng rãi giữa chính quyền cơ sở và và các ngành liên quan của tỉnh Bình Phước nhằm tháo gỡ những khó khăn về hành chính, tạo điều kiện cho đồng bào làm được hộ khẩu trên quê hương ruột thịt của mình.
Lê Hưng