Luật sư Lê Thị Thùy - Đoàn Luật sư TP Hà Nội tư vấn: Theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 50 Luật Thủy sản năm 2017 thì tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên phải có thiết bị giám sát hành trình mới được cấp Giấy phép khai thác thuỷ sản. Các yêu cầu về thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá được Chính phủ hướng dẫn chi tiết tại Điều 44 Nghị định 26/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 20 Điều 1 Nghị định 37/2024/NĐ-CP.
Trong trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản không có thiết bị giám sát hành trình hoặc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình không đúng quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 38/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Cụ thể, tại Điều 35 Nghị định 38/2024/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành vi vi phạm quy định về thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá như sau:
Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi tháo thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá khi tàu cá không hoạt động trên biển mà không được giám sát theo quy định.
Phạt tiền đối với hành vi không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ thiết bị thông tin liên lạc tàu cá theo các mức phạt sau: Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm trên tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét. Từ 3 - 5 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét. Từ 5 - 10 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét. Từ 10 - 15 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên.
Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không thực hiện đúng quy định trong trường hợp thiết bị giám sát hành trình bị hỏng hoặc không truyền được thông tin, dữ liệu từ tàu cá về trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá khi đang hoạt động đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét.
Không báo cáo hoặc báo cáo không đúng về việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá hoặc không báo cáo bằng văn bản trước khi cung cấp thiết bị giám sát hành trình cho cơ quan quản lý theo quy định...
Phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Hành vi quy định tại khoản 3 Điều này trong trường hợp tái phạm. Thay thế kẹp chì thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá mà không báo cáo cơ quan chức năng.
Phạt tiền từ 50 - 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Tàng trữ hoặc lưu giữ mỗi thiết bị giám sát hành trình của tàu cá khác khi tàu cá đó hoạt động trên biển. Gửi thiết bị giám sát hành trình của tàu cá khi tàu cá đó hoạt động trên biển.
Phạt tiền từ 100 - 300 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Cung cấp thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo quy định. Không duy trì việc truyền thông tin về hệ thống giám sát tàu cá theo quy định hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá hoặc không có thiết bị giám sát hành trình khi hoạt động đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét.
Ngoài quy định về phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá từ 6 - 12 tháng đối với một số hành vi vi phạm tại khoản 5 và khoản 6 Điều 35 Nghị định 38/2024/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 2 Nghị định 38/2024/NĐ-CP quy định, hộ kinh doanh phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, hộ gia đình, chủ tàu cá thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này bị xử phạt vi phạm như đối với cá nhân.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 38/2024/NĐ-CP thì mức phạt tiền được trích dẫn ở trên áp dụng với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.