Ẩu đả khi đi đòi nợ thuê
Theo dự kiến, ngày 18/9, TAND huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An xét xử sơ thẩm lần 2 vụ án “cố ý gây thương tích” với bị cáo Nguyễn Đức Phong (SN 1973, ngụ xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh). Trước phiên xử, bà Trần Thị Thủy – vợ ông Phong phản ánh đến PLVN rằng vụ án có nhiều tình tiết chưa được làm rõ, CQĐT có dấu hiệu chưa công bằng khi ông Phong cũng bị đánh thương tích nhưng không tìm được thủ phạm.
Hồ sơ cho thấy ông Phong có nhờ ông Nguyễn Văn Điền đứng ra vay giúp 400 triệu của ông Lê Văn Tư. Việc trả nợ gặp nhiều vấn đề do ông Phong làm ăn thất bại.
Ngày 16/3/2017, ông Tư ký hợp đồng với Công ty TNHH dịch vụ đòi nợ Đông Dương (trụ sở tại TP HCM) để thu hồi nợ.
Cáo trạng cáo buộc, khoảng 16h ngày 27/3/2017, Cty đòi nợ Đông Dương cử 7 người, trong đó có ông Phạm Văn Tuân (SN 1970, ngụ TP HCM) đến nhà ông Điền đòi nợ. Lúc nhóm đòi nợ đang ngồi nói chuyện với ông Điền về phương án trả nợ thì ông Phong đến. Sau đó, giữa ông Phong và ông Tuân xảy ra mâu thuẫn, cự cãi. Ông Phong dùng tay hất mặt bàn gỗ chỗ ông Điền và ông Tuân đang ngồi và đuổi nhóm đòi nợ ra khỏi nhà ông Điền. Ông Tuân ra đến sân thì ông Phong dùng ghế gỗ đánh trúng vai trái ông Tuân nhưng không gây thương tích.
Ông Tuân lấy 1 con dao tự chế, quơ về hướng của ông Phong, không trúng. Lúc này, nhóm người làm công cho ông Điền đến và hai bên ném cây về phía nhau. Nhóm đòi nợ ra ngoài đường thì ông Phong và hai người khác cầm cây đuổi theo. Đuổi chừng 50m, ông Phong dùng 1 cây tràm dài 1,3m, đường kính đầu to 7,5cm, đầu nhỏ 5,5cm đánh từ trên xuống trúng đầu, làm ông Tuân té ngã xuống đất. Ông Tuân đang ngồi dậy thì ông Phong đánh cái thứ hai. Ông Tuân đưa tay lên đỡ, trúng vào tay và đầu.
Công an xã Nhơn Hòa đến, yêu cầu tất cả chấm dứt ẩu đả, ông Phong dừng lại, bỏ cây tràm tại chỗ. Ông Tuân bị thương tích vùng đầu và mặt, ông Phong cũng bị thương ở đầu. Cả hai đến bệnh viện cấp cứu điều trị.
Công an thu giữ tang vật là 1 cây tràm và 1 con dao tự chế. Ông Phong bị khởi tố tội “Cố ý gây thương tích” đối với ông Tuân. Ông Phong thừa nhận đánh ông Tuân 2 cái.
Theo kết luận giám định của Trung tâm pháp y tỉnh Long An, trên người ông Tuân có 4 vết thương gồm: Sẹo vết thương vùng đỉnh trán kích thước 7 x 0,2cm, sẹo lành, không dấu lún sọ; Sẹo vết thương vùng đỉnh trán phải kích thước 8 x 0,3cm, sẹo lành, không dấu lún sọ; Sẹo vết thương vùng đỉnh trán trái kích thước 5,5 x 0,2cm, sẹo lành, không dấu lún sọ, không dấu thần kinh khu trú: Sẹo vết thương má trái kích thước 1,8 x 0,2 cm, sẹo lành, hơi lõm, xơ cứng, màu nâu hồng. Tỷ lệ thương tích 3 vết thương vùng đầu là 9%, vết thương má 11%.
Cùng tình tiết như trên, trong kết luận điều tra và cáo trạng lần 1 vào năm 2018, cơ quan tố tụng cáo buộc ông Phong dùng hung khí nguy hiểm là cây tràm gây ra thương tích cho ông Tuân là 9%, tức chỉ quy buộc 3 vết thương đầu. Còn vết thương vùng mặt chưa xác định được người gây ra nên tách án điều tra.
