Một ngày đầu thu năm 1990, tư lệnh Quân khu 1 gọi trưởng phòng quân lực lên gặp. Ông nói: - Đồng chí viết cho tôi danh sách các chị em tuổi từ 30 trở lên trong quân khu ta chưa có chồng, họ đang làm gì, thuộc đơn vị nào, ở đâu. Đồng thời cũng lên danh sách cho tôi các cháu gái tuổi từ 18 đến 22 đang công tác ở gần quân khu bộ.
Hình minh họa |
Một tuần sau trong tay ông đã có 2 bản danh sách những cô gái lỡ thì và những cô gái trẻ. Tư lệnh giao nhiệm vụ cho trưởng phòng quân lực:
- Đồng chí về làm quyết định điều động tất cả những cô gái lớn tuổi này đang ở vùng sâu vùng xa về nhận công tác ở các đơn vị quanh quân khu bộ, rõ chưa?
- Dạ, rõ. Nhưng xin hỏi…
Tôi chưa nói hết. Đồng chí sợ không có người thay thế chứ gì. Có đấy. Còn dư là đằng khác. Cứ điều các cô gái trẻ thay vào vị trí các chị lớn tuổi.
- Báo cáo tư lệnh, những cô gái trẻ có chồng con rồi có điều đi không ạ?
- Có chứ. Có chồng con rồi càng tốt. Điều tất không trừ một ai.
- Thưa thủ trưởng tại sao phải làm thế ạ? Cuộc sống của mỗi người đang ổn định…
- Không sao, đến nơi mới chỉ nửa tháng lại ổn định ngay thôi. Cứ vậy mà làm nhé!
Trong lúc phòng quân lực còn đang lúng túng làm công tác điều động hoán vị thì tư lệnh quân khu đã chỉ thị cho cục hậu cần xây gấp 20 căn hộ nhà cấp 4 có ít đất phía sau làm công trình phụ chuồng heo, chuồng gà. Có ít đất phía trước để trồng rau hoặc làm mảnh sân riêng nho nhỏ. Giữa các căn hộ đều xây tường ngăn. Ông còn cho cắm thêm một số lô đất ở gần đó để chị em nào về đây nếu không muốn vào nhà cấp 4 mà có khả năng thì được nhận đất để tự xây nhà kiên cố, càng đỡ kinh phí cho quân khu.
Nhà đã làm xong. Đất đã chia lô. Nhưng chờ mãi chưa có người nào về nhận. Hóa ra phòng quân lực vẫn còn đang bí. Điều về gần quân khu thì quá dễ chứ điều đi thì khó lắm. Toàn là con cháu cán bộ cao cấp trong quân khu cả, đụng chạm hết. Trưởng phòng đành phải lên gặp tư lệnh quân khu vò đầu bứt tai đề nghị xem xét lại quyết định này.
Tư lệnh đem hai bản danh sách ra ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:
- Tôi biết cái khó của đồng chí rồi. Thôi cứ về đi, 10h sáng mai lên văn phòng lấy lại.
Hôm sau, trả lại bản danh sách cho trưởng phòng quân lực, ông nói:
- Cả đêm qua tôi thức nghiên cứu kỹ từng trường hợp và đã điều động giúp đồng chí đâu vào đó rồi đấy. Cứ thế mà làm quyết định thuyên chuyển. Làm xong đưa cho tôi xem lại.
Trưởng phòng quân lực đọc xong ngồi chết lặng, mặt buồn thiu. Đứa con gái 20 tuổi của anh mới nhập ngũ được ở quân khu bộ nửa năm, nay bị điều lên một đơn vị thông tin tận huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) giáp biên giới với Trung Quốc. Biết thế này giá cứ mạnh dạn điều động trước thì con gái anh tuy phải chuyển nhưng không đến mức đi xa tít tắp như thế. Anh tặc lưỡi tự an ủi: “Thôi đành vậy, cứ thư thư rồi tính sau…”
Khi các nữ quân nhân và công nhân viên quốc phòng luống tuổi được điều về quân khu bộ và các đơn vị gần quân khu trong phạm vi tỉnh Thái Nguyên, tư lệnh đã có buổi gặp gỡ chị em, ông nói dân dấn nước mắt:
- Các đồng chí đã hi sinh cả tuổi thanh xuân cho đất nước, đã chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở nhiều chiến trường trong Nam ngoài Bắc…Vì vậy, cá nhân tôi và thường vụ đảng ủy quân khu có chủ trương điều các đồng chí về đây gần thành phố để tạo điều kiện cho các đồng chí lo chuyện gia đình, chồng con. Không ai được quyền tước bỏ thiên chức làm vợ làm mẹ thiêng liêng của người phụ nữ. Quân khu cấp cho mỗi chị một căn hộ, còn chị nào muốn nhận đất để làm nhà sẽ có đất. Cục hậu cần đã chia lô rồi.
Không một tiếng vỗ tay, không một lời phát biểu cảm ơn, chỉ có tiếng òa khóc đồng loạt của các chị. Tất cả chìm trong xúc động trước việc làm đầy ắp tình đồng đội, ngoài lòng mong ước.
Và chỉ hơn 1 năm sau, ở cái xóm lính toàn hộ độc thân là nữ này đã có râm ran tiếng cười của những cặp vợ chồng mới cưới và tiếng ru trẻ nhỏ à ơi. Vị tư lệnh quân khu 1 năm đó là Trung tướng Đàm Văn Ngụy, người đã hai lần được tuyên dương anh hùng quân đội.
Và cũng chính ông tại một kỳ họp quốc hội với tư cách là đại biểu của tỉnh Cao Bằng đã lên tiếng đề nghị nhà nước cho phép các chị lớn tuổi muộn chồng được sinh con ngoài giá thú để sau này về già có nơi nương tựa.
Nay ông già ở tuổi “bát thập” này đã rời chức vụ về sống với đời thường nhưng việc làm đầy tính nhân văn này của tướng Đàm Văn Ngụy vẫn được các thế hệ sĩ quan của quân khu 1 coi là mẫu mực của lòng nhân ái, của tình người.
Thế Trường