Gần 48% muốn giữ bí mật
Tính đến hết tháng 11/2013, có 5.236 trường hợp NCN thực tế đã được rà soát và thống kê tại 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, có 4.067 trường hợp đáp ứng đủ điều kiện theo Điều 50 của Luật NCN, 1.169 trường hợp không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Tờ rơi phổ biến pháp luật về nuôi con nuôi của Bộ Tư pháp. |
Số trường hợp NCN thực tế đã được đăng ký từ ngày 1/1/2011 (ngày Luật NCN có hiệu lực) đến nay là 1.226 trường hợp, chiếm 23% số lượng các trường hợp NCN thực tế. Số trường hợp NCN thực tế chưa đăng ký là 3.808 trường hợp. Các bên không đăng ký việc NCN thực tế đa số là do cha mẹ nuôi/con nuôi không muốn đăng ký với 1.824 trường hợp (chiếm 47,8%); còn lại là do có khó khăn về hồ sơ, giấy tờ, một bên cha/mẹ nuôi hoặc con nuôi đã chết, quan hệ NCN không còn tồn tại, không đủ điều kiện về độ tuổi (cha/mẹ nuôi và con nuôi cách nhau dưới 20 tuổi).
Chỉ tính riêng tại TP.Hà Nội, trong 818 trường hợp NCN thực tế đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Luật thì có tới 605 trường hợp (74%) cha mẹ nuôi/con nuôi không muốn đăng ký, phần lớn tập trung ở các huyện ngoại thành và một số ít quận ven đô. Phó Trưởng phòng Hành chính Tư pháp (Sở Tư pháp TP.Hà Nội) Nguyễn Thị Hằng lý giải: Cha mẹ nuôi muốn giữ bí mật về việc NCN để con nuôi yên tâm “nối dõi tông đường”, tạo tâm lý yên ổn; có người con nuôi không muốn đi đăng ký vì sợ ảnh hưởng đến quyền lợi về nhà đất được bố mẹ nuôi cho, tặng.
Như vậy có thể thấy nguyên nhân lớn nhất của việc không đăng ký NCN thực tế xuất phát từ ý chí chủ quan của người dân. Chính bản thân người dân không muốn đăng ký NCN thực tế vì muốn giữ bí mật đối với người con nuôi. Đây là vấn đề thuộc về nhận thức của người dân, đã có từ đời này sang đời khác, tạo thành thói quen tâm lý không dễ thay đổi một sớm một chiều.
Khuyến khích người dân đi đăng ký
So với thực tiễn, số lượng rà soát và thống kê trên có thể là con số khiêm tốn nhưng nó thể hiện sự tận tâm với nhiệm vụ vốn rất nhạy cảm này của đội ngũ công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã. Bởi theo đúng quy định của Luật NCN và Nghị định 19/2011/NĐ-CP, chủ yếu chỉ được tuyên truyền để người dân hiểu về vấn đề NCN thực tế, hiểu được quyền lợi của các bên liên quan trong quan hệ NCN. Còn việc đăng ký NCN phải đảm bảo tôn trọng quyền tự quyết của người dân, tôn trọng ý chí và nguyện vọng của họ chứ không bắt buộc người dân đi đăng ký.
Tuy nhiên, từ góc độ địa phương, bà Nguyễn Thị Thu (Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên) cho biết, việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân về công tác NCN thực tế tuy đã thực hiện song chưa thường xuyên, liên tục và có chiều sâu. Hơn nữa, việc tuyên truyền mới do ngành Tư pháp làm là chính, chưa được sự quan tâm của các ngành khác.
“Đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu ít được tiếp xúc với các loại hình thông tin, việc tuyên truyền bằng các phương tiện thông tin đại chúng chưa thực sự hiệu quả” – bà Thu chia sẻ.
Vì vậy, bà Thu kiến nghị Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp) xây dựng mẫu quy chế phối hợp trong lĩnh vực NCN để làm cơ sở cho Sở Tư pháp ban hành Quy chế phối hợp giữa các ngành liên quan tại địa phương. Trong công tác tuyên truyền pháp luật, cần chú trọng nội dung về quyền nhân thân của trẻ em và quyền lợi, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ NCN thực tế đến tận các khu dân cư, bằng những hình thức phù hợp để người dân hiểu và tự nguyện đăng ký.
Bà Nguyễn Thị Hằng lại mong muốn có sự chủ động “vào cuộc” của UBND cấp xã, Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ. Theo đó, cần phối hợp với những gia đình có quan hệ NCN thực tế để khuyến khích, vận động họ tự nguyện đi đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đảm bảo cho việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì quyền lợi tốt nhất của các bên và phục vụ công tác quản lý của Nhà nước.