Ngày 19/7/2018, TAND huyện Tân Thạnh xét xử sơ thẩm lần 1, tuyên buộc ông Phong 9 tháng tù treo. Ông Tuân kháng cáo, yêu cầu cấp phúc thẩm không cho bị cáo hưởng án treo; đề nghị giám định lại thương tích trên đầu, đuôi mắt trái và trên má trái mình.
Ngày 12/11/2018, TAND tỉnh Long An tuyên hủy án, trả hồ sơ điều tra. Kết luận điều tra lại và cáo trạng lại đều nêu tình tiết giống lần 1, tuy nhiên, ở đoạn kết luận, cả hai cơ quan đều cho rằng chính ông Phong là người gây ra thương tích với 4 vết thương và thương tích tổng cộng là 19% (phương pháp cộng lùi).
CQĐT bị tố điều tra chưa công bằng
Theo một luật sư, hồ sơ vụ án cho thấy đây là vụ hỗn chiến giữa nhóm đòi nợ thuê của ông Tuân và nhóm của ông Phong với sự tham gia của nhiều người. Do đó cần làm rõ những ai đã đánh nhau với ông Tuân.
Vấn đề quan trọng nhất là thương tích trên người ông Tuân, là cơ sở kết tội, định khung hình phạt với ông Phong. Các cơ quan tố tụng đều cho rằng ông Phong đánh ông Tuân 2 cái, nhưng tại sao lại gây ra đến 4 vết thương ở 4 vị trí khác nhau?
Tại nội dung yêu cầu giám định, CQĐT lại không yêu cầu cơ quan pháp y thực hiện kết luận “cơ chế hình thành vết thương”. Kết luận giám định không nêu được các vết thương trên người ông Tuân do vật gì gây ra. “Cả 4 vết thương đều để lại sẹo, đồng nghĩa với việc các thương tích đều có vết rách. CQĐT phải làm rõ vết rách đó là do vật gì gây ra. Vì cây tràm là vật tày, khó gây vết rách, để lại sẹo. Vết thương rách do vật tày gây ra khác so với vết thương rách do vật sắc gây ra”, luật sư bào chữa cho ông Phong nêu ý kiến.
“Nếu không làm rõ được các thương tích trên người ông Tuân do vật gì gây ra, cơ chế hình thành ra sao, tại sao đánh 2 cái lại gây ra 4 vết thương, thì không thể quy kết tội ông Phong được?”, vị luật sư nói.
Trong vụ án, ông Phong được tại ngoại. Tuy nhiên, vào tháng 5/2019, cho rằng ông Phong “bỏ trốn, đi khỏi nơi cư trú” nên cơ quan tố tụng huyện Tân Thạnh ra lệnh tạm giam. Bà Thủy nói: “Chồng tôi không bỏ trốn. Do chúng tôi có vườn thanh long ở Tiền Giang nên ảnh thường hay chạy đi chạy về. Mọi lần bị triệu tập, ảnh đều có mặt, không vắng lần nào. Lỗi của chúng tôi là không xin phép khi đi khỏi nơi cư trú chứ không phải bỏ trốn”.
Trong vụ hỗn chiến, phía bị cáo Phong cũng rất bức xúc. Vì không chỉ có ông Tuân bị thương, ông Phong cũng bị thương tích 21%. Ông Phong tố cáo Huỳnh Sơn Thái (SN 1984, ngụ TP HCM, nhân viên đòi nợ thuê) là người đánh gây ra thương tích.
Sau đó, CQĐT huyện Tân Thạnh đã khởi tố vụ án “cố ý gây thương tích” mà Phong là bị hại nhưng cho rằng không đủ cơ sở để chứng minh Thái là người gây ra thương tích. Do đó, CQĐT đã tạm đình chỉ vụ án, “khi có lý do sẽ phục hồi điều tra theo quy định”.
Theo bà Thủy, việc làm của CQĐT là chưa công bằng với chồng mình. Trong vụ xô xát giữa nhiều người, tất cả thương tích trên người ông Tuân đều quy kết cho chồng bà; chưa kể điều vô lý là đánh 2 cái nhưng gây ra 4 vết thương ở 4 điểm khác nhau. Nhưng ngược lại, chồng bà bị thương tích thì CQĐT lại “bó tay” không biết ai gây ra.