Nhưng lại không phải là bài học về đạo đức. Viết cho thiếu nhi cực khó. Nhà văn có tác phẩm mà 500 năm sau, trẻ em vẫn tìm đọc, quả thực, chỉ đếm được rất ít người.
Ngụ ngôn Ê-dốp và La-phông-ten dù xuất hiện hàng thế kỷ trước vẫn luôn cuốn hút bạn đọc thiếu nhi |
Tôi đánh giá cao những tác phẩm viết về thế giới tuổi thơ. Đó là những tháng năm đầu đời hình thành tính cách và nhân cách. Nhân cách không cụ thể như một que kem, dạy một đứa trẻ 5-7 tuổi là phải có nhân cách thì bé không hiểu. Nhưng dạy theo lối ngụ ngôn rằng có chú lợn ỉn bừa bãi, ném vỏ bao kem ra ngoài cửa sổ, chẳng may gió cuốn rơi trúng đầu một bà mẹ sẻ đang mớm mồi cho con khiến sẻ con bị ngã nhào. Đứa trẻ thích thú nghe và kết luận “lợn không tốt”. Mười năm sau, chú bé sẽ hiểu đó là bài học văn minh mà con người phải hướng tới và nhà văn thông qua trang viết, muốn “giáo dục” trẻ em về một nhân cách sống…
Ngụ ngôn La-phông-ten thì thế hệ cha tôi được học những năm “vỡ lòng”. Đến tôi thì không. Nhưng yêu thích thì phải đợi đến khi vô tình được đọc Ê-dốp. Những câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng của người đàn ông từng là nô lệ, sống vào khoảng những năm 600 trước công nguyên đã cho tôi những cảm xúc từ thuở ấu thơ. Vô cùng thích thú nhưng phải thú thực rằng “tính giáo dục” về lòng tốt (truyện Gió và mặt trời), lòng tham của con người sẽ hại chính anh ta (truyện Con ngỗng đẻ trứng vàng), tính cẩn thận, chậm và chắc, biết suy nghĩ (biết mình, biết ta) trong truyện “Rùa và thỏ” thì phải rất nhiều năm sau tôi mới thấm thía và thấu hiểu. Càng ngày càng thấy hay, cả khi tôi không còn thơ trẻ nữa. Đó là một trong những lý do những đầu sách viết cho thiếu nhi dí dỏm, hài hước, thậm chí cường điệu. Lời dạy bảo, nhắn nhủ thường chìm khuất ở những câu thoại ngắn, thú vị, đầy biểu cảm lại cuốn hút được lớp lớp thế hệ độc giả con nít ở khắp nơi trên thế giới.
Dù có nhiều trang không hề… thiếu nhi nhưng truyện Nguyễn Ngọc Thuần vẫn được lọt vào danh mục sách được thiếu nhi yêu thích |
“Hãy thơ trẻ khi viết cho trẻ thơ” theo quan niệm của PTL chỉ là một trong những yếu tố cần có. Tôi lại quan niệm khác. Không phải “cưa sừng” làm được “nghé”. Cũng không phải bất cứ ai cứ “mua một vé đi tuổi thơ” là “lên tàu” để rồi về được “Cái thời bỏ túi viên bi/Đã cho em đấy chợt khi lại đòi” (thơ Đỗ Huy Chí) được. Trong trẻo khác với ngây ngô. Trí tưởng tượng khác với kinh dị. Viễn tưởng khác với ma quái. Nhưng tất cả lại cần phải có “N trong 1” khi nhà văn muốn khai phá mảnh đất gọi nôm na là “viết cho thiếu nhi”. Một điều khác nữa khi cho rằng “trong sáng là phong cách của văn học thiếu nhi”, tôi e chưa đủ. Trong sáng chỉ là một trong những yếu tố cần chứ không thể mang tính “đại diện” hoặc “xâu chuỗi” của tác phẩm văn học viết cho các em. “Một thiên nằm mộng” hay “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” là 2 tập truyện của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần tôi mua cho các con ở lứa tuổi lên 10. Không hề trong sáng, hồn nhiên và rất không…thiếu nhi. Nhưng bọn trẻ đọc và thực sự bị cuốn hút (dẫu có nhiều trang sách chúng bảo không hiểu). Năm năm sau, nghĩa là trong những ngày hè này, khi được hỏi về những nhà văn viết cho thiếu nhi chúng thích – có tên “ông” Nguyễn Ngọc Thuần.
“Nhân chi sơ, tính bản thiện” thì ai cũng rõ. Nhưng viết cho thiếu nhi – dẫu rằng đó có là chó sói hay phù thủy, tôi vẫn yêu thích “Cô bé quàng khăn đỏ” với chuỗi câu hỏi “Bà ơi sao tai, mắt, tay, mồm bà to thế…” hay những phù thủy cưỡi chổi cùng những phép thuật cao cường kích thích tưởng tượng trẻ con trong Harry Potter hơn rất nhiều trăm lần những trang văn đại loại “Ha! Ha! Ha! Ta đã cắt được cổ mi rồi” hay “cha mẹ em đã chết tan xương nát thịt trong vụ tai nạn” mà tôi đã đọc. Cũng chính cùng với một đau đáu của PTL về những trang sách đề “truyện thiếu nhi” mà chính người viết không hề có chút gì tôn trọng cái thế giới “thần tiên, kỳ ảo, vô vàn trong khiết cùng ngây thơ thánh thiện” của tuổi học trò. Thật chán và buồn nữa.
Thưởng thức một tác phẩm văn chương – dẫu viết cho thế hệ độc giả nào vẫn cần 99% là tài năng. Nhưng riêng viết cho trẻ em, tất cả các điều kiện cần nào cũng là chưa đủ, dẫu văn phong có đầy chưởng lực có thể làm “bão nổi mưa sa” nhưng không mê dụ và giáo dưỡng được một đứa trẻ thì không nên xuất bản. Điều này khác biệt với văn chương của người lớn. Chính sự khác biệt này đã cho tôi sự ngưỡng mộ các nhà văn viết thành công cho trẻ em – được lứa tuổi hoa học trò yêu thích và tìm đọc. Họ không những có tài mà còn là đứa trẻ cả khi tóc bạc. Họ biết dạy bọn trẻ cả trong lúc chơi và chơi với chúng cả trong mơ ước cùng khát vọng. Đó chính là tính giáo dục nhất thiết phải có và đã có trong tất cả các tác phẩm viết cho thiếu nhi từ Đông sang Tây, từ cổ lai hy cho tới bây giờ. Và mãi mãi…
Vũ Thị Huyền