Với việc xác định đầu tư phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, trong nhiệm kỳ 2005-2010, tỷ trọng của ngành dịch vụ ngày càng chiếm ưu thế và sớm đưa mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố từ Công nghiệp-Dịch vụ-Nông nghiệp sang Dịch vụ-Công nghiệp-Nông nghiệp trước năm 2010. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng chưa phải là chuyển dịch cơ cấu kinh tế trước hạn, mà chính là chất lượng và hiệu quả của ngành dịch vụ trong phát triển của thành phố.
Dịch vụ cảng biển cần phát huy được lợi thế của mình.
Chương trình hành động số 04-CTr/TU thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ thành phố (nhiệm kỳ 2005-2010) xác định “phát triển mạnh du lịch và các dịch vụ mà thành phố có thế mạnh, làm tiền đề chuyển nền kinh tế thành phố sang cơ cấu Dịch vụ-Công nghiệp-Nông nghiệp sau năm 2010” là Chương trình thứ 2, sau phát triển công nghiệp.
Thực hiện nội dung chương trình này, nhất là với việc xác định “sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế”, trong 5 năm qua, thành phố đã đầu tư một cách mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực liên quan để thúc đẩy dịch vụ du lịch phát triển. Về thu hút đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, với chính sách hợp lý, thành phố đã thu hút 55 dự án đầu tư về du lịch, với tổng vốn đầu tư 54 nghìn tỷ đồng. Các cơ sở du lịch lớn được đưa vào sử dụng như: Khu du lịch Bà Nà - Suối Mơ, SilverShore Hoàng Đạt, Xuân Thiều, Olalani, bán đảo Sơn Trà, nâng cấp khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, bãi tắm du lịch kiểu mẫu Mỹ Khê và T18…
Việc đa dạng hóa các loại hình du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, phát huy thế mạnh của thành phố cũng được chú trọng đầu tư; trong đó đặc biệt là sự ra đời của Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng được tổ chức hằng năm đã trở thành thương hiệu độc quyền, tạo cơ hội quảng bá hình ảnh của thành phố đối với khách du lịch quốc tế. Các mối quan hệ với những địa phương, nhất là với Thừa Thiên – Huế và Quảng Nam nhằm liên kết du lịch đã được triển khai mạnh mẽ và trở thành hiện thực; nguồn nhân lực phục vụ du lịch ngày càng được nâng cao…Các loại hình dịch vụ khác như: Thương mại, tài chính-ngân hàng, bưu chính-viễn thông, vận tải, y tế, đào tạo, tư vấn… cũng đã phát triển nhanh chóng nhờ những lợi thế về hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị ngày càng đồng bộ; vai trò trung tâm động lực vùng của Đà Nẵng ngày càng được phát huy…
Nhờ việc xác định và có sự đầu tư đúng hướng, biết khai thác lợi thế để tập trung cho phát triển dịch vụ mà du lịch là mũi nhọn, các chỉ tiêu đề ra trong Chương trình 2 của Chương trình hành động số 04-CTr/TU đã đạt và vượt một cách ấn tượng. Đáng chú ý, tổng lượt khách du lịch ước đạt 5,8 triệu người, trong đó khách quốc tế ước đạt 1,6 triệu (chỉ tiêu là 2 triệu lượt khách, trong đó có 800 nghìn khách quốc tế) với tổng doanh thu du lịch ước đạt 3.850 tỷ đồng, tăng 20,1% mỗi năm. Với tốc độ tăng giá trị sản xuất 15,6% mỗi năm (chỉ tiêu cả nhiệm kỳ là 14-15%), các ngành dịch vụ của thành phố đã dần chiếm ưu thế, với tỷ trọng của ngành trong cơ cấu kinh tế là 50,5% (chỉ tiêu đầu nhiệm kỳ là 48%; chỉ tiêu điều chỉnh giữa nhiệm kỳ là 50,1% vào năm 2010); từ đó sớm đưa cơ cấu kinh tế thành phố sang Dịch vụ-Công nghiệp-Nông nghiệp trước năm 2010.
Tuy nhiên, điều băn khoăn là việc “về đích trước hạn” trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố chưa thật sự mang ý nghĩa to lớn. Bởi trong những năm qua, đầu tư cho ngành Công nghiệp thành phố đã có dấu hiệu chững lại về quy mô và tốc độ, với giá trị sản xuất công nghiệp chỉ tăng 10,1%/năm (chỉ tiêu đề ra là 22-23%). Chất lượng và quy mô của các ngành Dịch vụ chưa thật sự bền vững, còn mang tính nhỏ lẻ và chưa mang tầm khu vực cũng như quốc tế, chưa khai thác được những lợi thế to lớn của thành phố. Doanh thu của ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch còn thấp do chưa có các sản phẩm thu hút khách du lịch quay trở lại nhiều lần, lưu trú nhiều ngày và tiêu nhiều tiền…
Đây là những vấn đề cần xem xét, khi trong nhiệm kỳ 2010-2015, thành phố tiếp tục xác định “phát triển dịch vụ đa dạng, với tốc độ tăng trưởng cao hơn khu vực sản xuất và cao hơn tốc độ tăng GDP; phấn đấu từng bước trở thành trung tâm dịch vụ lớn của đất nước; đầu tư phát triển du lịch bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” nhằm đạt chỉ tiêu cơ cấu GDP năm 2015 là: Dịch vụ: 54,2%; Công nghiệp, Xây dựng: 43,8% ; Nông nghiệp: 2,0%; giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng bình quân 17,6%/năm…
Anh Quân