Khi Ban tổ chức phải kêu gọi lương tâm khán giả
Trong những đêm diễn của liên hoan âm nhạc “Gió mùa” diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long vừa qua, một điều làm đau đầu Ban tổ chức, đó là nhiều chương trình hay, hấp dẫn, giá vé rẻ (thậm chí, đêm biểu diễn của ban nhạc rock huyền thoại Scorpions chỉ có giá chưa đến 700 ngàn đồng/vé), nhưng vé bán ra khá chậm một cách đáng ngại. Chưa kể, một lượng lớn vé mời đã ra ngoài thị trường và biến thành vé “chợ đen”, được bán thấp hơn so với giá vé chính gốc. Đến mức, nhiều thành viên Ban tổ chức đã phải lên mạng kêu gọi người yêu nhạc “nói không với vé chợ đen” để bảo vệ buổi diễn.
May mắn, đa phần khán giả là những người có tâm trong thưởng thức nên đã từ chối lực lượng vé “chợ đen” rầm rộ để vào tận quầy vé mua với giá đúng, dù cao hơn. Đó cũng là một tín hiệu vui trong văn hóa thưởng thức âm nhạc của người dân Thủ đô.
Ở một chiều ngược lại, không phải bao giờ vé “chợ đen” cũng bị từ chối, có những khi nó làm ảnh hưởng không hay đến những đêm diễn. Trong những đêm diễn của Đêm hội Rock Sài Gòn 1, 2, 3 và những lễ hội rock trong những năm gần đây, giới trẻ yêu rock đã có những dân chơi miễn phí đầy hào hứng, cháy hết mình.
Tuy nhiên, đến hẹn lại lên, năm nào cũng vậy, vé được phát miễn phí nhưng vẫn có nhiều người có nhu cầu mà vé không đến tay. Trước đêm diễn vài giờ, cánh “chợ đen” đứng đông kín trước cổng ra vào, rao bán vé với giá 20 – 50 ngàn/vé. Và nhiều khán giả đã phải ngậm ngùi bỏ tiền ra mua những chiếc vé mà mình đáng ra được nhận miễn phí. Điều này cũng gây nên một sự náo loạn, tắc nghẽn phía trước khu vực cổng ra vào đáng kể.
Tất nhiên, sau mỗi đêm diễn, cánh “chợ đen” thì hốt bộn tiền, không chỉ vậy còn khiến những đêm nhạc phi lợi nhuận bị ảnh hưởng. Rút kinh nghiệm, nhiều đêm hội rock đã chọn những sân chơi rộng lớn và mở cửa miễn phí cho khán giả để tránh tình trạng trên.
Trong đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2016 diễn ra tại TP HCM vừa qua, giá vé cao ngất của đêm diễn đã gây nhiều bán tán cho dư luận. Tuy nhiên, nhiều ngày trước khi đêm chung kết diễn ra, có thông tin vé đã bán hết, đặc biệt các vé hạng bạch kim, kim cương.
Vé bán trên thị trường cao gần 50% so với giá gốc, tức vé bạch kim lên tới 40 triệu đồng/vé. Cánh phe vé có khá nhiều mánh khóe để săn được những tấm vé hạng cao, đặc biệt là tại những buổi diễn thu hút dư luận và có khả năng cháy vé.
Diamond Show của Đàm Vĩnh Hưng vừa diễn ra mới đây tại Nhà hát Hòa Bình, TP HCM, không ít phóng viên, nghệ sĩ có vé mời đã bị lực lượng “cò” vé chặn đứng ngay cửa nhà hát để ngã giá đòi mua lại vé với mức giá từ vài trăm đến trên 1 triệu đồng. Một vài khách mời không rõ xuất xứ đã có trên tay khá nhiều tấm vé mời, đem bán lại cho cò vé thu về vài triệu đồng. Tiếp sau đó là những cuộc ngã giá bán lại cho người mộ điệu với giá gấp đôi, gấp ba giá vé khách mời vừa được mua vào. Đó là quang cảnh khá hỗn loạn nhưng quen thuộc tại các show diễn lớn.
Còn nhớ, năm 2015, liveshow “Tự tình quê hương 5” của ca sĩ Cẩm Ly diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình đã trở thành một trong những show diễn có vé “chợ đen” nhiều nhất và bị nâng giá cao nhất. Trước 10 ngày khi đêm live show diễn ra, các trang web lẫn phòng vé qua mạng, trực tiếp đều thông báo là cháy vé, không còn một vé để bán cho khán giả, dù giá vé vip tới 5 triệu đồng/vé.
Tuy nhiên, đến tận ngày biểu diễn, vé “chợ đen” vẫn được rao bán mạnh mẽ trên thị trường, với giá cao nhất lên đến 10 triệu đồng/vé, các vé thường đều bị đội lên gấp đôi. Đây là một show diễn dân ca có đầu tư công phu và Cẩm Ly đã phải mất 2 năm chuẩn bị kĩ lưỡng, nhiều khán giả một điệu cũng mong mỏi được đến xem, thế nhưng, vé “chợ đen” đã làm nhiều khán giả bình dân chậm chân mất đi cơ hội.
Ai tuồn vé cho “chợ đen”?
Nhiều đêm diễn của các sao thần tượng nước ngoài cũng thế, giá vé thị trường đã được cân nhắc sao không vượt quá tầm tay của fan hâm mộ, hầu hết là sinh viên, học sinh. Thế nhưng vé chưa ấm ở phòng vé đã được tuồn ra “chợ đen”, lên gấp 3, 4 lần. Có đêm diễn của sao Hàn, giá gốc 1 triệu nhưng vé bán ra trên 4 triệu đồng, nhiều fan hâm mộ tuổi teen không mua được vé, đứng khóc ròng ngoài cổng.
Vé “chợ đen” là một tình trạng phổ biến tồn tại nhiều năm nay trong thị trường biểu diễn, thậm chí đôi khi lực lượng này còn tác động ngược lại đến tình trạng phòng vé. Có cả những trường hợp, chính nhân viên các phòng vé hoặc người nhà Ban tổ chức tuồn vé ra ngoài cho cánh “chợ đen” để kiếm lời. Vé “chợ đen” lộng hành đã gây thiệt hại cho cả nhà tổ chức biểu diễn lẫn khán giả. Biết là thế nhưng cho đến nay, tình trạng này vẫn không thể nào giải quyết rốt ráo được, bởi có muốn, cũng không biết phải giải quyết bằng cách nào, truy ở đâu?.