Những kế hoạch bất thành trước khi đổi kinh đô
Kể từ đó, Lê Quý Ly càng can thiệp sâu vào chính sự, tự ý phân bổ, phong quan ban chức. Sự bất bình trong hàng ngũ tôn thất nhà Trần và quan lại trong triều vẫn ngấm ngầm, sôi sục nhưng chưa có cơ hội bộc lộ bằng hành động cụ thể.
Trong không khí ngột ngạt, căng thẳng lúc đó, không chịu ngồi không để cái chết tìm đến, một hoàng thân là Trần Nhật Chương đã mưu đồ hành động. Vụ việc này không được sử sách ghi chép tường tận về kế hoạch, thành phần tham gia, diễn biến ra sao, chỉ biết rằng nó sớm bị tan vỡ và người chủ xướng phải nhận kết cục bi thảm.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết vào đầu năm Nhân Thân (1392): “Mùa xuân, tháng 2, giết người tôn thất là Trần Nhật Chương. Nhật Chương mưu giết Quý Ly, Thượng hoàng cho là có lòng khác, bèn giết đi”. Trong sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng viết: “Tháng 2, mùa xuân. Giết tôn thất Trần Nhật Chương. Nhật Chương lập mưu giết Quý Ly, Thượng hoàng cho là người mang lòng phản bội, nên giết đi”.
Vậy là một lần nữa, Thượng hoàng Nghệ Tông lại giúp Quý Ly xử lý những người muốn trừ khử ông. Đến tháng 12 năm Giáp Tuất (1394) Thượng hoàng mất, thọ 73 tuổi. Từ đây, Quý Ly trên không phải kiêng dè ai, dưới thẳng tay trấn áp kẻ chống đối; chỉ hơn 2 tháng sau khi Nghệ Tông qua đời, nạn nhân mới của Quý Ly là một số hoàng thân nhà Trần.
Những người trong hoàng thất có toan tính xử lý viên ngoại thích lộng quyền kia thận trọng hơn, nhưng tai mắt của Quý Ly vẫn thu thập được những thông tin cần thiết và một lần nữa con cháu họ Trần lại mang họa: “Ất Hợi, [Quang Thái] năm thứ 8 [1395]… Mùa xuân, tháng 2, Quý Ly mưu giết hết tôn thất là Phủ quân ty Nguyên Uyên, Cung Chính vương là Sư Hiền và con thứ của ông là Nguyên Dận vì khi để tang Nghệ Hoàng thường bàn đến việc Nhật Chương, lại giết cả người học trò là Nguyễn Phù. Thế rồi Sư Hiền giả điếc được tha chết; bọn Nguyên Uyên bị tước sổ họ cũ, đổi là họ Mai” (Đại Việt sử ký tiền biên).
Ngọn nguồn vụ thảm án lớn cuối triều Trần
Thời gian Trần Thuận Tông ở ngôi thì lúc này Quý Ly đã gần như nắm trọn quyền hành trong triều. Trong kế hoạch từng bước cướp ngôi của nhà Trần, mùa xuân, tháng giêng năm Đinh Sửu (1397) Lê Quý Ly sai Lại bộ thượng thư kiêm Thái sư lệnh Đỗ Tỉnh “đi xem đất và đo đạc động An Tôn, phủ Thanh Hóa, đắp thành đào hào, lập nhà tông miếu, dựng đàn xã tắc, mở đường phố, có ý muốn dời kinh đô đến đó, tháng 3 thì công việc hoàn tất. Trước đó, triều đình bàn bạc chưa xong, hành khiển Phạm Cự Luận khuyên nên thôi. Quý Ly nói: "Ý ta đã định từ trước rồi, ngươi còn nói gì nữa!". Đến đây thì thực hiện” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Nhiều quan lại cũng chống đối dời đô nhưng trước những phản ứng đó, Trần Thuận Tông không có quyết sách gì để mặc cho Quý Ly định đoạt, thế rồi đến “mùa đông, tháng 11, Quý Ly ép vua dời kinh đô đến phủ Thanh Hóa” (Đại Việt sử ký toàn thư). Khi ngự giá đi “đến đất Đại Lại, hai người cung nhân là Trần Ngọc Cơ, Trần Ngọc Kiểm mật nói với vua rằng: Thiên đô tất có sự cướp ngôi, cướp nước. Quý Ly nghe biết, giết hai cung nhân ấy đi” (Việt sử tiêu án).
Tháng 3 năm Mậu Dần (1398), Lê Quý Ly ép vua Trần Thuận Tông nhường ngôi cho con là Thái tử Trần Án mới hơn 2 tuổi, rồi lại ép vua đi tu theo đạo Lão. Thái tử lên ngôi ngày 15 tháng 3 nhưng còn quá nhỏ nên sử sách sau này thường gọi là Trần Thiếu Đế. Mẹ đẻ của Trần Thiếu Đế là Hoàng Thái hậu Hồ Thánh Ngẫu (con gái Hồ Qúy Ly).
Từ đó toàn bộ chuyện quốc gia đại sự đều do Lê Quý Ly quyết, ông tự xưng là Khâm Đức Hưng Liệt đại vương nhưng trên các văn bản ban lệnh thì đề là Trung thư thượng thư sảnh phụng nhiếp chính cai giáo hoàng đế thánh chỉ.
Bất bình trước những hành động chuyên quyền đó, tháng 4 cùng năm nhiều hoàng thân, quốc thích, đại thần trung thành với nhà Trần tìm cách diệt trừ Qúy Ly tại hội thề ở Đốn Sơn (nay thuộc xã Cao Mật, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) dẫn đến một vụ án thảm án lớn cuối triều Trần; sách Đại Việt sử ký toàn thư viết tóm lược như sau: “Bọn Thái bảo Trần Hãng, Thượng tướng quân Trần Khát Chân mưu giết Quý Ly không thành, bị giết”.
