Đất xứ Đoài còn chất chứa biết bao nhiêu bất ngờ chờ khám phá. Một điều làm nên những bất ngờ, đó là từ một thứ đá ong bình dị, các nghệ dân đã thổi hồn, biến chúng trở thành những bức tượng có hồn, biết nói.
Xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, Hà Nội được coi là “thủ phủ” của đá ong. Đến đây, khách đi dọc những con đường bình yên cong cong uốn lượn, hay núp bên những con ngõ xanh rờn sẽ được chiêm ngưỡng những chiếc cổng, bức tượng đá ong tuyệt đẹp, được đục, đẽo khá tinh vi.
Tượng đá ong - sản phẩm đặc sắc của xứ Đoài |
Những người dân một nắng hai sương này từ nhiều năm qua đã biết biến thứ đá có vẻ cộc cằn, vô hồn kia thành nghệ thuật. Đó là lọ hoa, lục bình, là những chú trâu hiền lành, là những chú hổ dũng mãnh, con chó thông minh, chú voi hay hình những chiếc tháp xinh xắn… Qua bàn tay của người thợ, cuộc sống bình dị nơi chôn quê tự bao lâu hiện lên thật đẹp.
Thuở xưa, người dân khai thác đá ong chủ yếu cũng chỉ để làm vật liệu xây dựng vì không mất tiền lại sẵn có trong tự nhiên, sau này họ phát hiện ra đá ong không chỉ là một loại vật liệu xây dựng rẻ, bền, đẹp mà còn có thể dùng làm được nhiều việc khác như tạc tượng và những đồ vật trang trí cho các công trình xây dựng… Vì thế người dân trong vùng mới nghĩ ra nghề mới để kiếm sống, đó là nghề làm đồ mỹ nghệ bằng đá ong. Nghề đá vô cùng cơ cực, cơ cực từ lúc chọn chỗ đất để mua, rồi thuê thợ xắn về thành từng khối theo ý đồ, rồi vận chuyển về sau đó mới đầu tư thời gian và tâm sức để “thổi hồn” cho nó.
Người nơi đây vẫn tự hào rằng: dù cái thứ đá lỗ chỗ, vàng sậm giống như tổ ong nhưng viên đá ong của xứ Đoài luôn có một vẻ đẹp bí ẩn, vững chắc. Cũng chính cái sắc vàng ấy luôn tạo cho con người ta cảm giác ấm cúng, thân quen. Vì thế mà từ xa xưa, ông cha đã chọn đá ong xây dựng nhà ở và các công trình kiến trúc khác. Nhiều thanh niên trai tráng trong vùng theo nghề tổ từ khi ở tuổi “bẻ gẫy sừng trâu”. Theo thời gian, nghề chế tác đá ong cũng có những lúc thăng trầm. Ở thời buổi hiện tại, người ta thích hoài cổ, ưa dùng đá ong cho những công trình kiến trúc như nhà cổ, cổng cổ, tường bao, các nhà vườn, vườn hoa cơ quan… Vì thế nghề kiến trúc đá ong đang có thời cơ trỗi dậy. Đá ong xứ Đoài, đặc biệt ở Thạch Thất đi khắp nơi, làm đẹp cho đời, cho hàng trăm khu vườn ở Hà Nội. Nghề làm đá có thu nhập cao hơn so với làm nông nhưng đòi hỏi phải đầu tư nhiều tâm sức, phải tỉ mỉ. Nhưng với tình yêu nghề, không ít người vẫn gắn bó, lấy đá ong như là nghiệp của mình.
“Đại gia” làm đá ong lớn nhất ở xã Bình Yên là anh Tăng Hữu Dũng (thôn Thái Bình), cũng là người sở hữu nhiều tác phẩm lớn và có nhiều thợ giỏi nghề nhất. Anh Dũng từng đi nước ngoài, đi nhiều tỉnh thành để thiết kế, đặt tượng đá ong theo hợp đồng, được người trong vùng coi như người “quảng bá văn hóa” . “Để giỏi nghề, không chỉ cần lòng đam mê mà phải có con mắt nghệ thuật, mắt nhìn chất lượng của đá. Tức là nhìn khối đá có thể phân tích được là làm con gì thì đẹp và lợi nhất”, anh Dũng tâm sự.
Ở xã còn có anh Trần Văn Nghiêm, cũng là người đam mê chế tác đá ong thành những con vật. Hơn mười năm qua, anh mê mải với nghề đến nỗi không nhớ mình đã làm ra bao nhiêu con vật lớn nhỏ. Mỗi con vật đều được ước lượng từ chính khối đá, rồi tay cầm đục mà đẽo, không hề có chuyện kẻ vẽ từ trước. Có một điều đặc biệt là anh không chỉ yêu nghề, làm theo đơn đặt hàng của khách, mà luôn ý thức giữ gìn nghề cho con cháu, phát huy giá trị văn hóa của cha ông.
Người dân miền đá ong Thạch Thất cũng đang có ước vọng biến nghề trở thành một “di sản” lưu giữ những vẻ đẹp bình dị. Thậm chí có người còn ước tạo ra một công viên, trưng bầy những con vật ngộ nghĩnh, gần gũi với đời sống người nông dân. Đó có lẽ là một ước mơ của tương lai, còn trước mắt người dân đang tích cực phát huy những giá trị từ truyền thống, không chỉ là nghề đá mỹ nghệ, mà công việc còn tạo ra thu nhập vững chắc, giúp vùng nông thôn này thay da đổi thịt từng ngày.
Sơn Bình