Hết thuốc chữa cho căn bệnh nói xấu chồng của vợ, anh hỏi thẳng vợ : “Có phải em chán anh tới mức, bất cứ hoàn cảnh nào cũng nghĩ ra khuyết điểm của chồng để chê bai?”. Chị vợ cười xòa: “Tại em thuận miệng nói vậy chứ đâu có ý gì!”.
hình minh họa |
Lẳng lặng mà nghe…
Cũng có lý khi người ta cho rằng nói xấu chồng đã trở thành “bệnh mãn tính” của các bà vợ. Chỉ cần hai cô nàng giải lao giữa giờ ở công sở thế là có ngay một hội nói xấu chồng, chỉ cần ba bà nội trợ đi chợ về hay xúc cơm cho con vô tình gặp nhau đầu ngõ cũng có ngay một hội tương tự. Các diễn đàn mạng trên mạng cũng không thể thiếu “chuyên đề” nói xấu chồng.
“Chồng mình quản lý tiền nong, không biết thổi cơm, rửa bát, không tự xới cơm, chỉ biết sai vợ, ngủ ngáy như bò, đi đâu chỉ thích đi mình. ở nhà thì khó chịu, thích đi giao lưu nhậu nhẹt với bạn bè. Rất sĩ gái, tiêu tiền rất hoang phí. Vợ vay 10 nghìn cũng đòi. Thường nói vợ là "cà dốt" (mặc dù vợ thi đỗ thủ khoa đại học). Vợ ngày càng xinh là do lấy được chồng.
Đập vỡ tổng cộng 5 chiếc điện thoại của vợ. Chồng được phép ghen, vợ ko được ghen. Cãi nhau đuổi vợ ra đường. 1 tháng gọi điện cho bạn gái trên 40 lần, nói là hỏi thăm vì bạn đó bị bệnh, trong khi gọi cho vợ con nằm viện được hai ba lần gì đó. Tự nhận là niềm mơ ước của tất cả phụ nữ!!! Ai có chồng khá hơn thì xin mời cạnh tranh”
“Mình cũng đang chán chồng quá. Chồng mình ích kỷ, gia trưởng lại không bao giờ giúp đỡ vợ việc nhà. Nếu mình có nhờ thì bảo em đừng tị nạnh với anh mấy cái việc rửa bát, quét nhà. Trong nhà nếu điện, nước, bếp ga có hỏng thì vợ tự kêu người sửa, nếu không thì cứ kệ thôi. Nếu vợ có bảo chồng thì chồng bảo em đừng lôi kéo anh vào mấy cái việc đó.
Công việc của chồng hàng ngày là thỉng thoảng chở vợ con đi học , đi làm và thỉnh thoảng có đón về. Hôm nào về muộn thì không nói, nếu về sớm thì sau khi trút bỏ quần áo đi làm sẽ nằm dài trên ghế và lướt web trên điện thoại, khi nào cơm được bưng đến thì ăn, ăn xong lại lên ghế và lướt web tiếp đến lúc đi ngủ. Sáng dậy sớm lại ôm điện thoại, vợ giục mỏi mồm chuẩn bị đi làm…. Chán toàn tập, chả biết giờ nên làm gì với ông chồng này!”
Hẳn rằng hai “tiểu đoạn” nói xấu chồng trên đây được trích từ một diễn đàn rất nổi danh dành cho những người có gia đình đã minh chứng tương đối đầy đủ.
Có phải là “bệnh”?
Không phải bây giờ các bà vợ mới mang chồng ra nói xấu, mà chuyện này đã có từ rất xa xưa, đời mẹ, bà, cụ nhà chúng ta, mà có khi là từ khi xuất hiện phụ nữ ở trên đời cũng nên. Lâu thế nên từ thú vui, sở thích đã trở thành “bệnh”, mà là “bệnh truyền nhiễm” có tốc độ lây lan mạnh hẳn hoi.
Phụ nữ trời sinh ra vốn đã nhiều lời và ít khi giữ được bí mật gì cho riêng mình. Lắm lúc họ nói, họ kể đơn thuần chỉ để xả nhu cầu được nói, được chia sẻ mà không lường tác hại.
Nguyên nhân tiếp theo có vẻ nguy hiểm hơn. Đó là vì chị em ganh tỵ với thành công của chồng trên bước đường sự nghiệp. Phàm đã sinh ra là con người, ai cũng có ham muốn thành đạt trong công việc và hạnh phúc gia đình. Nhưng chẳng hiểu vì đâu, chị em phải “chết tên” với phận làm vợ đồng nghĩa với việc nhà và con cái.
Hiếm có người phụ nữ nào lo trọn vẹn được cả hai sự nghiệp và gia đình nên phần lớn chị em đành hy sinh cho chồng con. Và, sự hy sinh đó không phải lúc nào cũng tự nguyện, vui vẻ. Đi kèm theo đó là cảm giác tự ti, thấy tiếng nói của mình ít giá trị. Hạ thấp chồng là cách chị em chọn để họ cảm thấy mình cũng có quyền lực và sức mạnh.
Một chuyên gia tâm lý kể rằng, ông đã từng chữa một “ca” nói xấu chồng rất thú vị. Mời cả hai vợ chồng đến văn phòng, ông phát cho mỗi người một tờ giấy với lời dặn hãy ghi tất cả tật xấu của đối phương vào đó. Anh chồng vì đã được “dặn” trước nên liệt kê rất… nhiệt tình và chi tiết đến nỗi chị vợ khi được nhà tâm lý gặp riêng cho xem đã đỏ mặt xấu hổ và tức giận.
Đúng lúc đó, nhà tâm lý mới ôn tồn nói: “Đấy chị cứ hình dung xem, chỉ bị nói xấu một lần trên giấy mà chị đã khó chịu lắm rồi, vậy thử đặt địa vị chồng chị ngày nào cũng chịu trận từ chính vợ mình thì anh ấy sẽ nghĩ sao”. Người vợ cúi mặt im lặng.
Dương Nhi