Theo Quyết định số 567/2010 của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành về “Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020”, mục tiêu đến năm 2015 phát triển sản xuất và sử dụng loại vật liệu không nung thay thế gạch đất sét nung với tỷ lệ 20-25% và nâng lên 30-40% vào năm 2020, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công. Từ năm 2011, các công trình nhà cao tầng (từ 9 tầng trở lên) sử dụng tối thiểu 30% vật liệu xây dựng không nung loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây.
Lộ trình
Từ năm 2011, công trình xây dựng cao trên 9 tầng bắt buộc sử dụng VLXDKN. |
Theo chương trình, bằng công nghệ tiên tiến, sẽ có 3 chủng loại vật liệu xây không nung (VLXKN) được phát triển sản xuất và sử dụng là gạch xi-măng - cốt liệu, gạch nhẹ và các loại gạch khác. Trong đó, gạch xi-măng - cốt liệu được ưu tiên phát triển và sử dụng, với tỷ lệ khoảng 74% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020 trên tổng số VLXKN; gạch nhẹ (gồm 2 loại gạch từ bê-tông khí chưng áp và gạch từ bê-tông bọt) chiếm tỷ lệ khoảng 21% vào năm 2015 và 25% vào năm 2020. Còn các loại gạch khác, bao gồm gạch đá chẻ, gạch đá ong, VLXKN từ đất đồi và phế thải xây dựng, gạch silicát... đạt tỷ lệ khoảng 5% vào năm 2015. Sẽ có 3 nhóm giải pháp, gồm giải pháp về cơ chế chính sách, về khoa học công nghệ và về thông tin, tuyên truyền. Trong đó, các dự án chế tạo thiết bị sản xuất VLXKN nhẹ và sản xuất gạch xi-măng - cốt liệu công suất từ 7 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm trở lên, ngoài các chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu, thu nhập DN, ưu đãi và hỗ trợ khác theo quy định hiện hành, còn được hưởng ưu đãi như đối với các dự án thuộc chương trình cơ khí trọng điểm.
Những năm vừa qua, cùng với sự tăng trưởng kinh tế, sản xuất VLXD của Việt Nam đã có những bước phát triển lớn, cả về số lượng, chất lượng và chủng loại, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và bước đầu đã thu được một số kết quả trong xuất khẩu. VLXD của Việt Nam cơ bản đã bắt kịp được tiêu chuẩn chất lượng cũng như thẩm mỹ của sản phẩm cùng chủng loại trên thế giới. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng VLXKN của nước ta đến cuối năm 2009 mới chiếm 10% trên toàn bộ vật liệu xây, trong khi tại các nước công nghiệp phát triển, sử dụng loại vật liệu này đã chiếm trên 60%.
Tương lai cho dòng sản phẩm mới
Mới đây tại Đà Nẵng, Hội VLXD Việt Nam và Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) đã tổ chức hội thảo quốc tế để nâng cao nhận thức và mở đường cho đầu tư sản xuất, sử dụng VLXKN. Theo Vụ VLXD, hiện tại sản lượng VLXKN trên thị trường chỉ chiếm từ 4-7% tổng sản lượng gạch toàn quốc. Các sản phẩm nhập khẩu có giá bán quá cao, có loại lên đến 150 USD/m3 do sử dụng công nghệ sản xuất của CHLB Đức. Có thể mừng là một số nhà cung cấp công nghệ như Teeyer (Trung Quốc) đang chào hàng những dây chuyền công nghệ rất hiệu quả, suất đầu tư tốt hơn khiến giá bán dự kiến có thể ở mức 1,2 triệu đồng/m3. Ngoài lý do suất đầu tư thấp, VLKN còn hấp dẫn ở điểm sử dụng nguồn tro xỉ, tro bay thải ra của các nhà máy nhiệt điện, hoặc sử dụng cát, đá mạt, đá chẻ khác trong tự nhiên.
“Để đưa VLXKN vào cuộc sống, cần phải tổ chức tốt công tác tuyên truyền, thông tin để cho các cơ quan quản lý Nhà nước, các chủ thể trong hoạt động xây dựng và mọi người dân nhận rõ những ưu điểm, lợi thế trong việc sản xuất, sử dụng VLXKN, đồng thời thấy được những tác động tiêu cực của việc sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung không theo quy hoạch, để tập trung mọi năng lực phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN, góp phần phát triển ngành công nghiệp VLXD nước ta hiện đại, bền vững”. (Tiến sĩ Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam) |
Theo ông Phạm Văn Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ VLXD, “định hướng đến 2020, VLXKN chiếm khoảng 30-40% vật liệu xây tưởng chừng khiêm tốn, nhưng rõ ràng trên nền tảng cơ chế, chính sách hiện hành và thực tế đời sống xây dựng, chặng đường để đạt được mục tiêu khiêm tốn đó cũng không hề dễ dàng”.
Chủ tịch Hiệp hội VLXD - Tiến sĩ Trần Văn Huynh chia sẻ: “Hiện nay trên cả nước đã có khá nhiều DN đầu tư dây chuyền thiết bị sản xuất gạch không nung nhưng việc tiêu thụ rất hạn chế. Để chương trình phát triển VLXKN thành công, Nhà nước cần có chính sách cho vay vốn ưu đãi đầu tư, miễn giảm thuế VAT từ 0-5% để DN có điều kiện giảm giá thành sản phẩm, đồng thời có những chính sách cứng rắn để từng bước giảm áp lực cạnh tranh không sòng phẳng giữa hai ngành VLXKN và vật liệu đất sét nung. Từ đó thiết lập thói quen tiêu dùng về vật liệu xây”.
Được biết, tại Đà Nẵng đã có nhiều DN đầu tư sản xuất VLXKN mà điển hình là sản phầm gạch bê-tông siêu nhẹ của Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại DIC-Intraco Đà Nẵng. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, sự ra đời của gạch bê-tông nhẹ DIC-Intraco là một xu thế tất yếu, phù hợp với sự phát triển của ngành Xây dựng, đặc biệt càng có ý nghĩa trong bối cảnh TP. Đà Nẵng đang định hướng xây dựng một thành phố môi trường. Gạch bê-tông không nung DIC-Intraco được sản xuất trên dây chuyền tự động hiện đại theo công nghệ của Đức. Gạch bê-tông siêu nhẹ DIC-Intraco có đặc tính tối ưu về độ bền, nhẹ, tiết kiệm năng lượng, cách âm, cách nhiệt, khả năng chịu lực, xây dựng nhanh, dễ dàng cắt và đặc biệt là rất thân thiện với môi trường.
Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG