Tiểu thương nói gì?
Theo đơn phản ánh của hàng trăm tiểu thương chợ Đô Lương (chợ thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An), chính quyền địa phương không ra thông báo rộng rãi trong việc di dời chợ thị trấn tại ngã tư thị trấn Đô Lương về chợ mới do HTX Hải An làm chủ đầu tư.
Ngoài ra, chủ đầu tư còn “bán” các ki ốt mặt ngoài chợ (shophouse) giá hàng tỷ đồng, các ki ốt trong chợ chỉ vài m2 cũng hàng trăm triệu đồng… Theo các tiểu thương, do giá quá cao nên các gia đình có hoàn cảnh khó khăn “không kham nổi”.
Dự án Chợ mới Đô Lương do HTX Hải An làm chủ đầu tư được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 15/2/2017 với tổng số vốn đầu tư trên 330 tỷ đồng. Dự án được quy hoạch 3,44ha, quy mô 1.338 ki ốt, quầy hàng, sạp hàng làm điểm kinh doanh và một số khối ki ốt cao 1 - 7 tầng. Tháng 6/2021, chủ đầu tư đã xây dựng xong các ki ốt mặt ngoài và các ki ốt trong chợ, xin chủ trương để di dời chợ cũ về chợ mới.
Các tiểu thương cho rằng, trong Thông báo số 292/TB-UBND của huyện Đô Lương có nội dung khi các hộ kinh doanh tại chợ cũ, nếu có nhu cầu kinh doanh, có đơn đăng ký đều được bố trí ki ốt kinh doanh tại chợ mới theo từng ngành hàng, vị trí phù hợp tương đương vị trí hiện tại tại chợ cũ. Các hộ kinh doanh được lựa chọn trả tiền thuê ki ốt, diện tích bán hàng tại chợ mới theo 2 phương án: Trả tiền hàng năm (12 tháng) hoặc trả tiền 1 lần (cho cả vòng đời dự án).
“Với 2 hình thức này, tiêu thương chúng tôi rất đồng tình. Vừa đảm bảo được vị trí tương đương như chợ cũ, vừa đỡ khoản phí một lần mua ki ốt (khoảng 150-200 triệu đồng/1 ki ốt). Đồng thời, nó phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của các tiểu thương buôn bán tại chợ cũ”, một tiểu thương bán hàng tạp hóa cho biết.
Tuy nhiên, khi tiến hành đăng ký, ký hợp đồng, các tiểu thương mới vỡ lẽ, với phương án trả tiền hàng năm, chủ đầu tư thông báo là sau khi hết 12 tháng sẽ thanh lý và đấu thầu lại ki ốt. Điều này khiến tiểu thương ngỡ ngàng, cho rằng chủ đầu tư đã làm khó với những người chọn phương án trả tiền 1 năm.
“Việc đưa ra phương án như vậy không phù hợp với điều kiện của nhiều tiểu thương đang hoạt động tại chợ cũ. Tiểu thương nào có tiền có thể trả tiền 1 lần, nhưng hầu các tiểu thương đều muốn trả tiền hàng năm và ổn định vị trí ki ốt để làm ăn. Chủ đầu tư ra điều kiện như vậy không khác gì đánh đố. Nếu không trả 1 lần, cứ hết 12 tháng họ lại xáo trộn các vị trí ki ốt, khi ấy mất hết khách hàng”, một tiểu thương nói.
Chủ đầu tư nói gì?
Trao đổi về những vấn đề mà các tiểu thương phản ánh, ông Phan Văn Chinh, Phó TGĐ chợ Đô Lương cho biết, dự án đã hoàn thành và được chấp thuận đưa vào hoạt động từ tháng 3/2021. Đến nay, có khoảng 90% số lượng các tiểu thương tại chợ cũ đăng ký chuyển đến chợ mới. Tuy nhiên việc ký hợp đồng thì đang rất ít.
Liên quan đến việc các tiểu thương cho rằng đơn vị chủ đầu tư tuy thực hiện 2 phương án như Thông báo số 292 của UBND huyện Đô Lương, nhưng lại ra “điều kiện” như trên; ông Chinh cho rằng “điều đó không đúng sự thật, tiểu thương hiện vẫn đăng ký theo 2 hình thức như đã thông báo. Với cả 2 hình thức, chúng tôi đều có ưu đãi với các tiểu thương. Tuy nhiên, với hình thức trả tiền 1 lần cho vòng đời dự án thì nhiều ưu đãi hơn”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch huyện Đô Lương, cho rằng với dự án này, lâu nay huyện đã triển khai rất quyết liệt để đảm bảo quyền lợi cho các tiểu thương cũng như của nhà đầu tư, hiện vẫn đang thực hiện 2 phương án theo Thông báo 292 của huyện.
Riêng phương án trả tiền hàng năm, về nguyên tắc thì cứ sau khi hết 12 tháng là thanh lý, ký lại hợp đồng. Huyện cũng đang thuyết phục chủ đầu tư cân nhắc phương án này, nhằm đảm bảo quyền lợi cho các tiểu thương. “Đây là vấn đề khó của huyện, vừa đảm bảo quyền lợi cho các tiểu thương cũng như quyền lợi nhà đầu tư”, ông Thành nói.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu