Như một cái cây non bị bứng khỏi vùng đất quen thuộc, cứ héo rũ ra, không cần biết mảnh đất mới dưới chân mình cỗi cằn hay màu mỡ, tôi - những ngày đầu về quê cũng vậy. Dù sao tôi cũng là học trò trường huyện, xóc xách đôi ba chữ nghĩa và không ít mộng mơ. Thuở ấy tôi đã có dép tông Lào, quần lụa, áo hoa, mũ vải, nên các bạn ở quê mới “kênh” tôi lắm. Tôi đi đâu cũng bị chỉ trỏ bàn tán và dưới con mắt của bạn bè tôi như là kẻ “ăn chơi hư hỏng”.
Tôi học văn khá tốt, lại đúng thời sách báo khan hiếm vô cùng, thành ra những bài băn tôi viết thường “được” hay “bị” (tôi cũng không biết nữa) cô giáo đọc làm văn mẫu, thậm chí còn bắt cả lớp chép để làm tài liệu ôn thi lớp 9. Dại dột hơn, trong những buổi lao động cộng sản vét mương hay cuốc cỏ, cô giáo Trí thường miễn cho tôi. Trong khi các bạn bê bết bùn đất, nhễ nhãi mồ hôi thì tôi tay không lấm một cọng cỏ ngồi nhổ tóc sâu cho cô. Vậy là mặc nhiên tôi bị cả cộng đồng lớp học cô lập. Con bé ngơ ngác là tôi không hiểu sao mình lại bị ghét như vậy. Thành ra tôi càng nhớ quê cũ.
Cứ mỗi chiều khi con ễnh ương kêu ênh oang gọi bạn, tôi lại giấu mẹ ra đầu hồi nhà nhìn về quê cũ khóc thầm vì nhớ Ngoại. Tôi nhớ những bạn bè cũ của tôi : Nhớ Thủy Lạc, Hiền A, Luyến Đen, bạn Hằng, bạn Tuấn .... những bạn bè trường huyện hiểu và yêu tôi. Tôi nhớ những nắm cơm trưa chỉ muối vừng, muối lạc, thậm chí là muối trắng lá chanh mà chúng tôi san sẻ cùng nhau.
Tôi nhớ ngày tiễn tôi về quê mới, các bạn đã đạp xe tiễn tôi ra tận đò Thắm, con đò nối giữa hai huyện Hậu Lộc và Nga Sơn, đứa nào cũng khóc. Ngoại tôi dặn : “Con thu xếp đi thẳng từ trường về bên ấy, đừng ghé qua nhà nhé. Mày về rồi đi, ông không chịu nổi”.
Tôi đi, một nửa trái tim để lại quê cũ, nửa còn lại hụt hững ở vùng quê mới. Những chiều buồn ấy lặn sâu trong tâm khảm non nớt của tôi. Cho đến bây giờ, khi tóc trên đầu đã sợi đen sợi bạc, cứ mỗi lần nghe tiếng ễnh oang gieo vào chiều, tôi vẫn nghẹn ngào thương về những người xưa cũ.
Những dè bỉu trẻ con ấy làm tôi chán nản đến mức bỏ học. Mấy hôm sau, cô giáo chủ nhiệm mới biết nguyên nhân. Không hiểu buổi sinh hoạt lớp hôm ấy cô đã nói gì, chỉ biết lũ con trai “ăn sóng nói gió” “dám làm dám chịu” tóc cứng, da đen lớp tôi lóc nhóc đến nhà, vác theo mấy quả dừa hái trộm bố mẹ từ vườn và một câu xin lỗi được viết lên vỏ trái dừa xanh. Sau hôm ấy, tôi mới đích thực là một đứa con gái làng biển.
Những ngày hè, tôi cùng bạn bè, những cô gái chớm trăng non ngực nhú đi bắt dắt, bắt ngao khi triều cạn. Những cái lỗ dắt, lỗ don trên nền cát nâu mượt, mát rượi nhỏ như một nét vạch trên khung nhạc, nứt một đường mảnh trên cát nâu, chỉ cần cho tay xuống dưới sẽ là một con don, con dắt trắng tinh nằm ẩn mình.
