Việc của ông bà là chơi với cháu

Mới làm mẹ, mình bị sức ép từ bố mẹ đẻ, bố mẹ chồng, đồng nghiệp, hàng xóm, bạn bè và… diễn đàn. Nhưng tự nuôi con và tự chịu trách nhiệm về nó chính là cách mình chọn để độc lập.


Rất may ông bà nội rất thoáng

Ông bà nội của con trai mình, là người nước ngoài, đã có 5 cháu nội ngoại, tuổi sàn sàn bằng nhau, đứa lớn nhất 10 tuổi, đứa nhỏ nhất 3 tuổi. Mặc dù ông bà nuôi lớn thành công 3 đứa con nhưng năm nào cũng cập nhật kiến thức, mỗi lần có thêm cháu, ông bà đều tìm mua những quyển sách mới nhất chia sẻ quan điểm nuôi dạy trẻ em.

Ông nội nêu rõ quan điểm với bọn mình: “Nhiệm vụ của tớ là chơi với các cháu khi chúng đang vui. Còn khi chúng nhăn nhó khó chịu, chúng tớ… chuồn. Chúng tớ đã “ăn” đủ những món ấy khi phải nuôi các cậu rồi!”.

Mình nghe và rất thích.

Khi mang thai đứa con đầu lòng, mình quyết chí phải tự nuôi con.

“Tự” ở đây nghĩa là có vốn kiến thức cơ bản về nuôi nấng và chăm sóc con. “Tự” có nghĩa là biết rõ “trường phái” nuôi dạy con mà mình sẽ chọn, cùng ưu điểm và nhược điểm của mỗi “trường phái”.

“Tự” nuôi dạy con, nghĩa là có sự trao đổi và thống nhất cao độ giữa mình và bố đứa bé. “Tự” nuôi dạy con, nghĩa là phải chuẩn bị tinh thần để đối phó với những tình huống không như mình mong muốn, dễ gặp nhất là sự khác biệt trong quan điểm nuôi con của các thành viên trong gia đình, điển hình là ông bà.

Mình sợ đẻ con ra nhưng lại phải nhìn người khác nuôi hoặc dạy cháu mà không có sự hiểu biết của mình. Mình sợ phải làm mẹ một cách thụ động, lén lút. Mình sợ sẽ không đủ tự tin để dũng cảm thử nuôi và dạy con theo cách của mình, không đủ bản lĩnh để từng bước học cách nuôi con. Mình cũng sợ sẽ không đủ kiến thức để biết điều gì nên và không nên, rồi sau đó ai nói gì cũng nghe, ai mách gì cũng làm và không có chính kiến.

Cách duy nhất để mình vượt qua những nỗi sợ đó, là bằng mọi cách phải tự trang bị kiến thức cho cả mình và mọi thành viên trong gia đình. Đầu tiên là bố của con mình, sau đó là ông, bà.

Chồng mình, khá cởi mở và hào hứng với việc chăm sóc con, nên chủ động và tham gia nhiệt tình trong việc trang bị kiến thức. Ông bà ngoại thì đủng đỉnh hơn, có vẻ rất yên tâm vì kinh nghiệm nuôi 3 đứa con của mình, không thấy trang bị kiến thức gì mà liên tục chỉ đạo những đường lối, chính sách đã tồn tại hơn 30 năm.

Vì công việc, mình quyết định sinh con ở Thái Lan. Ngày con trai mình ra đời, các cô y tá hoan hỉ, bác sỹ chúc mừng bố mẹ, ông bà nội vui mừng như trên mây xanh. Duy chỉ có bà ngoại là thấy mọi việc thật tệ:

- Ối giời ơi! Cái gì thế này!. Đây có phải là vết muỗi đốt không?. Con xem xem phòng này có muỗi, phải kiểm tra lại xem thế nào chứ?.

- Ôi thôi chết rồi, nó khóc, nó khóc, chết rồi.. Ông đâu, lấy cho bà cái bỉm.. Mẹ đâu.. cởi tã nó ra nhanh..

- Ối nó lại hắt xì rồi, đắp cho nó một cái khăn vào, mau!. Ối, lại hắt xì lần nữa, đắp thêm một cái khăn vào đi!. Ối, vẫn hắt xì à, cho thêm 2 cái khăn nữa cho ấm!.

Mình cứ tưởng chỉ có mình là luống cuống khi sinh con đầu lòng, hoá ra bà ngoại còn cuống quýt và mất bình tĩnh hơn. Đội bác sỹ và y tá phải mất 10 phút để trấn tĩnh bà ngoại và giảng giải rằng phòng của bệnh viện là tiêu chuẩn 5 sao, đã được trang bị chống muỗi và côn trùng, nhiệt độ phòng đã được nghiên cứu và để ở mức vừa phải, em bé hắt xì có thể do nhiều nguyên nhân, ví dụ như có hạt bụi lọt vào mũi. Nếu đắp nhiều chăn, em bé sẽ nóng và sinh bệnh.

