Vị Thành hoàng chỉ dựng tượng cũng làm quân Hung Nô khiếp vía

Tượng thờ Lý Ông Trọng tại đình Chèm.
Tượng thờ Lý Ông Trọng tại đình Chèm.
(PLVN) - Trong lịch sử nước ta, có một vị danh tướng, người mà chỉ cần dựng tượng đồng của ông cũng khiến cho quân Hung Nô nổi tiếng hung bạo phải hoảng sợ rút lui. Đó là Lý Ông Trọng, hay còn gọi là Đức Thánh Chèm.

Danh tướng được vua Tần Thủy Hoàng bội phục

Chèm là một làng Việt cổ nằm ven bờ sông Hồng có lịch sử lâu đời từ hàng ngàn năm trước. Theo nhà nghiên cứu lịch sử Đỗ Thỉnh, làng Chèm là tên nôm của làng Thụy Điềm, sau đổi thành Thụy Hương, rồi lại đổi là Thụy Phương, nay là xã Thụy Phương thuộc huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Theo các cụ cao niên trong làng, chính ra “Chèm” phải được viết là “Trèm”, mà tiếng Việt cổ là tlem hay blem tức là Từ Liêm. Như vậy Chèm là một vùng đất có từ xa xưa và địa danh huyện Từ Liêm được thành lập năm Vũ Đức thứ 4 (621) thuộc Từ Châu cũng từ tên làng Chèm mà ra.

Theo truyền thuyết lưu truyền tại địa phương, làng Chèm là quê hương của Lý Ông Trọng tên thật là Lý Thân, một nhân vật có dáng vóc khổng lồ nổi tiếng cả ba nước Việt Nam, Trung Quốc và Hung Nô thời trước công nguyên. Theo truyền thuyết, Lý Thân nhà nghèo, làm nghề đánh cá, một lần phải đi phu đã đánh chết tên quan coi phu tàn ác, sau theo An Dương Vương đánh thắng quân xâm lược nhà Tần. Sau khi quân xâm lược bị thất bại, Lý Thân được cử sang sứ nhà Tần.

Theo các cụ cao niên trong làng, bấy giờ đi cùng Lý Thân (Lý Ông Trọng) sang Tần còn có quan Thái y Nguyễn Văn Chất, người làng Hoàng Xá. Ông sang với danh nghĩa là Quản mã, nhưng thực ra chính là người bạn bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho Lý Ông Trọng.

Lúc bấy giờ phía bắc nước Tần có nước Hung Nô thường mang quân sang xâm lược. Không có tướng nào địch nổi. Nhà Tần rất lấy làm lo lắng. Nhân có sứ thần nước ta là Lý Thân sang, viên quan đứng đầu triều đình Trung Hoa thấy ông có sức mạnh hơn người bèn tâu bầy với vua Tần Thủy Hoàng để tiến cử Lý Thân ra trận. 

Lúc đầu vua Tần không nghe sợ mất tiếng thiên triều nhưng sau viên quan nói rõ kế sách của hắn rằng nếu cử ra trận mà Lý Thân sợ không ra thì lấy cớ đó mà giết cho nước Nam mất người tài, hoặc nếu ra trận mà Lý thua thì mượn tay Hung Nô mà giết đi càng đỡ mang tiếng. Nếu thực Lý có tài, ra trận mà thắng thì tìm cách mua chuộc mà giữ lại ở thiên triều, thế là Trung Hoa có thêm người tài.

Vua Tần nghe theo, cử Lý Thân ra trận. Sau đánh tan quân Hung Nô, Lý Thân được vua Tần phong cho chức Tư lệ hiệu úy và gả công chúa Bạch Tĩnh Cung cho. Không những thế, Tần Thủy Hoàng còn tin tưởng sai ông trấn giữ vùng đất Lâm Thao (nay thuộc tỉnh Cam Túc, Trung Quốc), khiến từ đó quân Hung Nô không dám sang xâm lược nước Tần nữa. Tần Thủy Hoàng muốn lưu giữ Lý Thân ở lại nước Tần nhưng ông tha thiết xin đem vợ con về thăm quê nên vua Tần buộc phải cho. Sau khi về quê, ông cùng công chúa Tần phụng dưỡng mẹ già quyết không trở lại nước Tần nữa.

Hai vợ chồng Lý Thân về làng Thụy Hương (làng Chèm) sống với nhau được 6 người con. Lúc đó quân Hung Nô lại sang đánh phá quân Tần, có lần kéo cả quân về đến gần kinh đô. Thế bí, vua Tần lại cho sứ sang nước Việt triệu Lý Thân, nhưng ông nhất định từ chối.

