Donald Trump - Dấu ấn 100 ngày cầm quyền

100 ngày lãnh đạo nước Mỹ, Tổng thống Donald Trump đối mặt không ít thách thức
100 ngày lãnh đạo nước Mỹ, Tổng thống Donald Trump đối mặt không ít thách thức
(PLO) - Ngày 29/4/2017 vừa qua chính thức đánh dấu 100 ngày lãnh đạo nước Mỹ của Tổng thống Donald Trump. Kể từ khi trở thành người đứng đầu cường quốc số một thế giới, bên cạnh những kết quả đạt được, ông Trump cũng đối mặt với không ít thách thức trong việc giải quyết các vấn đề đối nội và đối ngoại.

Ngay sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Mỹ Trump đã có những động thái nhằm xóa bỏ di sản của người tiền nhiệm Barack Obama và từng bước gây dựng dấu ấn cá nhân bằng việc thực hiện những cam kết với cử tri được đưa ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016. 

Cam kết

Có thể kể đến là việc Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp chính thức rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), khi cho rằng hiệp định mà Mỹ và 11 nước đối tác đạt được hồi tháng 10/2015 gây phương hại cho khu vực sản xuất của Mỹ và cướp công ăn việc làm của người dân nước này; tuyên bố nhanh chóng khởi động việc đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Canada và Mexico; phê duyệt dự án xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL nối Canada và Mỹ; bỏ hỗ trợ về tài chính cho các thành phố chứa chấp nhiều dân di cư trái phép; cấm các nhân viên chính phủ vận động hành lang sau 5 năm rời nhiệm sở; cam kết tăng ngân sách quốc phòng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ; thành lập lực lượng đặc nhiệm chống tội phạm và tăng ngân sách cho chương trình đào tạo và hỗ trợ cảnh sát địa phương; dỡ bỏ các hạn chế về khai thác nhiên liệu hóa thạch...

Có thể thấy, các quyết sách của Tổng thống Trump đã mang lại những kết quả cho nước Mỹ khi chỉ riêng trong tháng 2 và tháng 3 vừa qua đã tạo ra hơn 500.000 việc làm giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 4,6%; khuyến khích các công ty xuyên quốc gia trong các lĩnh vực công nghệ, chế tạo, dịch vụ như Google, Apple, Intel, Toyota, … cam kết chi hàng trăm tỷ USD đầu tư mới. Đồng thời kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng 2,8% trong quý I/2017 và đây là mục tiêu đầy tham vọng bởi năm 2016 kinh tế nước này chỉ tăng trưởng 1,6%. Ngoài ra, số các vụ vượt biên trái phép cũng giảm được đến 60%.

Một thành tựu nổi bật của Tổng thống Trump là bổ nhiệm thẩm phán Neil Gorsuch vào chiếc ghế còn bỏ trống ở Tòa án Tối cao sau một tiến trình phê chuẩn gay gắt tại Thượng viện. Đây được coi là chiến thắng chính trị lớn nhất của ông trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên, đồng thời giúp khôi phục thế áp đảo (5/4 ghế) của phe Cộng hòa tại Tòa án Tối cao.

Bổ nhiệm thẩm phán Neil Gorsuch(phải) vào Tòa án Tối cao được coi là chiến thắng chính trị lớn nhất của ông Trump trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên
Bổ nhiệm thẩm phán Neil Gorsuch(phải) vào Tòa án Tối cao được coi là chiến thắng chính trị lớn nhất của ông Trump trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên

Gây tranh cãi

Tuy nhiên, nội bộ nước Mỹ trong 100 ngày cầm quyền Tổng thống Trump lại bị chia rẽ với việc nhà lãnh đạo Mỹ ký hàng loạt sắc lệnh gây tranh cãi. Trước hết là sắc lệnh cấm người nhập cư đến từ 7 nước Hồi giáo gồm Syria, Iraq, Iran, Somali, Libya, Sudan và Yemen, làm dấy lên một loạt tranh cãi pháp lý cùng làn sóng chỉ trích tại Quốc hội Mỹ và làm lan rộng các cuộc biểu tình phản đối. 