Những tình huống… không đỡ nổi

Quả thực, dù đã trang bị đầy đủ vốn kiến thức và có hậu phương vững chắc để củng cố bản lĩnh, mình vẫn cảm thấy bị quá tải và... không đỡ nổi mỗi khi bà ngoại xuất hiện. Vì bà nói chưa dứt lời đã lao đi thực hiện, cần ít nhất 2 – 3 người để có thể dừng được bà.

Bà cương quyết cháu bà phải được đánh lưỡi bằng mật ong. Mình đang luống cuống xoay xở, tay gạt thìa mật ong, tay đỡ em bé, mắt láo liên tìm người yểm trợ, mồm hét ầm lên là “Không được, không phải thế”.

Gạt qua, gạt lại một hồi, bác sỹ cũng vào tới nơi, kịp thời giảng giải cho bà:

Bác sỹ: Mật ong không đảm bảo an toàn cho em bé, thưa bà.
Bà: Nhưng mà nó bị tưa lưỡi thì sao?
Bác sỹ: Em bé thường bị tưa lưỡi nếu có vật lạ và bẩn chui vào mồm. Ví dụ: thìa, tay, gạc, mật ong..
Bà: Nhưng nó bú mẹ xong là phải oánh lưỡi, làm sạch!
Bác sỹ: Sữa mẹ rất sạch và vô trùng, trong đó còn có kháng sinh cho em bé. Sữa mẹ là sạch nhất, không có gì sạch bằng. Nếu bà đút vật lạ vào mồm em bé, em bé bị làm sao tôi không chịu trách nhiệm.
Bà: Mật ong tiệt trùng, rất tốt mà..
Bác sỹ: Đúng là mật ong rất tốt. Nhưng ở một số nước, mật ong bị cấm sử dụng cho người già và trẻ em. Vì con ong đi hút mật không phân biệt hoa có độc tố hay không. Trong mật ong vì thế có thể có độc tố, không tốt cho người già và trẻ em.

Bà còn khăng khăng là sau khi em bé bú phải được tráng miệng bằng mấy thìa nước lọc. Và lâu lâu cần căn giờ để cho em bé uống vài thìa nước lọc cho… khỏi khát.

Bác sỹ: Nước và thìa không đảm bảo vệ sinh cho em bé. Em bé cũng không cần tráng miệng vì sữa mẹ là đảm bảo sạch rồi.

Bà: Nhưng không uống nước em bé sẽ khát.

Bác sỹ: Nếu em bé khát, em bé sẽ đòi bú mẹ. Sữa mẹ là chất lỏng và là thức ăn duy nhất mà em bé cần trong 6 tháng đầu. Em bé của chị nhà bú sữa rất giỏi, chúng tôi theo dõi cân nặng thường xuyên. Em bé không cần phải uống thêm nước. Nếu bà cho em bé uống thêm nước, em bé sẽ không bú sữa nhiêù nữa và sẽ bị giảm cân.

Bà nghe đến đâu mặt giãn ra đến đấy. Có mỗi mình là thấy khó hiểu, sách báo trên sạp rất nhiều, thời đại thông tin mà, sao ông bà không cập nhật?

Thông thường, sinh xong chỉ 2 ngày là được ra viện, nhưng vì mình cảm thấy thiếu tự tin vào “tay nghề” và sợ sẽ bị “áp đảo” khi về nhà, mình và chồng bàn nhau sẽ ở tại bệnh viện thêm vài ngày nữa, tranh thủ thực tập và được sự hỗ trợ bài bản của đội ngũ y tá, bác sỹ trong mọi việc, từ cách cho bú sao cho không mỏi lưng, không đau núm vú, đến cách thay bỉm, quấn tã sao cho em bé ngủ ngoan, đến cách gội đầu, tắm rửa cho em bé sao cho an toàn và tiện lợi, không phải bò lết trên sàn nhà cùng với cái chậu!

Mỗi khi thấy con có nhu cầu gì đó, mình đều gọi y tá vào hướng dẫn để mình trực tiếp “phục vụ” em bé. Mình làm xong, lại đến chồng thực tập. Hai người phải thực tập đều nhau, vì mình biết các ông là chúa tự ti, lúc nào cũng sợ mình vụng về, đánh rơi con, nên càng phải đốc thúc để thấy tự tin và yêu đời khi chăm sóc bé.