Canh dắt miền Hậu Lộc ngon nhất nước. Sau này tôi cũng đi nhiều, con ngao, con hầu nơi nào cũng có, nhưng những cửa biển có con dắt như quê tôi thì rất ít. Vả lại nếu có thì cũng không phải là thứ dắt quê mình. Có lẽ do độ mặn của nước biển, hay do cái “cục bộ” thâm căn cố đế giấu thật sâu trong lòng mà tôi thấy canh dắt quê mình không ở đâu sánh kịp. Khi mẹ luộc lên, màu nước dắt trắng ngà, vị ngọt rất đậm. Phần ruột dắt cứ theo bàn tay mẹ đánh cho bong ra khỏi rổ xoay tròn trong cái rổ tre trên chậu.
Sau một hồi đãi vỏ, bát ruột dắt trắng ngần sẽ được xào với dưa chuột kẹp bánh đa, rau thơm. Sau này sang chảnh mới là thế. Còn thời ấy, trong cơn đói quay quắt ngày bao cấp, nước và ruột dắt được mẹ bỏ thêm nắm gạo vào bắc lên bếp. Chỉ một lúc sau nồi cháo dắt đã lục bục sôi, mùi thơm lan ra khắp ngôi nhà mẹ.
Biển thảo thơm vô tận. Biển đã coi tôi là con thì tự khắc biển sẽ tặng quà. Là những sáng tinh sương ngắm mặt trời đỏ ối, to đùng lên lừ lừ từ phía biển. Gió ngoài khơi lồng lộng, tôi cùng lũ bạn nhảy chân trần ra bắt sứa. Những con sứa to như cái nong, mà hồi ấy sao nhiều vô kể, bị sóng đánh dạt lên bờ cát, trong veo như một khối thạch. Các bạn “lành nghề” mách tôi phải lấy gậy tre vụt vào con sứa ấy cho nó tiết hết chất động gây ngứa ra rồi mới cắt lấy vành ngoài đem về muối với lá lấu thành món sứa giòn sần sật ăn với lạc rang, mắm tôm, bánh đa và các loại rau trái tốt tươi mọc quanh bờ giếng thơi.
Bây giờ, món sứa biển trở thành “vàng trắng”, có mặt ở nhà hàng khách sạn chứ với người dân biển quê tôi thời ấy chỉ là món “ăn vặt”, là thứ “lộc” vứt đầy bờ biển không ai nhặt. Biển cho người lớn cá tôm nặng lưới đầy khoang, còn cho lũ con nít không tấc sắt trong tay chúng tôi là ngao sò và những con còng cọng. Không cần bất kì loài ngư cụ nào, chỉ cần một chút kinh nghiệm từ đứa nọ truyền đứa kia, con bé đồng chiêm như tôi cũng chỉ mất vài ba buổi học lỏm là đã tự bắt don và hầu về nấu canh lá vông vang.
Với những đồng lương ít ỏi của bố mẹ tôi, hai nhà giáo nghèo lại đông con thì những bữa cơm có thêm con cá, con cua, nồi canh dắt mà chị em tôi tự bắt cũng đỡ đi gánh nặng cho cha mẹ một phần. Tôi quá nhỏ để hiểu nỗi lo toan của mẹ, chỉ là thích mê trước cái phóng khoáng của biển, của gió, trước cái thảo thơm của người dân chài lưới.
Thấy chúng tôi đi “mót cá”, kiểu gì họ cũng cho chúng tôi một ít cá vụn. Đôi khi chúng tôi kéo những chiếc lưới te đã vào gần bờ cùng với họ. Gọi là kéo cho oai thôi, sức vóc họ trò của chúng tôi đáng gì! Cũng không có tư tưởng “trây máu ăn phần” đơn giản vì tôi thích cái cảm giác được xem những chú cá lao xao dưới đáy te, những con cá lóng lánh dát bạc nằm vật vã bất lực trên cát nâu nên cũng hò dô hò dịch theo các ông các bác.
Tôi thích cái mùi biển tanh tanh, mằn mặn từ những cuồn cuộn vồng ngực, cánh tay của những người đàn ông “chắn sóng”. Và sau mỗi mẻ lưới dù nặng tay hay thất bát, họ đều có phần cho chúng tôi. Những con cá nhỏ mà tươi roi rói. Chúng tôi thường đào một cái hố cát ngay trên biển, nó sẽ ứa ra những vũng nước và nhốt cá tôm của mình vào đó, chơi cho chán rồi mới về nhà.
Lá phi lao ngay trên bờ, một cái vơ tay nhóm lửa là chúng tôi có thể nướng ngao, nướng cá. Mùi cá nướng trên than hoa thơm ngọt ngào trong gió. Nó đậm trong tôi đến mức như một thứ tín hiệu để sau này chỉ cần loang trong gió mùi thơm ấy, thì dù đang trên xe ô tô hay tàu hỏa, tôi vẫn nhận ra là có một làng ven biển ở đâu đó rất gần.