Tiếp đó là việc Tổng thống Trump buộc phải đề nghị không đưa Dự luật Chăm sóc sức khỏe Mỹ (AHCA, còn gọi là Trumpcare) do phe Cộng hòa bảo trợ ra bỏ phiếu tại Hạ viện vì gần như chắc chắn sẽ không nhận đủ số phiếu tối thiểu cần thiết để được thông qua. AHCA đã vấp phải những phản ứng tiêu cực từ giới lập pháp Mỹ khi cho rằng dự luật này sẽ khiến hàng triệu người Mỹ mất bảo hiểm và gây tổn hại lớn cho ngân sách liên bang. Đây được xem là một đòn giáng mạnh đối với Tổng thống Trump trong nỗ lực vận động sự ủng hộ của các thành viên trong đảng nhằm thay thế chương trình chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền Obamacare của cựu Tổng thống Obama. 

Ngoài ra, việc hoàn thiện danh sách nội các của Tổng thống Trump cũng đang diễn ra khó khăn. Mặc dù việc đề cử nhân sự của ông được tiến hành đúng quy trình, nhưng đa số các vị trí không thể nhậm chức đúng hạn do hầu hết các đề cử khi đưa ra Thượng viện đều vấp phải sự phản đối của phe Dân chủ. 

Các nhà phân tích cho rằng, với những diễn biến nêu trên, nội bộ nước Mỹ trong 100 ngày cầm quyền của Tổng thống Trump vẫn còn khá nhiều vấn đề phải giải quyết.

Chính sách đối ngoại… đảo ngược

Về chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Trump, trong 100 ngày lãnh đạo vừa qua chính sách đối ngoại của nước Mỹ có phần đi ngược lại với những gì ông Trump đã từng thể hiện trong quá trình tranh cử. 

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng bày tỏ quyết tâm giảm bớt các cam kết của Mỹ trong các vấn đề quốc tế và với các đồng minh ở châu Âu, Đông Bắc Á và Trung Đông, nhằm tập trung tốt hơn cho các vấn đề trong nước, theo khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”. Tuy nhiên, việc ra lệnh không kích căn cứ quân sự của Syria tại tỉnh Homs bằng tên lửa hành trình Tomahawk nhằm đáp trả vụ tấn công mà Mỹ và một số nước cáo buộc là vũ khí hóa học của chính quyền Syria tại thị trấn Khan Sheikhun, tỉnh Idlib, khiến 87 dân thường thiệt mạng, hay vụ ném “siêu bom” GBU-43/B xuống mục tiêu của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Afghanistan, điều tàu sân bay áp sát bán đảo Triều Tiên để sẵn sàng đánh phủ đầu CHDCND Triều Tiên nếu nước này tiếp tục tiến hành thử hạt nhân lần thứ 6... Những động thái cứng rắn này cho thấy chính quyền Tổng thống Trump sẵn sàng theo đuổi chính sách can thiệp đơn phương, chấm dứt chính sách “kiên nhẫn chiến lược” đối với CHDCND Triều Tiên dưới thời cựu Tổng thống Obama. 

Trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên, ông Trump đã ra lệnh không kích căn cứ quân sự của Syria tại tỉnh Homs bằng tên lửa hành trình Tomahawk
Trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên, ông Trump đã ra lệnh không kích căn cứ quân sự của Syria tại tỉnh Homs bằng tên lửa hành trình Tomahawk

Về tiến trình hòa bình Trung Đông, trong cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Israel vào tháng 2 vừa qua, Tổng thống Mỹ đã bày tỏ ủng hộ ý tưởng về giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel - Palestine. Đây là lần đầu tiên ông đưa ra ý kiến cá nhân về vấn đề này kể từ khi các nhà phân tích quốc tế chỉ trích khả năng Mỹ từ bỏ giải pháp này, vốn được coi là “hòn đá tảng” trong chính sách Trung Đông lâu nay của Washington.

