Đây là dự luật chính thức đầu tiên được Quốc hội thông qua kể từ khi ông Trump nhậm chức tổng thống vào ngày 20/1.
Suýt phải đóng cửa
Bản dự luật phân bổ ngân sách được hai viện Quốc hội Mỹ thông qua trong bối cảnh các nghị sỹ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đã phải mất nhiều tuần đàm phán căng thẳng. Một trong những khúc mắc chính của thỏa thuận lần này là khoản tiền cho việc xây bức tường an ninh ở khu vực biên giới giữa Mỹ với Mexico, vốn là cam kết nổi bật của Tổng thống Donald Trump trong chiến dịch tranh cử.
Lúc còn tranh cử, ông Trump đã tuyên bố rằng Mexico là bên phải chịu chi phí xây bức tường ngăn biên giới hai nước, song phía Mexico luôn bác bỏ.
Trong bối cảnh khả năng Mexico chịu chi tiền để xây bức tường như tuyên bố của Tổng thống D.Trump là rất thấp, nên ông Trump đã đề xuất rằng Mexico sẽ trả tiền xây tường song việc này diễn ra vào thời điểm muộn hơn và chính phủ Mỹ cần ngân sách để sớm khởi động kế hoạch này. Song, trong quá trình thảo luận thì các nghị sĩ đảng Dân chủ đã bác bỏ đề xuất cấp tiền cho Chính phủ Mỹ xây bức tường biên giới phía Nam giáp Mexico.
Cuối cùng sau nhiều tuần đàm phán căng thẳng, ngày 30/4, các nghị sỹ Dân chủ và Cộng hòa đã đạt được dự luật phân bổ ngân sách cho chính phủ trị giá 1.200 tỷ USD dành cho các cơ quan chính phủ liên bang tới hết ngày 30/9 tới, thời điểm tài khóa 2017 kết thúc.
Ngày 3/5, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật với 309 phiếu thuận và 118 phiếu chống. Ngày 5/5, dự luật phân bổ ngân sách tiếp tục được Thượng viện Mỹ thông qua với 79 phiếu thuận và 18 phiếu chống. Ngay sau khi được Thượng viện thông qua, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố sẽ ký ban hành dự luật ngay trước khi dự luật phân bổ ngân sách hiện nay hết hiệu lực vào đêm 5/5.
Chi tiêu quốc phòng vẫn tăng
Theo các nhà phân tích, dự luật chi tiêu ngân sách vừa được hai viện thông qua được xem là một chiến thắng với các nghị sỹ đảng Dân chủ khi họ loại bỏ được nhiều đề xuất chi tiêu theo mong muốn của Tổng thống Trump. Trên thực tế, dù kiểm soát lưỡng viện quốc hội, nhưng các nghị sỹ đảng Cộng hòa vẫn phải có những nhượng bộ quan trọng với các nghị sỹ Dân chủ để tránh cảnh chính phủ phải đóng cửa. Vì nếu phải đóng cửa chính phủ thì đây sẽ là một cú giáng mạnh với đảng Cộng hòa trong bối cảnh đảng này nắm ưu thế ở cả Quốc hội và Nhà Trắng.
Điểm đáng chú ý của dự luật phân bổ ngân sách mới lần này là nghị sĩ hai đảng đã bác nội dung tài trợ tiền xây tường ngăn biên giới với Mexico, cũng không đồng ý kế hoạch cắt giảm các chương trình đối nội của tổng thống Trump. Thỏa thuận về ngân sách mới cũng không đề cập đến việc cắt giảm chi phí cho chương trình Kế hoạch hóa dân số, vốn bị đảng Dân chủ phản đối. Theo đó, chi phí cho ngành y tế sẽ được tăng thêm 2 tỷ USD cho Viện Sức khỏe quốc gia và 295 triệu USD cho chương trình hỗ trợ Medicaid. Ngoài ra, các hạn mức chi tiêu cho Bộ Ngoại giao và các hoạt động trọng yếu khác của chính phủ cũng vẫn được duy trì thay vì bị cắt xén nhiều như đề xuất của ông Trump trước đó.
Nhưng cho dù không đạt được yêu cầu cấp chi phí cho việc xây bức tường biên giới Mỹ-Mexico, song Tổng thống Trump lại đạt được thắng lợi khi thỏa thuận ngân sách chính phủ đã cấp cho Nhà Trắng gần 600 tỷ USD chi tiêu quốc phòng (tăng 4,5% so với tài khóa 2016) và 1,5 tỷ USD để tăng cường an ninh biên giới.
Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã luôn trở thành tâm điểm chú ý của dư luận trong và ngoài nước khi tuyên bố dành một khoản ngân sách khổng lồ để ưu tiên thực hiện chiến dịch củng cố sức mạnh quân sự lớn nhất lịch sử nước Mỹ. Đây được xem là một trong những bước đi hiện thực hóa cam kết của ông về đảm bảo an toàn cho người dân Mỹ. Cam kết này bao gồm chi tiêu quốc phòng của Mỹ sẽ tăng mạnh.
Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016, ông Trump cũng từng đề xuất tăng cường sức mạnh quân sự trên quy mô lớn, bao gồm việc tăng quân với lực lượng lục quân thường trực khoảng 540.000 binh sĩ, lực lượng không quân có ít nhất 1.200 máy bay chiến đấu, tăng số lượng tàu chiến của Hải quân Mỹ từ 274 tàu lên 350 tàu. Để hiện thực hóa những cam kết trên, kể từ tháng 1/2017, Tổng thống Mỹ Trump đã ký sắc lệnh tái thiết quân đội, khởi động quá trình mà ông đánh giá là “tái thiết vĩ đại” các lực lượng vũ trang.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chính quyền Mỹ vừa công bố gói đề xuất chính sách thuế mới, theo đó thực hiện những cắt giảm thuế lớn nhất trong lịch sử đánh vào doanh nghiệp và cá nhân (ngày 26/4), nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại rằng, việc tăng chi tiêu quốc phòng, đầu tư mạnh hơn cho quân đội của Tổng thống Trump sẽ khiến ngân sách của Mỹ gặp khó khăn. Dù sao, việc cả Hạ viện và Thượng viện vừa thông qua dự luật phân bổ ngân sách mới trước mắt đã giúp Chính phủ Mỹ tránh được nguy cơ phải đóng cửa khi thời điểm kết thúc tài khóa 2017 vào ngày 30/9 tới đang đến gần.