Biết không thể lay chuyển được ý chí của ông, sứ thần bèn quay về nước dâng kế lập tượng ông dựng ở thành Hàm Dương cho vài ba người vào cử động chân tay. Quân Hung Nô thấy tượng cựa quậy tưởng là tướng Lý Thân thật bèn tan chạy cả.

Đại Việt Sử ký Toàn thư của Ngô Sĩ Liên, bộ quốc sử danh tiếng của nước ta, cũng “chứng thực” sự việc này: “(Tần) Thủy Hoàng cho ông (Lý Ông Trọng) là người kỳ lạ, đúc đồng làm tượng, để ở cửa Tư Mã ở Hàm Dương, bụng tượng chứa được mấy chục người, ngầm lay thì chuyển động được, Hung Nô tưởng đó là hiệu úy còn sống, không dám đến xâm phạm”.

Về cái chết của Lý Ông Trọng cũng thật thần bí. Theo Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Pháp viết đời Trần, khi Tần Thủy Hoàng triệu Lý Thân về chống quân Hung Nô, Lý Thân trốn vào rừng núi, “An Dương Vương tìm không được, nói dối là Lý đã chết. Vua Tần hỏi vì sao mà chết. Trả lời vì: đi tả. Tần sai sứ sang khám. An Dương Vương bèn nấu cháo đổ xuống đất để làm thực tích. Vua Tần đòi mang xác sang, Lý Thân bất đắc dĩ phải tự vẫn”. 

Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, đến mãi về sau, “khi Triệu Xương nhà Đường làm đô hộ Giao Châu, đêm thường nằm chiêm bao thấy cùng Ông Trọng giảng bàn sách Xuân Thu, Tả Truyện, nhân hỏi chỗ cũ ở đâu, rồi dựng đền thờ. Khi Cao Vương đi đánh Nam Chiếu, thần thường hiển linh giúp sức. Cao Vương cho sửa lại đền thờ, tạc gỗ làm tượng, gọi là tượng Lý Hiệu Úy. Đền ở xã Thụy Hương, huyện Từ Liêm”.

Đình Chèm.
 Đình Chèm.

Chính bởi sự tích này mới có bài thơ lưu truyền trong dân gian về sự linh thiêng của thành hoàng Lý Ông Trọng: “Võ giỏi văn tài đấng trượng phu/ Hàm Dương đồng tượng khiếp quân Hồ/ Vĩnh Khương ứng mộng bàn kinh truyện/ Hương lửa trời Nam vững đế đồ”.

Mặt khác, sau khi Lý Ông Trọng mất, dân làng Chèm liền xưng tôn ông làm thành hoàng làng, tục gọi là Đức Thánh Chèm, và thờ phụng tại đình. Đình Trèm là một trong những ngôi đình cổ nhất nước Nam.

Trong đó có tượng Lý Ông Trọng cao 3,5m gần chấm mái đình, bên cạnh là tượng công chúa Bạch Tĩnh Cung cao 3m, quỳ bên dưới có hai thị giả hầu cận. Hai bên là 6 tượng, mỗi bên hai tượng nam, 1 nữ là các con của Lý Ông Trọng (4 trai, 2 gái). Ngoài cửa bên phải là khám thờ ông Nguyễn Văn Chất, người bạn cùng với Lý Ông Trọng lên đường sang nước Tần. 

Trong đình Chèm có hai câu đối ca ngợi khí phách, đạo đức của Thành hoàng làng Lý Ông Trọng: “Nhật Nam độc biểu nhân trung trụy/ Hiếu Liêm sự nghiệp cổ kim tuyền”, tạm dịch: “Mặt trời phương Nam còn sáng mãi, ghi công trong lòng người không phai nhạt/ Sự nghiệp, trung hiếu, liêm khiết từ xưa còn lưu truyền”.

Hay truyền thuyết về Ông Khổng Lồ?

Theo truyền thuyết dân gian, ai cũng biết Lý Ông Trọng là một nhân vật có dáng vóc vô cùng to lớn, còn trong sử liệu thành văn, hình tượng Lý Ông Trọng cũng xuất hiện nhiều trong các tác phẩm sử học, văn học trung đại Việt Nam.

Có thể thấy, hình ảnh Lý Ông Trọng xuất hiện đầu tiên ở Việt Nam là trong cuốn “Việt Điện U Linh Tập”, tập truyện kể về truyền thuyết các vị thần linh nước Việt được Lý Tế Xuyên soạn vào đầu thế kỷ XIV: “Vương họ Lý tên Ông Trọng, người huyện Từ Liêm, mình cao hai trượng ba thước, khí chất đoan dũng khác người thường.

