Sự hối hận muộn màng
Sau nhiều ngày xét xử và nghị án, chiều 25/9, TAND quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã tuyên phạt bị cáo Lưu Minh Khôi (SN 1980) và Lưu Tùng Lâm (SN 1982, em bị cáo Khôi) mức án lần lượt là 18 tháng và 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Cố ý gây thương tích”. Bị hại trong vụ án là ông Phạm Tiến Dũng (SN 1936, ở quận Hai Bà Trưng).
Sau bục khai báo, bị cáo Khôi thừa nhận bản thân có một phần lỗi. Nói lời sau cùng, bị cáo này cho biết sau khi vụ việc xảy ra, bản thân anh ta và gia đình có tìm gặp bị hại, mong muốn hòa giải nhưng không được. Do đó, Khôi mong Tòa xem xét cho mình.
Trong khi đó, bị cáo Lâm nghẹn ngào nói do nông nổi của tuổi trẻ mà giờ phải chịu hậu quả. Theo lời Lâm, anh ta làm trong cơ quan nhà nước nhưng giờ đã bị dừng không được vào Đảng, công việc không thuận lợi. “Giờ bị cáo rất hối hận”, Lâm nghẹn ngào nói. Sau đó, bị cáo này gửi lời xin lỗi ông Dũng nhưng lời xin lỗi này đã không được bị hại chấp nhận.
Được biết, Khôi là cán bộ còn Lâm là kỹ sư, đều công tác trong các cơ quan nhà nước, tổng công ty. Tuy nhiên, vì hành động bột phát, họ đã khiến tương lai bị ảnh hưởng: bị dừng kết nạp Đảng, bị mất việc sau khi vụ án xảy ra, tinh thần mệt mỏi...
Hồ sơ vụ án thể hiện, do ông Dũng tháo công tơ điện của nhà ông Lưu Minh Tuyên (bố của Khôi và Lâm) được treo ở ngõ ra. Khoảng 6h30’ ngày 22/8/2010, Khôi từ trong nhà đi ra chỗ công tơ điện của gia đình. Tại đây, Khôi thấy ông Dũng đang đứng cạnh cửa sắt, gần công tơ nên giữa hai người có lời qua tiếng lại. Khôi đã dùng tay đấm vào mặt ông Dũng khiến đối phương bị chảy máu mũi.
Bị đánh, ông Dũng chạy ra vỉa hè, cầm nửa viên gạch đuổi theo Khôi. Được một số người dân gần đó can ngăn, ông Dũng ném viên gạch đi. Vừa lúc đó, Lâm từ trong nhà chạy ra, trên tay là máng đèn tuýp bằng kim loại.
Theo cáo trạng, Lâm đã chạy đến chỗ ông Dũng vụt từ trên xuống dưới trúng vào tay đối phương. Sau cái vụt trên, ông Dũng được vợ kéo vào nhà.
Sau đó, ông Dũng đến công an trình báo sự việc. Tại cơ quan điều tra, ông Dũng thừa nhận có tháo công tơ điện của gia đình ông Khôi vì treo trên tường nhà mình. Bên cạnh đó, ông Dũng khai bị Khôi dùng tay đấm vào đầu, mặt, bị Lâm dùng ống sắt to vụt vào đầu nhưng tránh được, bị trúng vào tay. Ngoài ra, ông Dũng còn khai bị Khôi dùng bình xịt hơi cay xịt vào vợ chồng ông.
Trước những lời khai trên của ông Dũng, anh em Khôi phủ nhận. Họ khai trong lúc giằng co, công tơ rơi vào mặt ông Dũng gây chảy máu.
Theo kết luận giám định pháp y của Trung tâm pháp y Hà Nội, ông Dũng bị tổn hại 16% sức khỏe.
Đòi bồi thường hơn 2,3 tỷ đồng, được chấp nhận hơn 55 triệu
Quá trình xét xử, khi được hỏi, ông Dũng yêu cầu bị hại bồi thường cho mình số tiền hơn 2,3 tỷ đồng gồm chi phí khám chữa bệnh tại nhiều bệnh viện, chi phí thuê luật sư, chi phí khám chữa bệnh không có hóa đơn, chi phí theo hóa đơn bán lẻ, ăn bồi dưỡng hàng ngày…
Sau khi nghị án, HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo đã trực tiếp xâm phạm đến thân thể, sức khỏe của người khác. Tuy nhiên, trong vụ án này, người bị hại cũng có một phần lỗi khi giật công tơ điện của gia đình các bị cáo treo ở trên tường do Công ty điện lực lắp đặt, dẫn đến các bị cáo bức xúc, thực hiện hành vi phạm tội, đây là nguyên nhân xảy ra vụ án.
Về thương tích của bị hại, theo HĐXX, căn cứ vào các kết luận giám định của cơ quan chuyên môn thì chưa đủ cơ sở kết luận ông Dũng bị gãy rạn xương do các bị cáo gây ra.
Về bồi thường dân sự, căn cứ vào quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại, HĐXX cho rằng xét yêu cầu của bị hại là chính đáng nhưng phải phù hợp với các quy định của pháp luật. Do đó, Tòa chỉ chấp nhận chi phí khám chữa bệnh của ông Dũng tại một số bệnh viện, hóa đơn bán lẻ và tiền ăn bồi dưỡng hàng ngày. Theo đó, các bị cáo phải bồi thường cho bị hại tổng số tiền hơn 55 triệu đồng, các yêu cầu bồi thường khác của ông Dũng, Tòa không chấp nhận.