Hạ viện Mỹ kết thúc phiên điều trần thứ III về chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam: Vì một tương lai tốt đẹp hơn
Phiên điều trần về chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam do Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương và các vấn đề về môi trường toàn cầu thuộc Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ tổ chức tại thủ đô Washington D.C đã kết thúc ngày 15-7 (giờ Washington) với nhiều thành công thực chất và hữu ích.
Trẻ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin học tập hòa nhập cộng đồng. |
Hạ nghị sĩ Mỹ Eni F.H.Faleomaveaga nhận định, những bài phát biểu cũng như những câu trả lời được ông Matthew Palmer, quyền Phó Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ và Tiến sĩ John Wilson, Giám đốc Văn phòng Hỗ trợ kỹ thuật của Bộ phận phụ trách các vấn đề châu Á và Trung Đông thuộc Cơ quan Phát triển quốc tế của Mỹ, đưa ra tại phiên điều trần sẽ giúp các nghị sĩ Mỹ có thêm thông tin về sự hợp tác giữa hai nước trong việc giải quyết các vấn đề liên quan tới nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam. Qua đó, các nhà lập pháp Mỹ có thể nghiên cứu việc tài trợ liên quan. Phiên điều trần diễn ra trong thời điểm đặc biệt có ý nghĩa khi Việt Nam và Mỹ kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao tại thủ đô Washington D.C. Có lẽ đây là lúc để Chính phủ Mỹ tiến thêm một bước trên chặng đường hàn gắn vết thương chiến tranh, vì một tương lai tốt đẹp hơn trong quan hệ Việt - Mỹ.
Cả thế giới đã quá rõ việc Mỹ rải 75 triệu lít chất độc xuống Việt Nam từ năm 1962 đến năm 1971, làm ô nhiễm 2 triệu hécta rừng, 202.000ha đất canh tác và gây những di chứng khủng khiếp cho thế hệ sau. Ít nhất 4,5 triệu người Việt Nam và 2,8 triệu quân nhân của hai phía có mặt trên chiến trường từ năm 1962 đến 1975 đã bị phơi nhiễm. Tuy cuộc chiến đã chấm dứt được 35 năm, nhưng di hại của chất độc ghê gớm này vẫn còn đó và câu hỏi đặt ra là làm gì để xoa dịu nỗi đau chiến tranh? Đây là vấn đề rất phức tạp và đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Văn bản của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ gửi Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương và các vấn đề về môi trường toàn cầu nhân phiên điều trần lần thứ III này viết rằng, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ từ 15 năm trước, Chính phủ Việt Nam đã đề nghị Mỹ cung cấp viện trợ liên quan tới chất độc da cam/dioxin.
Tuy nhiên, ban đầu Washington đã chối bỏ mọi trách nhiệm pháp lý trong việc viện trợ và yêu cầu Việt Nam phải khẳng định mức độ của các vấn đề sức khỏe và môi trường liên quan tới chất độc da cam/dioxin. Theo cơ quan này, quan điểm trên của Washington đã khiến quan hệ Mỹ - Việt căng thẳng, mặc dù chưa đến mức ảnh hưởng lớn tới việc mở rộng quan hệ ngoại giao, kinh tế và quân sự.
Ông Matthew Palmer cho rằng, chất độc da cam/dioxin lâu nay là một chủ đề tế nhị trong quan hệ Mỹ - Việt và trước đây đã có một số rào cản trong quá trình tìm kiếm sự nhất trí giữa hai nước trong việc hợp tác như thế nào và hợp tác trên lĩnh vực nào. Tuy nhiên, ông khẳng định giờ đây hai nước đang chuyển từ đối thoại tới những cải thiện thực chất về môi trường và sức khỏe của người dân Việt Nam. Quyền Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ khẳng định: "Chính phủ Mỹ đã thể hiện cam kết vững chắc trong việc hợp tác để tìm được một giải pháp cho những quan ngại kéo dài này và để bảo đảm tiếp tục cải thiện mối quan hệ Mỹ - Việt".
Sau nhiều nỗ lực, năm 2008, lần đầu tiên, vấn đề da cam/dioxin Việt Nam đã được đưa ra điều trần tại Hạ viện Mỹ. Những tiếng nói ủng hộ trong lòng Quốc hội Mỹ đối với vấn đề da cam/dioxin Việt Nam đã và đang ngày càng nhiều hơn. Các phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ được duy trì đều đặn từ năm 2008 đến nay cho thấy thái độ tích cực, lắng nghe, trao đổi và tìm kiếm những dự án, giải pháp cho vấn đề hậu chiến tranh của các nhà lập pháp Mỹ. Không phải ngẫu nhiên những dự án có tên gọi, những khoản ngân sách bắt đầu được công bố, các chương trình bắt đầu triển khai với sự hợp tác từ phía Mỹ cùng những tiếng nói ủng hộ trong lòng Quốc hội Mỹ ngày càng công khai hơn. Đó là những nỗ lực vận động, trao đổi từ kênh chính phủ và phi chính phủ của phía Việt Nam trong suốt tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ 15 năm qua.
Phát biểu tại phiên điều trần, Tiến sĩ John Wilson, Giám đốc Văn phòng Hỗ trợ kỹ thuật của Bộ phận phụ trách các vấn đề châu Á và Trung Đông thuộc Cơ quan Phát triển quốc tế của Mỹ nêu rõ: "Trong lúc hai nước đang kỷ niệm 15 năm thiết lập và phát triển quan hệ song phương, Mỹ cần phải thừa nhận rằng mình có thể làm được nhiều hơn nữa, kể cả giải quyết các vấn đề liên quan tới chất độc da cam/dioxin và điều này sẽ mang lại lợi ích lớn cho quan hệ giữa hai nước." Còn Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin của Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng nhấn mạnh: "Hành động hiệu quả và kịp thời của Quốc hội Mỹ trong việc giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam là bước đi cuối cùng để hàn gắn vết thương chiến tranh khi nhân dân hai nước đang tiếp tục xây dựng mối quan hệ hữu nghị và hòa bình".
Dù chưa đạt nhiều kết quả cụ thể, nhưng phiên điều trần lần thứ III tại Hạ viện Mỹ vừa qua là một bước đi có ý nghĩa, góp phần bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam; đồng thời đem lại hi vọng về sự công bằng với những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam.