Câu chuyện hoàn toàn có thể kết thúc theo hướng khác nếu bị cáo và bị hại bình tâm, không để tự ái cá nhân lấn át lý trí của mình. Sau phiên tòa, khi gia đình hung thủ đến xin lỗi gia đình nạn nhân và được gật đầu chấp thuận, những người dân thôn Pắc Cặp đến dự Tòa hiểu rằng sau tội ác thì tình làng xóm giữa họ vẫn còn sâu đậm lắm. Giá như...
“Tôi đau lòng lắm”
Sáng nay, bên ngoài khán phòng xử án của TAND tỉnh Lạng Sơn, ông Hứa Văn Vinh (ở thôn Pắc Cặp, xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) liên tục rít thuốc lá. Con trai ông, anh Hứa Văn Vần (SN 1977) bị tước đi mạng sống bởi một chuyện rất nhỏ nhặt, hoàn toàn có thể thu xếp được giữa những người vốn là bà con xóm giềng.
Nước mắt lưng tròng, ông Vinh giãi bày với phóng viên: “Tôi đau lòng lắm. Trước khi xảy ra sự việc này, từ trước đến nay, người trong thôn chúng tôi có bao giờ to tiếng với nhau đâu. Cũng thi thoảng người này người kia có xích mích với nhau, nhưng đều được giải quyết ổn thỏa bằng con đường hòa giải. Vậy mà lần này, không hiểu sao chúng nó (chỉ bị hại, bị cáo - PV) lại quyết ăn thua đủ với nhau...”.
Theo hướng tay ông Vinh chỉ vào phòng xét xử đang giờ nghị án, tôi tìm gặp chị Chu Thị Léng (vợ nạn nhân) cùng cô con gái đầu. Đang ngồi khóc rấm rức, chị Léng ngẩng đầu lên nói với phóng viên vài câu ngắn gọn: “Phải thả hắn (chỉ bị cáo - PV) ra để hắn bồi thường cho gia đình tôi chớ?. Bây giờ gia đình biết trông vào đâu để có miếng ăn đây?”.
Bên hàng ghế đối diện, người bố của bị cáo Tô Văn Thưởng (bị cáo này SN 1990) trầm ngâm không lên tiếng, thi thoảng lại buông thở dài. Ông bảo: “Con dại, cái mang. Tôi không biết phải nói sao nữa... Hôm nay tôi đến đây chỉ mong nói lời xin lỗi với gia đình bị hại mà thôi”.
Trong khán phòng, rất nhiều bà con trong thôn Pắc Cặp đã bất chấp cái lạnh cắt da cắt thịt đến phiên tòa từ sáng sớm để theo dõi phiên xử một vụ án nghiêm trọng nhất từ trước đến nay xảy ra ở thôn quê yên bình của họ.
Một mất, mười ngờ
Theo cáo trạng, sáng 2/6/2010, Tô Văn Thưởng tìm mãi không thấy chiếc đèn pin thường ngày của mình. Nghi ngờ con của anh Hứa Văn Vần là cháu Hứa Văn Tô (SN 1997) lấy cắp đồ vật này nên Thưởng định đến nhà anh Vần xin lại chiếc đèn pin.
Trên đường đi, Thưởng ghé qua nhà người quen ở cùng thôn thì gặp hai bố con anh Vần ở đó. Tại đây, Thưởng hỏi về chiếc đèn pin nhưng cháu Tôn phủ nhận việc lấy cắp. Tuy vậy, Thưởng cứ nói mãi chuyện này với mọi người ở đó khiến anh Vần “nóng mặt”.
Khoảng 11h30 ngày 3/6/2010, Thưởng đem theo một con dao nhọn đi đến thôn Kéo Cặp mục đích tìm bắt rắn đem về bán. Trên đường đi, Thưởng gặp anh Vần và anh Hứa Văn Bộ (anh ruột anh Vần) đang sửa cột điện. Thưởng chủ động chào anh Vần nhưng bị anh Vần hỏi lại: “Sao mày nghi ngờ con tao lấy trộm đèn pin, căn cứ vào đâu thế?”.