Trong quan hệ với Trung Quốc, Tổng thống Trump đã khiến Trung Quốc phải nhượng bộ để tránh một cuộc chiến tranh thương mại và hiểu rằng quan hệ Mỹ - Trung gắn liền với sự hợp tác của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên. 

Trong khi đó, đối với Nga, trước đây ông Trump từng khẳng định về một mối quan hệ tích cực giữa 2 cường quốc trên thế giới khi ông lên nắm quyền, khiến dư luận tin tưởng về một sự cải thiện trong quan hệ giữa Washington và Moskva vốn trở nên xấu đi vào nhiệm kỳ cuối của Tổng thống Obama. Thế nhưng, Tổng thống Mỹ đã quay sang chỉ trích Điện Kremlin vì ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Đối với các đồng minh truyền thống, hàng loạt chuyến thăm tới châu Âu, Đông Bắc Á, Nam Á và Trung Đông của Phó Tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster đã cho thấy chính quyền Tổng thống Trump vẫn chú trọng quan hệ với nước các đồng minh, trái với các tuyên bố trong chiến dịch tranh cử như sẵn sàng xem xét lại quan hệ với các đồng minh nếu không san sẻ gánh nặng chi phí quốc phòng.

Sau một thời gian im hơi lặng tiếng, chính quyền Mỹ đã xác nhận Tổng thống Trump sẽ tham dự Hội nghị cấp cao của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị cấp cao ASEAN-Mỹ và Cấp cao Đông Á (EAS) vào tháng 11 tới. Việc công bố quyết định trên trước 6 tháng cho thấy chính quyền Trump vẫn rất coi trọng khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng, trái với những thông tin cho rằng chính quyền mới ở Mỹ sẽ từ bỏ chính sách “xoay trục” sang châu Á được đưa ra dưới thời chính phủ tiền nhiệm. Những động thái này cũng hé lộ khả năng Tổng thống Trump muốn lấy đối ngoại làm điểm nhấn trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ của mình.

Về quan hệ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trước thời điểm nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Trump từng mô tả NATO là một tổ chức “lỗi thời”. Nhưng trong một cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Nhà Trắng vào tháng 4 vừa qua, ông Trump đã thể hiện sự thay đổi quan điểm về NATO khi khẳng định rằng “tổ chức này không còn lỗi thời”.

Sau quãng thời gian kỳ vọng về một sự đổi thay mạnh mẽ cho nước Mỹ, những người ủng hộ ông Trump có vẻ bị thất vọng. Nhìn một cách tổng thể, cách xử lý công việc của ông Trump sau 100 ngày cầm quyền đầu tiên được đánh giá là chưa thỏa đáng và tỷ lệ ủng hộ ông hiện ở mức thấp nhất so với các đời tổng thống Mỹ kể từ năm 1945. Nguyên nhân khiến Tổng thống Trump không nhận được nhiều sự tín nhiệm của người dân có thể xuất phát từ việc ông chưa thực hiện được những lời hứa đưa ra lúc tranh cử, cũng như những thất bại của ông trong việc ban hành sắc lệnh cấm nhập cư hay thay thế các di sản của chính quyền tiền nhiệm như Obamacare.

100 ngày cầm quyền đầu tiên là chưa đủ để kết luận thành công hay thất bại, nhưng cũng cho thấy cách thức mà vị Tổng thống thứ 45 điều hành nước Mỹ cũng như những chính sách đối ngoại của chính quyền mới. Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những điều mà Tổng thống Trump chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân Mỹ. Và thách thức vẫn đang chờ đợi người đứng đầu Nhà Trắng trong chặng đường sắp tới.

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.

Một cầu thủ bóng đá được trao Huân chương Tự do Tổng thống

Messi giành Quả bóng vàng 2021. (Ảnh: Euro Sport)
(PLVN) - Tổng thống Joe Biden vừa trao tặng Huân chương Tự do Tổng thống – danh hiệu cao quý nhất dành cho công dân Mỹ – cho siêu sao bóng đá Messi cùng 18 cá nhân xuất sắc khác. Buổi lễ tôn vinh những đóng góp xuất sắc của họ trong việc làm cho nước Mỹ và thế giới trở nên tốt đẹp hơn.