Nghệ An có một ngôi làng đặc bịêt, làng làm thơ nghịch lỗ tai. Họ thực sự không hổ danh là hậu duệ của bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Đó là làng Quỳnh Đôi xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu.
Nghịch nhĩ mà không thô
Làng Quỳnh Đôi thanh bình, nằm bên cạnh con sông yên ả trong văn vắt, cảm giác chưa bị thời kinh tế thị trường xâm thực. Làng nổi tiếng là quê hương của họ Hồ, với nghề dệt vải.
Những đứa trẻ làng Quỳnh Đôi |
Có thể nói, Quỳnh Đôi là ngôi làng đặc biệt mà những ngôi làng xung quanh rất “phục” vì có nhiều tài lẻ. Xưa kia, làng được gọi là làng tiến sĩ, ngày nay đựơc gọi là làng dạy học.
Trình độ dân trí cao, người dân am hiểu nhiều môn nghệ thuật khác nhau trong đó có dân ca cổ, chèo cổ, lại thích thả hồn mình trong những vần thơ, trong đó, nổi lên là những vần thơ nghịch tai, rất độc đáo.
Ngay từ khi chuẩn bị bước vào làng, chúng tôi dừng xe lại ngắm cánh đồng, lũ trẻ biết chúng tôi là những người từ nơi khác đến với dáng vẻ “ngơ ngác” rất... nhà thơ, chúng liền ngân nga đọc:
Í ơi, í a
Ngày tám tháng ba
Ở nhà tiếp khách
Làng quê áo rách
Kiếm gà đâu ra
Này khách đường xa
Hiểu cho một tí
Chớ đừng bắt bí
Mâm mới cỗ cao...
Ông Nguyễn Bá Du, là một trong những “cây” thơ xuất sắc làng Quỳnh. Khi biết chúng tôi là những người làm thơ trẻ, muốn về tìm hiểu lai lịch một dòng thơ nghịch và muốn “lĩnh giáo” thơ nghịch, ngay tức khắc ông sai cháu đi triệu tập một số “cây” thơ khác đến để tiếp chúng tôi.
Theo các cụ già thì thơ nghịch làng Quỳnh đã có từ lâu lắm, không ai biết đích xác, chỉ biết khi sinh ra “thì đã có rồi”. Đã có thời người ta nói thơ nghịch của làng có chất trào lộng chẳng khác chi thơ trào phung Tú Mỡ.
Các cụ già, nhiều người cả đời chưa bao giờ cầm đến cây bút, cũng chẳng biết lấy một chữ bẻ đôi, nhưng thơ nghịch thì đọc vanh vách, tràng giang.
Đọc xong thì cười, người nghe thấy tức. Ấy vậy nhưng không ai dám hỗn láo “bật” lại. Khi gặp phải tình huống như vậy, các cụ lại có cách nói lái đi chiều khác, dẫn ra cách hiểu khác, thành ra sự việc từ nghịch tai mà chuyển sang thuận tai, rất “mát lòng” là đàng khác.
Ông Du cho biết: “Tôi có bà thông gia là bà Hồ Thị Niềm, đã 85 tuổi nhưng còn nhớ và thụôc nhiều thơ nghịch lắm. Thơ nghịch làng tôi nhiều khi nghe chói tai, nhưng chẳng có chút gì tục tĩu cả”.
Ông Du giới thiệu cụ Hồ Sĩ Thuôn, là người cũng có biệt tài xuất khẩu thành thơ nghịch. Có lần, gặp mấy cụ già đang hì hục đào lỗ trồng cây mùa xuân, cụ Thuôn chọc bằng thơ: “Các cụ giồng cây ở vệ đường/ Cụ nào cụ nấy ngực giơ xương/ Chẳng cây nào sống toàn cây chết/ Xuân sau các cụ lại ra đường”.
Điều này làm các cụ trồng cây rất bực bội. Cán bộ văn hoá đến triệu tập cụ Thuôn lên uỷ ban, cụ thanh minh bằng thơ thuận rằng: “Các cụ trồng cây bên vệ đường/ Cụ nào cụ nấy mặt như gương/ Cây cao bóng cả hồn con cháu/ Xuân sau các cụ vẫn lên đường”. Thế là đành chịu, chẳng ai trách phạt được cụ. Tính cụ vẫn tếu táo như vậy.
Trẻ em làng Quỳnh dường như sinh ra là con nhà nòi, nên rất nhiều em có khả năng làm thơ nghịch. Sống trong không gian văn hoá làng xã, đoàn kết, thuỷ chung, tình nghĩa, trẻ em hiếu học và được giáo dục cẩn thận. Sau khi học hết phổ thông trường làng, các em đều có chí hướng thi đỗ vào đại học. Ở Hà Nội và Sài Gòn hiện nay, có rất nhiều người làm nhà báo, nhà văn là con em của Quỳnh Đôi.
Thơ châm biếm sẽ trường tồn
Làng Quỳnh Đôi là quê hương của nhà thơ trào phúng Dương Huy, trước đây làm Chủ tịch Hội VHNT Nghệ An, kiêm Tổng biên tập tạp chí Sông Lam. Cái xóm Luỹ làng Quỳnh của ông vinh dự, vì có đến 7 người là hội viên hội Nhà văn Việt Nam.
Hiện nay, các cụ các công của làng còn viết rất nhiều thơ châm biếm để cộng tác với các báo như báo Lao động cuối tuần, báo Làng Cười, Tuổi trẻ cười, tạp chí Thông tin cơ sở...
Các cụ nói rằng, tư tưởng chủ đạo của thơ nghịch làng Quỳnh là tinh thần vui vẻ yêu đời, phê phán thói hư tật xấu, bài trừ tệ nạn xã hội, ca ngợi người tốt việc tốt...
Từ hồi chống Pháp, cụ Hồ Sĩ Thuôn, ông Nguyễn Bá Du đã làm rất nhiều thơ thuê cho cả làng. Một số người không thể làm được thơ thì nhờ những “thần thơ” làm giúp để về đọc cho vui ngày xuân, răn dạy con cháu.
Mặt tích cực có thể nhìn thấy được là tệ nạn mê tín dị đoan bị bài trừ, đó là mấy vị hành nghề bị các cụ đọc thơ giễu đến mức bỏ nghề. Hay các đôi vợ chồng từ đó không đánh cãi nhau, bỏ nhau, tự tử nữa. Sợ mất mặt trước dân làng.
Cái hồn cốt của làng đã ngấm vào những em bé trong những câu thơ nghịch nhĩ, những buổi đàm đạo. Khi lớn lên cầm bút, chúng lại làm thơ nghịch, viết văn.
Để “thương hiệu” thơ nghịch của làng ngày càng phát triển, trường tồn. Những người trẻ tuổi của làng đã vận động các em ở tuổi thiếu nhi thành lập Câu lạc bộ nhí nhảnh, gồm khoảng hơn 30 em học sinh thuộc khối lớp 8. Họ hy vọng rằng đây sẽ là thế hệ những nhà thơ triển vọng của làng, bởi vì các em chẳng những học giỏi, có tâm hồn mà thơ cũng đầy chất sáng tạo.
Nguyễn Văn Học