Hai năm điều tra với hàng tập hồ sơ dữ liệu, bài báo đầu tiên gồm 5.400 chữ “Bí mật nước Mỹ” trong loạt ba bài được tờ Washington Post đăng tải từ ngày 19/7 khiến dư luận Mỹ “ngỡ ngàng” trong khi cộng đồng tình báo nước này “đau đầu”.
Theo điều tra, 9 năm sau vụ khủng bố 11/9, Mỹ xây dựng một hệ thống tình báo “quá lớn, quá phức tạp và quá bí mật” đến mức không ai có thể biết được guồng máy khổng lồ này tiêu tốn bao nhiêu tiền, có bao nhiêu nhân viên và tổ chức tham gia. Mức độ phát triển của tình báo Mỹ “không thể kiểm soát được” trong khi kết quả “không đáp ứng mong đợi”.
Vén màn bí mật về hệ thống tình báo Mỹ. |
Lập tức bác bỏ thông tin trên khi cho rằng, “không phản ánh về cộng đồng tình báo mà chúng tôi biết”, quyền Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ David C. Gompert khẳng định tình báo Mỹ luôn hướng tới tính hiệu quả và việc chồng chéo chỉ là do cách bố trí sắp xếp.
“Thế giới tình báo tuyệt mật” của Mỹ hiện bao gồm khoảng 1.271 cơ quan Chính phủ, 1.931 công ty tư nhân tham gia vào các chương trình chống khủng bố, đảm bảo an ninh nội địa cũng như tìm kiếm thông tin tình báo đặt tại 10.000 địa điểm khắp nước Mỹ với số lượng nhân viên ước tính 854.000 người.
Ngay tại Thủ đô Washington và các khu vực phụ cận, 33 tòa nhà và đang được xây dựng dành cho hoạt động tình báo bí mật với diện tích sử dụng lớn gấp ba lần Lầu Năm Góc hay tương đương 22 tòa nhà Quốc hội Mỹ. Chỉ riêng hoạt động phát hiện và theo dõi các nguồn tiền liên quan đến các mạng lưới khủng bố, Mỹ huy động tới 51 tổ chức liên bang và trung tâm quân sự tại 15 thành phố.
Theo Washington Post, sự bùng nổ không kiểm soát nổi về số lượng đang dẫn tới cạnh tranh gay gắt ngay giữa các cơ quan tình báo và thực trạng trên không chỉ cản trở việc chia sẻ thông tin mà còn tạo ra cuộc tranh giành quyền lực quyết liệt. Thông tin được tiết lộ trên được xem là thách thức đầu tiên đối với ứng cử viên Giám đốc Tình báo quốc gia James Clapper Jr. trong phiên điều trần tại Quốc hội hôm 20/7.
Theo Hà Anh
Đất Việt