Dẫu đã sống trên mảnh đất Đà Nẵng này khá lâu, nhưng với tôi, làng Vân vẫn còn là một nơi đầy sức mời gọi. Tính tò mò, thích khám phá đã dẫn tôi về với làng quê “độc nhất vô nhị” này.
Làng Vân nhìn từ đèo Hải Vân |
Chiều cuối cùng của tháng 7, chúng tôi quyết định “đột nhập” làng Vân (Hòa Vân) khi bóng chiều đã sóng soài trên đỉnh Hải Vân. Băng qua chặng đường núi suốt hơn nửa tiếng đồng hồ, từ lưng chừng con đường đèo chúng tôi đổ thẳng xuống bãi biển làng Vân khi vượt qua con đường sắt xuyên Việt, bãi biển hoang sơ như chưa hề in dấu chân người. Dọc theo bờ biển dài áng chừng hơn nghìn mét, những đứa trẻ nô đùa trên bãi cạn.
Gọi là ngôi làng “độc nhất vô nhị” cũng chẳng có gì là quá đáng bởi ở cái sự đặc biệt của ngôi làng này. Nguyên sơ của nó là làng của tập thể gần 70 bệnh nhân phong được đưa ra đây sống từ năm 1968 để tránh sự “nhìn ngó” của người đời khi mà quan niệm về căn bệnh này còn hà khắc. Kể từ đó, những con người cùng cảnh ngộ từ muôn phương cùng nhau về sống nơi đây, rồi họ gắn bó với nhau, nhiều người đã nên vợ nên chồng và cuộc sống cứ thế tiếp diễn để dần dần nơi đây trở thành ngôi làng như bao ngôi làng khác trên đất nước này.
Cái độc nhất nữa là để vào làng bằng đường bộ chỉ có một cách duy nhất là băng núi, vượt qua con đường ray xe lửa để xuống làng. Hoặc vượt biển bằng thuyền thúng của ngư dân trong làng vào ra để đi chợ mà đến làng. Tựa mình vào chân đèo Hải Vân, gần đấy, mà cũng xa vời vợi, từ trên con đường đèo nhìn xuống, ngôi làng như một bán đảo nằm tách hẳn với cuộc sống bên ngoài.
Cho đến nay làng đã thực sự là làng, cả làng có 121 hộ với 325 nhân khẩu. Những người đầu tiên ra làng từ năm 1968 đến nay chỉ còn khoảng vài chục người. Cuộc sống của người dân trong làng chủ yếu là đánh bắt cá, bên cạnh có trồng ít lúa ven chân núi, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhưng biển rồi cũng cạn cá, thế là những con người vốn chẳng được nguyên lành phải vươn khơi để tìm nguồn sống, cái bình yên của làng vốn đã là “đặc sản” thì nay càng im ắng hơn do thường xuyên vắng người. Ông Trần Hữu Đức, Trưởng thôn Hòa Vân tâm sự, cuộc sống bà con nơi đây quanh năm ngoài những người được hưởng chế độ trợ cấp xã hội của Nhà nước, còn lại thì vẫn phải trông chờ vào con tôm, con cá đánh bắt từ biển thôi. Nhưng cuộc sống ở đây yên bình và thanh thản, người dân trong làng gần gũi, đoàn kết, tắt lửa tối đèn có nhau.
Người lớn ra khơi, còn trẻ nhỏ và phụ nữ vẫn chài lưới. |
Cứ tưởng ngôi làng này suốt kiếp nằm yên bình dưới núi, bên biển. Ấy vậy mà thời gian qua, có một đội tàu đã xâm nhập vào bờ biển của làng để khai thác cát, đe dọa đến sự bình yên của làng. Hôm chúng tôi ra làng, việc hút cát đã được dừng lại, tuy nhiên người dân làng Vân vẫn không an lòng vì còn mối lo “sa tặc” quay lại hoạt động. “Mấy lần bọn chúng (chỉ những tàu hút cát sát làng Vân-PV) đã bị lực lượng Đồn Biên phòng 244 truy đuổi và bắt giữ, xử phạt nhưng rồi chúng vẫn quay lại, thậm chí còn hung tợn hơn.
Cho đến ngày 27-7 mới dừng hẳn, tuy nhiên việc chúng có quay lại hút nữa hay không thì không biết”, ông Trưởng thôn cho hay. Việc hút cát của các tàu này trước hết đe dọa đến sự “bình yên” của khu nghĩa địa làng. Sau đó là tiếng máy nổ khuấy động sự yên ắng bấy lâu của làng, rồi đe dọa đến môi trường và các công trình quốc phòng trên các nhánh núi Hải Vân. Ông Đức cũng cho biết thêm, nếu như các tàu hút cát tiếp tục ra hoạt động, đe dọa đến làng thì ngoài việc cấp báo cho chính quyền, chúng tôi sẽ huy động dân làng ra ngăn chặn.
Rời khỏi ngôi làng đặc biệt này, đứng từ núi nhìn xuống, tôi không khỏi khắc khoải về một làng quê yên bình ấy. Khi chân đã chạm vào lề con đường đèo, tiếng chuông điện thoại réo lên, mở máy là số của ông Trưởng thôn gọi để biết rằng chúng tôi đã lên núi an toàn chưa. Một sự xúc động dâng trào, làm sống mũi tôi cay cay. Vì lâu lắm rồi, ngoài người thân của mình, dường như tôi chưa được ai “lạ lẫm” quan tâm đến thế, để thấy rằng, cái tình người nơi đây sao lớn thế.
Bài và ảnh: Trọng Huy