Không chỉ sở hữu bãi tắm đẹp, Hội An còn có những nét kiến trúc cổ kính trầm mặc và ẩm thực độc đáo. Tản bộ giữa khu phố cổ, du khách như đang lạc giữa khung cảnh của một bộ phim thời xưa với vô số đèn lồng rực rỡ sắc màu và trong âm vang của những chiếc loa đang phát nhạc du dương.
Một Hội An mộc mạc và trong veo
Trong khung cảnh sáng sớm, tiếng gà gáy hòa lẫn đâu đó tiếng chim hót rộn ràng, bên những hàng quán mộc mạc bán đầy đồ ăn sáng, gương mặt mọi người đều vui tươi, phấn khởi đón chào ngày mới.
Phương tiện di chuyển ở đây chủ yếu là xe đạp hoặc đi bộ hơn là xe máy. Đường phố không bụi bặm, không ồn ào, tất cả đều nhường chỗ cho sự nhẹ nhàng, yên bình, giúp xóa tan những mệt mỏi trong cuộc sống.
Những con người thuần hậu, chất phác
Từ những cụ ông, cụ bà cho đến các cô gánh hàng rong, bác lái xích lô… tất cả đều rất thân thiện với nụ cười thường trực trên môi. Tiếng nói, tiếng chào nhau của người dân thật nhẹ nhàng, từ tốn đậm nét đặc trưng của người Việt.
Bên dòng sông Thu Bồn êm ả, cuộc sống nơi đây vẫn tiếp tục phát triển nhưng vẫn giữ được nét văn hóa, truyền thống của quê hương.
Đến Hội An, du khách sẽ bắt gặp những gánh hàng rong với nhiều món ăn ngon và đậm nét. Các gian hàng vải, hàng tranh, hàng lụa nằm san sát nhau với những bảng hiệu được làm thủ công tỉ mỉ và khéo léo. Một thành phố du lịch nhưng lại không ồn ào, tấp nập, để lại trong lòng lữ khách những vấn vương về nét giản dị, xưa cũ vẫn đang được duy trì và bảo tồn.
Đó là lý do khiến cho Hội An, dù đi qua bao nhiêu năm lịch sử, vẫn luôn thu hút du khách gần xa tìm về.
Nơi gìn giữ làng nghề truyền thống hơn 1.000 năm
Hội An xưa kia từng là một thương cảng sầm uất và trung tâm buôn bán lớn nhất vùng Đông Nam Á. Hàng hóa nơi đây được luân chuyển khắp nơi, trong đó có cả yến sào, được mệnh danh là đệ nhất bát trân ngự thiện lúc bấy giờ, xếp vào vị trí thứ nhất trong 8 món ăn quý hiếm chỉ dành cho các bậc Vua chúa, Hoàng hậu và các phi tần trong hoàng cung.
Từ xa xưa, yến sào đã được buôn bán khắp nơi, trở thành nét đặc trưng riêng của Hội An.
Nghề yến ở Hội An đã tồn tại hơn 1.000 năm qua, hiện vẫn được các thế hệ sau tiếp tục gìn giữ và phát triển. Nghề khai thác yến được xem là một nghề khá nguy hiểm vì phải leo trèo lên các vách đá cheo leo mới lấy được tổ yến. Vì vậy, để tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân đã có công khai sinh và phát triển nghề khai thác yến sào, người dân nơi đây đã xây dựng ngôi miếu Tổ nghề yến.
Năm 2016, nghề khai thác yến sào ở Cù Lao Chàm (Hội An) đã được Bộ Văn hóa Thông tin và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Do đó, yến sào là một trong những gợi ý quà tặng khi tới miền đất này.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu