[links()](LĐ online) - Không phải từ bây giờ. Đã rất lâu rồi, cây chè ở cao nguyên B’Lao luôn hiện sinh cho sức sống kỳ diệu của mảnh đất tốt lành này. Suốt từ Lộc An đến Đại Lào, từ mạn Đăng Đừng, Đạ Tồn của Bảo Lâm vắt sang Đam B’Ri của Bảo Lộc …cây chè hiện hữu như một sự màu nhiệm mà tạo hoá ban tặng cho con người nơi đây.
Thu hoạch trà ở Công ty trà Tâm Châu. Ảnh: Tư liệu |
Dẫu cũng có những thăng trầm, những biến cố nhưng cây chè ở vùng B’Lao luôn gắn liền với đời sống cũng như sự thay đổi của đất và người nơi đây. Cây chè đã cắm rễ ở cao nguyên này từ rất lâu như một duyên định và cũng từ những năm 70 của thế kỷ trước thương hiệu trà B’Lao cũng đã được khẳng định bằng hương sắc, dư vị riêng biệt của mình. Những cái tên như Quốc Thái, Thuận Hữu, Đầu trâu … đã trở nên thân thuộc với nhiều gia đình Việt quen dùng trà như một nước uống thanh tao trong đời sống hàng ngày. Ở B’Lao bây giờ, cây chè cũng đã thực sự mang lại nhiều sự đổi thay cho đời sống người dân. Thổ nhưỡng và khí hậu hợp với cây chè đã trở thành một lực hút với những nhà đầu tư, kinh doanh “đổ xô” về đây trồng chè. Chính những điều đó cũng đã khiến hình ảnh nông thôn nghèo, lạc hậu của những năm trước đây được thay đổi bằng diện mạo mới tràn đầy sức sống và trù phú. Cũng như nhiều cô gái khác ở trong thôn, buôn của Lộc Tân-Bảo Lâm. Ka Kim, một cô gái ở thôn III của xã nghèo này bỏ học từ sớm rồi “bắt chồng” và sinh con. Cuộc sống của em bó hẹp trong vòng luẩn quẩn đói nghèo và bế tắc. Đất nuôi trồng khi ra ở riêng lại không có nên chuyện no đói của gia đình em cũng luôn thất thường. Khi các công ty trồng và chế biến trà về đây đầu tư, em đã có một công việc ổn định và cũng hợp với sự khéo léo của những người phụ nữ như em. Việc hái trà búp tươi trên nương, hàng tháng cho em thu nhập từ 2 đến 3 triệu, số tiền không lớn nhưng thực sự hữu ích cho một lao động phổ thông không có trình độ và không có việc làm như Ka Kim. Ông Võ Quang vỵ-Phó Giám đốc CT TNHH Tâm Châu, một trong những thương hiệu trà Ô long có tiếng cho biết: “Khi về đây đầu tư trồng trà, chúng tôi luôn tạo điều kiện cho người dân bản địa có hoàn cảnh khó khăn có được công ăn việc làm. Hiện tại luôn có từ 500 đến 600 nhân công người dịa phương làm việc tại công ty với những công việc như hái trà và chế biến thành phẩm. Các em luôn có được khoản thu nhập ổn định từ 3 đến 4 triệu. Không chỉ có các công ty mới “làm nên ăn ra”, trà chất lượng cao cũng đã được người dân mạnh dạn vay vốn đầu tư và rất nhiều gia đình đã thực thay đổi được cuộc sống nhờ loại cây này. Trong hơn 25 ngàn hec ta đất sản xuất trà thì đã có sự “góp mặt” của 10 ngàn nông hộ. Thu nhập từ chế biến trà hàng năm của cao nguyên B’Lao lên tới 157 tỷ đồng và với sự phát triển ổn định, diện tích và con số trên chắc hẳn sẽ không dừng lại ở đó. Ông K’Thu-thôn 13, xã Đam B’ri, TP.Bảo Lộc cho biết chia sẻ: Trước đây, gia đình chỉ trồng trà để uống và cũng thực sự không dám bỏ vốn ra để trồng bán. Nhưng thấy nhiều người làm, tôi cũng đã vay vốn ngân hàng đầu tư trồng 1 ha chè ô long. Đầu ra thì đã có các công ty xuống kiểm tra chất lượng, hướng dẫn thu hái và mua tại vườn. Hàng năm, cây chè cũng đã cho gia đình tôi khoản thu trên 100 triệu đồng, đời sống khó khăn trước đây cũng đã được cải thiện rất nhiều”. Đất trà với nhãn hiệu trà B’Lao đã được chứng nhận đã và sẽ tiếp tục mang lại sự no ấm, phồn thịnh cho nhiều người dân bản địa. Phía sau vị chát đắng của những búp chè tươi trên nương là sự ngọt ngào trong đời sống của nhiều xóm làng trên cao nguyên xinh đẹp này.
Tuấn Linh