Thưởng thủng thẳng: “Không phải thì thôi, làm gì mà phải to tát với nhau vậy?”. Nghe tới đó, anh Vần lao vào xô xát với Thưởng. Do yếu sức, Thưởng bỏ chạy.
Đến 14h cùng ngày, Thưởng đến nhà hàng xóm của anh Vần xem vớt cá chết dưới ao. Vừa hay lúc đó anh Vần đi ra. Thấy Thưởng, anh Vần nói: “Thằng kia, mày có thích chết không?”. Nói rồi anh Vần đấm vào lưng Thưởng khiến Thưởng mất cân bằng và ngã xuống ao.
Leo lên bờ, Thưởng rút dao trong túi quần ra, đâm nhiều nhát về phía anh Vần nhưng nạn nhân chỉ bị thương nhẹ và bỏ chạy. Sau đó, anh Vần quay lại dùng tay không đánh nhau với Thưởng. Trong lúc giằng co, con dao trong tay Thưởng đã đâm trúng ngực anh Vần khiến nạn nhân gục tại chỗ và tử vong sau đó.
Tình người sau bi kịch
Biết mình gây ra trọng tội, Thưởng đã đến cơ quan công an đầu thú ngay sau đó. Khi nhà anh Vần làm ma chay, bố Thưởng đã đem đến một con lợn hơi để nhà nạn nhân làm cỗ phúng viếng, đồng thời ông cũng tự tay đi mua áo quan về mai táng cho nạn nhân.
Tuy vậy, có mặt tại phiên tòa, bố nạn nhân là ông Vinh vẫn yêu cầu Tòa nghiêm trị hành vi của bị cáo và yêu cầu gia đình Thưởng bồi thường thiệt hại, nhất là trách nhiệm nuôi nấng hai cháu còn nhỏ của gia đình anh Vần (một cháu sinh năm 1999 và một cháu sinh năm 1997).
Ngồi cạnh tôi, anh Hứa Văn Bộ (anh họ nạn nhân) tâm sự: “Chuyện đèn pin là chuyện nhỏ nhặt. Thực lòng có chuyện đó đi chăng nữa, mua cái đèn pin mới và ngồi với nhau uống chén nước thì có phải chúng tôi hôm nay không phải ngồi đây và đau lòng thế này?”.
Trong giờ phút chờ nghị án, cậu trai mới lớn Tô Văn Thưởng nhờ bố chăm sóc mẹ và xin lỗi gia đình mình vì phút bồng bột của mình đã khiến người thân phiền lụy. Một vài người bạn cũ học cùng lớp phổ thông cũng đến vỗ về an ủi Thưởng khiến bị cáo rưng rưng nước mắt.
Kết thúc phiên tòa, Thưởng chịu mức án 10 năm tù về tội “Giết người” theo Khoản 2, Điều 93, Bộ luật Hình sự, đồng thời phải bồi thường cho gia đình anh Vần 42 triệu đồng.
Lúc ra về, bố Thưởng đã chủ động đến bắt tay gia đình bị hại, cúi đầu xin lỗi, mong họ thông cảm và ông đã nhận được những cái gật đầu từ phía người nhà nạn nhân, dẫu đó là những động tác có phần khiên cưỡng và tột cùng chua xót.
Trong không khí giá buốt của mùa đông lạnh lẽo, phải rất khó khăn thì tình người giữa họ mới có thể ấm lên được như thế. Vụ án đã kết thúc nhưng để lại cho chúng ta lời nhắc nhở về bài học đối nhân xử thế trong cuộc sống để không phải lâm vào tình huống thở dài, buột miệng thốt lên hai tiếng: “Giá như...”.
Kỳ Anh