Bàn bạc tìm cách trừ quyền thần (Hình minh họa) |
Sách Đại Nam quốc sử diễn ca có đoạn viết rằng:
Qúy Ly gắm ghé vạc Trần,
Quyết dời Kẻ Chợ về gần An Tôn.
Đã xui quyền vị cho con,
Ngọc Thanh lại kết oan hồn một giây.
Gặp khi Thiếu Đế thơ ngây,
Khát Chân, Trần Hãng đêm ngày hợp mưu.
Hội minh vừa mới lên lầu,
Ba trăm đồ đảng cùng nhau hiệp tình.
Dùng dằng chưa kịp cất binh,
Hở cơ một phút tan tành như tro.
Diễn biến và kết cục của vụ mưu sát
Chính sử chép rằng: “Hôm ấy, Quý Ly họp thề ở Đốn Sơn. Bọn Khát Chân đã có ý giết Quý Ly. Quý Ly ngồi trên lầu nhà Khát Chân để xem, y như lệ thiên tử ngự đến miếu đến chùa. Cháu Khả Vĩnh là Phạm Tổ Thu và thích khách là Phạm Ngưu Tất cầm gươm định lên, Khát Chân trừng mắt ngăn lại, nên việc không xong. Quý Ly chột dạ đứng dậy, vệ sĩ hộ vệ xuống lầu. Ngưu Tất vứt gươm xuống đất nói: “- Chết uổng cả lũ thôi!”
Sự việc bị phát giác, bọn tôn thất Hãng, Trụ quốc Nhật Đôn, tướng quân Trần Khát Chân, Phạm Khả Vĩnh, hành khiển Hà Đức Lân, Lương Nguyên Bửu, Phạm Ông Thiện, Phạm Ngưu Tất và các liêu thuộc, thân thích gồm hơn 370 người đều bị giết cả, tịch thu gia sản, con gái bắt làm nô tỳ, con trai từ 1 tuổi trở lên bị chôn sống, hoặc bị dìm nước” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Vụ việc chấn động này cũng được sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi lại: “Bọn Thái bảo Trần Nguyên Hàng và thượng tướng quân Trần Khát Chân bàn định đến ngày hội họp tuyên thệ sẽ giết Quý Ly. Đến ngày ấy, hội thề ở Đốn Sơn, Quý Ly lên trên lầu nhà Khát Chân để xem, nghi vệ y như thiên tử đi tuần du. Lúc ấy Phạm Tổ Thu và thích khách là Phạm Ngưu Tất cầm vững tay kiếm muốn xông lên, Khát Chân trừng mắt nhìn, hai người bèn không quả quyết tiến lên nữa. Quý Ly thấy chột dạ, liền đứng dậy, vệ sĩ hộ vệ để xuống. Ngưu Tất quăng thanh kiếm xuống đất, nói: "Cả lũ chỉ chết uổng mất thôi!".
Việc ấy bị tiết lộ, Thái bảo Nguyên Hàng, trụ quốc Nhật Đôn, tướng quân Trần Khát Chân, Phạm Khả Vĩnh, thượng thư Hà Đức Lân, Hành khiển Lương Nguyên Bưu và bọn Phạm Ông Thiện, Phạm Tổ Thu, Phạm Ngưu Tất cùng người thân thích liêu thuộc hơn 370 người đều bị hại, gia sản bị tịch thu. Những người liên can bị bắt, hết năm này sang năm khác chưa xong. Ở ngoài đường sá, người ta chỉ lấy mắt nhìn nhau, dầu hai người cũng không dám nói chuyện. Lễ hội thề từ đây bãi bỏ”.
Sách Thanh Hóa tỉnh Vĩnh Lộc huyện chí viết vào thời Nguyễn cho biết về nơi xảy ra vụ mưu sát bất thành này như sau: “Núi Đốn Sơn (Đún Sơn): Núi ở địa phận xã Cao Mật, núi từ các núi An Tôn kéo qua Thọ Đồn, Phú Sơn mà đến. Khởi vọt lên hai ngọn, tự hình như chiếc kiếm, một ngọn tựa hình cây cung. Tích xưa, dưới triều Trần, tướng quân Trần Khát Chân âm mưu giết Hồ Qúy Ly nhưng không thành, sau đó phải chết ở đấy”.
Hai người chủ mưu trong sự việc này là Thái bảo Trần Nguyên Hãng (có sách chép là Nguyên Hàng) và Thượng tướng quân Trần Khát Chân nhưng các nhà sử học đời sau thì cho rằng, nguyên nhân thất bại dẫn đến kết cục bi thảm ấy là do sự thiếu quyết đoán của Trần Khát Chân.
Sử thần Ngô Sĩ Liên viết: “Quý Ly đến đây tội ác đã chất đầy rồi. Trần Hãng đã đi lại, hẹn ước với các tướng văn tướng võ từ trước, nếu biết thừa cơ quyết đoán, vạch tội giết vua của Quý Ly, hiệp sức với Khả Vĩnh mà giết nó đi, thì danh chính ngôn thuận, mà việc cũng xong rồi. Đáng tiếc lại do dự, sợ sệt, đến nỗi chuốc lấy bại vong” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Trong sách Đại Việt sử ký tiền biên, sử thần Ngô Thì Sĩ cũng chê trách như sau: “Dùng cái mưu một người đánh lén để cầu may, sự cơ ở trong chốc lát mà còn trù trừ để chuốc lấy cái chết. Nhân tài cuối thời Trần suy thoái đại loại là như thế. Khát Chân phải chịu trách nhiệm chính, rồi đến Trần Hãng”…