Thiếu thời làm quan ở huyện ấp, bị quan Đốc bưu đánh đòn, Vương than rằng: Tráng chí của đời người nên như chim loan chim phụng, nhất cử vạn lý, đâu mà để cho người thóa mạ, làm nô lệ cho người?”. Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Pháp viết vào đời Trần, lại càng mô tả tỉ mỉ về thân thế, tính cách của Lý Ông Trọng: “Cuối đời Hùng Vương có người ở xã Thụy Hương, huyện Từ Liêm, đất Giao Chỉ, họ Lý tên Thân. Khi đẻ ra rất to lớn, rồi cao đến 2 trượng 3 thước, tính tình hung hãn,…”.

Ngay trong Đại Việt Sử ký Toàn thư, cũng ghi chép vài nét tiểu sử của Lý Ông Trọng: “Canh Thìn [221 TCN] (Tần Thủy hoàng năm thứ 26). Nước Tần thôn tính cả 6 nước, xưng hoàng đế. Bấy giờ người Từ Liêm, Giao Chỉ ta là Lý Ông Trọng, người cao 2 trượng 3 xích, lúc ít tuổi đến hương ấp làm lực dịch, bị trưởng quan đánh, bèn bỏ sang nước Tần, làm quan đến chức Tư lệ Hiệu úy”.

Có thể thấy tất cả nguồn sử liệu nói trên đều khắc họa Lý Ông Trọng như một “người khổng lồ”. Thậm chí, theo nhà nghiên cứu dân tộc học Nguyễn Từ Chi khi ông đi điền dã đã biết thêm một truyền thuyết tại địa phương. Theo truyền thuyết này thì bà mẹ của Lý Ông Trọng bị con giải ở bờ sông Chèm ăn thịt trong lúc con trai của cụ đi vắng.

Để trả thù cho mẹ, khi về đến nhà, người anh hùng đã dạng chân bước qua sông, mỗi chân đạp lên một bên bờ, khoắng gươm xuống dòng nước, chém giải đứt làm ba đoạn. Vậy mới có chuyện ba làng Hối ở tả ngạn thờ giải, ba làng Chèm ở hữu ngạn thờ Lý Ông Trọng.

Vì vậy, có giả thiết cho rằng, tên thờ phụng của Lý Thân chính là “Ông Trọng”, mà “Trọng” là chữ Hán ghi âm Việt là “Đùng” hay “Tùng” trong nghĩa “to đùng to đoàng”. Thờ Ông Trọng tức là thờ Ông Đùng. Đó là hiện tượng rất phổ biến trong xã hội Mường cổ truyền.

Những hòn núi đá to lớn đứng một mình sừng sững thường được người Mường gọi là Ông Đùng và thờ cúng như một thần linh khổng lồ. Ông Đùng - Ông Trọng chính là ông Khổng Lồ, một biểu trưng được thờ cúng trong thần thoại Việt Nam.

Theo cố Giáo sư Sử học Trần Quốc Vượng và nhà dân tộc học Nguyễn Từ Chi, tầm vóc của những con người khổng lồ như Lý Ông Trọng, Thánh Gióng, cùng với hành tung kiệt xuất của họ “là dấu vết của một tiền kiếp thần thoại chưa kịp phủi sạch”, họ có thể là người anh hùng văn hóa hay cặp tổ tiên khởi nguyên.

Cũng theo Giáo sư Trần Quốc Vượng và nhà nghiên cứu Nguyễn Từ Chi, trong buổi bình minh của quá trình trường kỳ hình thành dân tộc mới tạo cho họ (Lý Ông Trọng và Thánh Gióng) một diện mạo hẳn còn sơ lược, nhưng các đời sau lại tiếp tay nhau gán cho họ tên tuổi chính xác, một thời điểm lịch sử, có trường hợp cả một phổ hệ hoàn chỉnh nữa, và trao cho họ một nhiệm vụ mới mà thần thoại nguyên thủy không hề phụ trách: chống xâm lược.

Từ địa hạt thần thoại, họ đã dẫm lên mảnh đất sử thi. Nói một cách khác, người anh hùng văn hóa đã nhập cốt vào người anh hùng đánh giặc giữ làng, mà tên tuổi thật đã bị chính sử quên lãng, nhưng lại được tầm cỡ thần thoại của anh hùng văn hóa nuôi sống mãi trong tâm khảm thành tín của người dân quê yêu nước.

Chính vì vậy, dù có là danh tướng Lý Ông Trọng, hay là ông Đùng, ông Khổng Lồ trong thần thoại, thì tinh thần yêu nước, tài năng và lòng dũng cảm của người dân nước Việt vẫn luôn được gửi gắm một cách trọn vẹn nhất trong những hình tượng đó! 

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.