Bà cứ để bố cháu lo

Đến ngày thứ 3, tuy đã quen hơn nhưng mình và anh xã vẫn còn rất cuống mỗi khi nghe tiếng em bé khóc. Thấy cứ xót xa làm sao nên đâm hoảng, làm cái gì cũng vội. Thông thường sẽ gọi y tá để cho nhanh, đỡ phải nghe con khóc, nhưng muốn tập thì phải tự làm, phải vượt qua sức ép tâm lý. Hai vợ chồng luôn phải động viên nhau tự tin và bình tĩnh khi chăm sóc con.

Ông bà ngoại lại vào chơi.

Đang ngồi nói chuyện bỗng em bé khóc ré lên rất thảm thiết. Trống ngực mình đập thình thịch, vừa xót con vừa canh chừng bà. Y rằng, bà đứng bật dậy và bắt đầu hét lên để chỉ đạo.

Mình quyết định lên tiếng: “Bà cứ để bố cháu lo”.

Chồng mình ra vẻ bình tĩnh bước đến bên nôi của em bé để kiểm tra. Bà ngoại như nhảy trên sofa, rít lên vì sốt ruột: “Phải mở cái tã ra, hay là nó đói, hay là nó ỉa, hay là con gì đốt nó?”.

Mình không giữ nổi bình tĩnh với sự rối lên của bà, nên quát lên: “Bà có ngồi yên không?. Con bấm nút một cái là y tá mời bà ra ngoài bây giờ đấy!”.

Bà bị ông kéo ngồi phịch xuống ghế. Không khí trong phòng vô cùng nặng nề. Mọi người im phăng phắc trong sự kìm nén. Mọi ánh mắt đổ dồn vào ông bố trẻ, đang giữ phong thái bình thản, điềm tĩnh lật tã trong tiếng gào khóc của em bé, mình nhìn theo nghĩ thầm: “Đánh rơi con một phát là mọi việc hỏng bét”. Đây như thể là phút giây quyết định, chứng minh cho bà thấy bố mẹ nó có khả năng tự chăm con như thế nào!

Từng lớp tã được mở ra, bố thằng cu cởi bỉm một cách thành thạo
- Em bé ị.

Cả nhà thở phào, không khí bớt u ám hơn. Bà ngoại thì khóc vì bị doạ mời ra ngoài và tủi thân.

Ông bà nhanh chóng cáo lui ra về. Dù “chiến thắng vẻ vang” nhưng mình ngồi khóc nức nở. Anh xã dỗ dành và không quên đưa ra một số lý lẽ để an ủi mình, nào là ngày thứ 3 hooc môn của mình sẽ lên cao nên nhạy cảm hơn và dễ cáu, nào là anh đã mải vui chuyện nên quên không kiểm soát thời gian ra-vào của người nhà, dẫn đến việc mình bị quá tải.., lần sau anh sẽ lịch sự mời mọi người về sớm..

Mình cảm thấy rất ân hận vì đã nói như vậy với bà ngoại nên anh xã phải nhận lời giúp mình gọi điện xin lỗi bà.

Chúng con mới là bố mẹ của cháu

“Chúng con biết, ba mẹ rất yêu thương cháu và ba mẹ muốn điều tốt nhất, và ba mẹ cũng có nhiều kinh nghiệm hơn chúng con. Nhưng chúng con mới là bố mẹ của cháu. Chúng con cần phải được phép thử và mắc lỗi để học cách chăm con. Sau này không ai chăm con thay chúng con được. Thấy ông bà chơi với cháu thật vui là chúng con rất vui mừng rồi!”

Sau ngày hôm đó. Mỗi lần bà có muốn mách cho mình điều gì về cách nuôi, dạy con.. Thay vì nói theo kiểu ra lệnh, bà thường hỏi: “Mẹ nghe nói người ta hay làm abc.. cho em bé… Làm như thế thì có vấn đề gì không?”.

Nói đến đây, mình nhớ đã có nhiều lần đọc các bài tâm sự trên diễn đàn dành cho cha mẹ, nhiều bà mẹ ức chế vì bị kiểm soát và không có khoảng trống để được tự mình làm quen với em bé. Ngược lại, cũng có nhiều bà mẹ hờn dỗi mẹ chồng chỉ biết chơi với cháu, không chịu nấu món bổ dưỡng cho con dâu, không biết đường giúp đỡ con dâu giặt giũ tã lót, không chịu pha sữa cho cháu..v.v.

Kể cũng lạ, con của mình, mình và bố nó phải có trách nhiệm và khả năng độc lập tác chiến, sao lại có tâm lý “đương nhiên ông bà phải chăm”?

Ông bà hãy là niềm vui, là sự hỗ trợ tinh thần cho cháu, và chừa lại những phần gai góc cho bố mẹ chúng.

Theo Tạp chí Lửa ấm

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.