Biển ân tình, biển nuôi tôi lớn nhưng biển cũng phẫn nộ và để lại rất nhiều bi thương. Làng chài của tôi bỗng xác xơ, ứa nghẹn vì một cơn cuồng nộ đến từ phía biển. Tháng 6 năm 1996, một cơn áp thấp bỗng biến thành bão giữa biển Đông. Những con thuyền của làng không về kịp hòn Nẹ, cầu De tránh bão. Làng tôi năm ấy có gần 300 người chết.
Những bó hương cháy trong tay những người đàn bà khắp cửa biển, cửa sông nhiều ngày, nhiều tháng. Những người đàn bà biển không ngừng hi vọng và không ngừng chờ đợi. Cho đến ngày rước những người đàn ông từ biển trở về. Sau khi tuyệt vọng vì sóng nước những người đàn ông trên những chiếc thuyền mỏng manh trước gió, trước gầm gào vũ trụ đã buộc tay nhau lại bằng những sợi dây thừng, bằng những mảnh lưới chính vợ con họ đã đan. Như vậy họ sẽ được tìm thấy cùng nhau.
Làng chài của tôi ngày ấy có một ngày giỗ chung của gần 300 nhà. Bạn tôi cũng có vài người bỏ dở học hành sau trận bão. Đi trong hoang mang làng biển, tôi lại nhớ câu thơ của Tố Hữu viết về làng tôi:
“Sống trong cát, chết vùi trong cát.
Những trái tim như ngọc sáng ngời.”
(Mẹ Tơm – Tố Hữu)
Sau đợt ấy, làng tôi như một cơ thể kiệt quệ. Tàu thuyền, ngư cụ, vốn liếng giờ đã vùi theo con sóng, trẻ trai phần lớn gửi thân nơi lòng biển. Những người đàn ông không thuyền không lưới còn biết làm gì. Chếch ngõ nhà tôi, chú Bình vừa dồn hết vốn liếng đóng con tàu mới dự định sau mỗi lần bám biển sẽ trả nợ dần, mỗi chiều dáng chú liêu xiêu khật khưỡng đi trên đường làng. Và khi say, chú lại trút hết giận dữ lên người đàn bà biển của mình. Chỉ đến khi ông bà giáo là bố mẹ tôi, và cũng chỉ duy nhất có họ là có thể can ngăn thì chú mới ôm chai rượu mà khóc như đứa nhỏ. Chú bình và những người dân quê tôi dần cũng bước trên nỗi đau ấy mà làm lại.
Tôi cũng xa làng chài về phố, vẫn rưng rưng khi nghe trong gió mùi than hoa nướng cá trích lầm. Ngày đưa mẹ ra bệnh viện Việt Đức vì bạo bệnh, mẹ chỉ thèm một bát canh cá te – loại cá nhỏ đánh bắt gần bờ nấu lá vông vang. Thương mẹ, tôi nhờ người anh đánh xe tìm khắp Hà Nội mà không có. Hà Nội phồn hoa, sao không chứa được ước mơ nhỏ nhoi của mẹ? Bây giờ mỗi lần vào bếp nấu bát canh chua, tôi vẫn vừa đun bếp vừa khóc vụng, vì nhớ làng, nhớ mẹ. Làng biển chứa đời thanh nữ của tôi, chứa ánh mắt gửi trao đầu đời của tôi mà đến bây giờ vẫn không kịp ngỏ. Nghe một tiếng sóng từ nơi xa vọng lại, tôi ngỡ như nghe tiếng mẹ hôm nào: “nghỉ tí đi con, tí hai mẹ con đi chợ biển, mẹ nấu canh cá cho mà ăn”.
Những ngày đầu tiên của năm mới 2020, cả nước biết đến làng biển quê tôi qua những thước phim rất đẹp trong bộ phim “Mùa xuân ở lại”. Những con thuyền vượt sóng ra khơi đều là thuyền máy mã lực cao, như một chàng trai trẻ căng lồng ngực ra khơi bám biển và giữ đất. Nhà máy đông lạnh, cảng cá Hòa Lộc tấp nập tàu thuyền. Những con cá con tôm từ vùng biển mặn mòi quê tôi đã theo bước chân người quê mà đi khắp mọi miền Tổ quốc.
Và dù ở đâu, biển vẫn bao dung dang tay đón bạn trở về!